'Bữa tiệc' - Truyện ngắn của Mai Sơn

26/11/2005 16:57 GMT+7

Nàng cầm cành hoa hồng đưa lên mũi. Chiếc mũi nhỏ hơi nghiêng xuống, thấy rõ một đường thẳng ánh lên giữa khuôn mặt, hai cánh mũi khẽ động đậy. Lúc này, chỉ với khứu giác thầm kín của mình thôi, nàng đang chiếm hữu anh từ từ. Nàng hơi hé môi như hớp một ngụm không khí. Bất giác nàng lim dim mắt, ngửa cổ lên: một cây gai đâm nhẹ vào dưới cằm.

Nàng chờ cho chút xíu đau nhức đó mạnh dần lên. Nàng đẩy nhẹ đóa hoa lên chỗ giữa trán, cảm thấy màu đỏ của đóa hoa lan dần khắp khuôn mặt, xuống cổ, xuống hai vai, hai cánh tay, chảy nhanh xuống hạ thể. Gần hai chục người trong phòng, cả đàn ông và đàn bà, đều không ai hay biết một cơn rúng động dữ dội vừa tràn qua thân thể nàng. Nàng đặt cành hoa xuống bàn, cẩn thận xê xích cho nó nằm đúng giữa cái chén, và phải mất hồi lâu mới giữ được thăng bằng cho đóa hoa hướng lên trên. Nhưng ngay lập tức, nàng thấy những cánh hoa có vẻ như ủ rũ. Nàng vội vàng xoay nhẹ cành hoa để đóa hoa nghiêng xuống.

Anh đang tưởng tượng ra điều đó.

Chính anh là người duy nhất mua một cành hồng ngoài phố mang đến đây tặng nàng. Đây là bữa tiệc mừng nàng vừa mới bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Không hiểu sao ngoài anh không ai nghĩ đến hoa. Tất cả đều chỉ mang theo những gói quà kín đáo. Có lẽ họ đã vượt trên sự lãng mạn từ lâu rồi. Chỉ còn anh lơ ngơ giữa cuộc đời này. Chỉ còn anh ngây thơ tin rằng trên đời này còn sự tế nhị. Anh dường như không bao giờ có thể ăn nhập với xung quanh. Với người này, anh cảm thấy thẩm mỹ về âm nhạc của anh là cái cản trở anh đến với họ. Với người kia, cách phát biểu cứ đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ chỗ trước mắt đến khái quát, từ chỗ dễ hiểu đến mơ hồ của anh khiến họ nghe một vài lần thấy thích nhưng dần dần thấy chán, cảm thấy đó không phải là ngôn ngữ của đời sống này.

Nói cho đúng thì anh mặc cảm. Mặc cảm của kẻ khước từ sức lôi cuốn của cuộc sống vì trực giác cho thấy đó là sức lôi cuốn của cái chết. Một lần anh chỉ cho người bạn dòng xe cộ chạy ào ào ngang hông nhà thờ Đức Bà đổ về đường Đồng Khởi: "Đó, thấy chưa, không phải là họ bị cái chết cuốn hút đó sao?". Gần như ai ai cũng dự phóng ném mình vào ngày mai, vào tương lai, gần hay xa, với những hứa hẹn, những dự án, những chờ đợi; ai ai cũng lấy tương lai làm lẽ sống; ai ai cũng quên mình trong hiện tại.

Như ở đây, từng đoàn người tranh nhau lao vào cái miệng há to của cái chết đặt ở đầu đường Đồng Khởi. Nhưng họ không biết điều đó, vì nếu biết, họ đã chạy chậm lại, hoặc dừng lại, không chạy nữa. Lúc đó anh tự nhủ, mình là kẻ đi rất chậm trong cuộc đời này, có lẽ để tránh sự lôi cuốn của cái chết, hoặc có lẽ sự lôi cuốn đó không hấp dẫn được anh. Anh đi chậm từ nhà đến cơ quan, đi chậm trong công viên mỗi sáng, vừa đi vừa hình dung từ những ngõ ngách nào, cái chết đang quăng ra tấm lưới dịu êm đón bắt mình.

