Ràng buộc lợi ích

07/12/2010 00:11 GMT+7

Thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và Hàn Quốc về mậu dịch tự do được cả hai phía hết lời ca ngợi. Đối với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, hiệp định này có ý nghĩa to lớn "vì nó phản ánh lợi ích cân bằng của cả hai nước và tạo cơ sở để hai bên cùng có lợi".

Còn đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cả hai nước đều được lợi và thắng lợi nhờ hiệp định này. Việc phê chuẩn hiệp định trong nghị viện ở cả hai nước chắc sẽ không gặp trở ngại lớn, cho dù phe đối lập Hàn Quốc chưa thật hài lòng với mức độ nhượng bộ của Mỹ và tương quan lực lượng trong lưỡng viện lập pháp ở Mỹ đã thay đổi theo hướng bất lợi hơn đối với ông Obama.

Sau hơn 3 năm đàm phán và không thể loại trừ áp lực chính trị từ bối cảnh tình hình chính trị an ninh mới trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc mới đạt được thỏa thuận. Đối với Mỹ, đây là thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do sâu rộng nhất kể từ khi Mỹ cùng với Mexico và Canada thành lập Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994. Hiệp định này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập được khu vực mậu dịch tự do với cả Mỹ, EU, ASEAN và Ấn Độ. Điểm đối với bên này và diện đối với bên kia, nhưng hiệp định là bàn đạp đối với cả hai ở khu vực thị trường của nhau. Nó sẽ thúc đẩy Mỹ và Hàn Quốc vươn tới thỏa thuận tương tự với các đối tác khác ở hai khu vực và đồng thời cũng tạo ra áp lực thúc đẩy quá trình ấy.

Thỏa thuận trong vòng 5 năm tới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan nhằm vào ô tô của nhau là nhượng bộ mấu chốt nhất và chắc chắn cũng sẽ là nội dung mà cả hai chính phủ dễ bị tổn thương nhất trước sự chống đối của phe đối lập. Tăng cường xuất khẩu và tạo thêm công ăn việc làm nhờ khu vực mậu dịch tự do sẽ có tác động tích cực tới uy tín của chính phủ ở trong nước. Sự ràng buộc lợi ích kinh tế thương mại đương nhiên còn làm cho quan hệ hợp tác về chính trị an ninh giữa Mỹ và Hàn Quốc thêm gắn bó và hiệu quả hơn.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.