Anh không hòa nhập được với chung quanh cũng vì anh mang đủ thứ bệnh trong người: cao huyết áp, thấp khớp, viêm mũi dị ứng, viêm dây thần kinh ngoại biên ở hai bàn tay. Chưa tới năm mươi mà bệnh hoạn như vậy cũng là bất hạnh chứ sao.
Nhiều người ái ngại vì thấy lúc nào anh cũng mang trong người cả một đống thuốc, sáng sáng bên ly trà vỉa hè lại nốc một bụm thuốc đủ màu. Nhưng cũng có người chán anh, bảo anh khôn vặt khi thấy anh bỏ thuốc, bỏ nhậu. Riêng cái chuyện bỏ nhậu nhẹt là mệt mỏi nhất. Ở giữa Sài Gòn này, mang tiếng là văn nghệ sĩ, lại đã từng một thời nhậu khét tiếng, kháo chuyện vui vẻ, nhất là chuyện sex, tự dưng bỏ ngang không nhậu nữa thì hoặc bị cho là cao đạo dừng bước giang hồ, hoặc bị cho là hết thời, cạn kiệt sáng tạo, biến chất nghệ sĩ; tóm lại là kẻ "khó chơi". Vậy là anh ngày càng cách xa họ, cả những kẻ ái ngại thương hại lẫn những kẻ ghét bỏ. 

Anh không chơi được với ai, hay đúng hơn, không thể thân tình được với ai, còn vì anh có cả một gánh nặng chiến tranh trong lòng chưa bao giờ cất đi được. Chưa cất đi được thì chưa thể sống nhẹ nhàng thoải mái được. Nó như là bóng ma trong nhà cứ quấy ám, không làm ăn gì được, nhưng không biết cách nào xua đuổi nó. Biết là không thể thay đổi nhưng vì nghe ai đó bảo rằng, nếu viết ra, sẽ nhẹ đi, sẽ thanh toán được phần lớn dĩ vãng, nên anh cứ loay hoay với nó mà không chú tâm đến điều gì khác.

Một ai đó đứng lên nói những lời chúc tụng. Anh chăm chú nhìn chai bia Heineken trước mặt. Anh rất thích màu xanh của chai bia. Có khi nào nàng bận một chiếc áo có màu như vậy không? Anh cố tưởng tượng ra, và không tưởng tượng được.
Một tràng pháo tay vang lên. Một người đàn ông khác đứng lên, hắng giọng, chuẩn bị hát. Anh ta hát khá hay. Một ca khúc của Phạm Duy. Tạo sao lại Phạm Duy? Anh để ý thấy nàng cũng chăm chú lắng nghe. Cử chỉ đó làm anh cảm động. Giữa chốn này vẫn còn một chút nghiêm trang cho một ca khúc hay. Rồi bỗng dưng anh nhớ một kỷ niệm với cô bạn gái học chung lớp mười hai cách đây ba mươi năm. Một buổi trưa tan học, anh không về nhà mà mua một ổ bánh mì ngồi lại trong lớp, chờ học tiếp buổi chiều. Ăn xong chợt nổi hứng, anh lên ngồi vào bàn của thầy giáo, rồi nghêu ngao hát, hết bài này đến bài khác, mắt mũi lim dim. Bất chợt anh thấy ngoài cửa lớp những sợi tóc bay bay. Anh ngừng hát, nhìn ra, không thấy gì hơn ngoài những sợi tóc, nhưng anh biết ngay đó là cô bạn gái, người có mái tóc dài nhất trường. Anh lúng túng tưởng như mình mới phạm tội gì đó. Mà sao nàng lại táo bạo dữ vậy?

Nhiều năm rồi anh không hát. Nhạc, nhạc, nhạc suốt ngày khiến có lúc anh nghĩ chính những lúc không có nhạc, không có giai điệu gì mới đúng là những khoảnh khắc của âm nhạc đích thực. Im lặng là âm nhạc. Nhưng một lần khác, khi ngồi trong một quán nhậu bình dân chợt nghe một đoạn trong symphony Hồ Thiên Nga, anh phát run lên. Như thể anh là người bị cầm tù lâu năm một hôm được nhận thư nhà.
Khi bài hát chấm dứt, những tiếng vỗ tay chấm dứt, một điệu múa tập thể của chén đũa và những bàn tay diễn ra trên suốt chiều dài bàn tiệc. Anh nhớ mẹ anh. Có những bữa cơm, bà chống đũa ngao ngán khi một bầy bảy đứa con đói ăn khua đũa muỗng tới tấp đan kín cái mâm tròn nhỏ. Bà chì chiết: "Tụi mày múa kiểu này làm sao tao ăn được?". Anh lên tiếng đùa: "Má vậy là không thua gì vua chúa hồi xưa, vừa ăn vừa được chiêu đãi văn nghệ". Bà không hưởng ứng câu đùa của anh. Hình như anh chưa bao giờ thấy mẹ cười vui. Người ta sẽ không bao giờ cười vui được nữa khi một lần trong đời bị nhục nhã đến tận cùng, nỗi nhục nhã của một phụ nữ đẹp phải cúi đầu trước một phụ nữ xấu xí.

Ấy là vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 khét tiếng trong lịch sử Việt Nam. Súng nổ tứ bề và đạn pháo rít từng hồi trên đầu. Nhà không có hầm trú ẩn (chưa kịp làm hay không làm vì không có tiền, anh không nhớ rõ). Mẹ anh dắt díu một bầy con sang gõ cửa nhà người phụ nữ lùn tịt xấu xí giàu có. Anh nhớ, bà ta tên Lộc, chồng bà là thượng sĩ xử lý thường vụ một đại đội gì đó trong tiểu khu Q., thỉnh thoảng lái xe jeep về nhà. Nhà bà Lộc có căn hầm xây nổi trong nhà, rất kiên cố. Mẹ anh năn nỉ gần như muốn quì xuống trước vẻ mặt khinh miệt của bà. Rồi bà Lộc cũng không còn cách nào khác, phải cho cả sáu mẹ con anh vào nhà, vào hầm.

Bà Lộc và hai đứa con của bà nằm dài giữa hầm. Cái bóng đèn vàng như trái bóng bàn soi những thành viên lớn nhỏ của gia đình anh ngồi dựa vào bốn chung quanh vách, cố khép chân tay hết mức (theo lời căn dặn của mẹ) để khỏi đụng vào thân thể của ba mẹ con bà Lộc. Cái bóng đèn vàng ấy cũng soi cho anh thấy bà Lộc vừa xấu xí vừa dị dạng, vừa đáng ghét hơn cả bom đạn ngoài kia nữa. Vậy mà mẹ anh, người đàn bà từng là hoa khôi của thành phố Nha Trang, phải ngồi đó như chầu, như chiêm ngưỡng bà Lộc, vì không biết phải nhìn vào đâu, cũng không thể nhắm mắt, vì phải mở mắt để canh chừng mọi cử động của con cái, không để chúng đụng đến ba báu vật giữa căn hầm kia.

Nhưng bà Lộc phải chiêm ngưỡng mẹ anh mới đúng chứ?!

Từ đó, mỗi lần chứng kiến một đám người đang tập trung nhìn ngắm một người nào đó anh lại khó chịu, cảm thấy họ đang bị bắt buộc phải làm như vậy, hoặc tệ hơn nữa, anh thấy có điều gì không thật trong cảnh tượng đó. Một cảnh tượng giả. Một quan hệ giả. Như lúc này đây, gần hai chục người đang chăm chú nhìn một người, tìm mọi cách làm vừa lòng người đó. Một cảnh tượng giả tạo, được dựng nên từ sự sợ hãi và sự phụ thuộc cộng lại của từng người.

Anh đã thành bệnh nhân của Freud từ cái đêm ngồi bó gối trong căn hầm nhà bà Lộc, thấy cuộc tụ tập chiêm ngưỡng nào cũng hàm chứa ác cảm. Nhưng người phụ nữ này đáng cho anh nhìn ngắm chứ. Nàng xinh xắn thế kia mà. Và duyên dáng nữa. Nhưng quyền lực của nàng ở đâu? Nàng không có vũ khí trong tay, không gài mìn trong phòng tiệc này. Nàng không phải là những tên khủng bố chết chóc đi lại giữa cả ngàn trẻ em và người lớn đưa tay lên đầu, mặt không còn giọt máu, mắt lấm lét nhìn chúng trong phòng tập thể dục của ngôi trường số I thành phố Beslan.

Cái biến cố khủng khiếp của nước Nga đã làm anh buồn nôn mất mấy ngày. Anh ghi vào sổ tay của mình: "Tôi không đáng làm người. Tôi nhục nhã quá. Đáng lẽ người lớn chúng tôi phải đưa nhẹ vành nôi, ru các em ngủ. Đáng lẽ người lớn chúng tôi phải trao tận tay các em những ly nước sạch mát, những miếng bánh thơm ngon. Vậy mà khi các em khát quá, đói quá, bức bối quá, thiếu vắng sự ấm cúng thường ngày, các em vùng chạy đi thì người lớn "chúng tôi" đã nhắm vào lưng các em, bắn hàng loạt và chính xác. Một lần nữa thế giới đã trở nên trống rỗng và mất hết ý nghĩa. Những kẻ luôn miệng đòi thiên đường có cảm thấy mình mọi rợ không?".

Nhưng rõ ràng ở đây có rất nhiều con tin của nàng. Có thể anh cũng là một con tin. Anh không thiết ăn uống, không thấy có lý do gì phải ngồi tiếp ở đây, nhưng anh không muốn đứng lên ra về.

Nàng rời khỏi chỗ ngồi, trên tay là ly bia vàng với một đám bọt trắng và những ngón tay xinh móng tím. Anh không nhìn nàng nhưng cảm nhận được sự di chuyển của những đường cong. Sự quyến rũ đang di chuyển.

Anh liên tưởng đến một phát kiến mang tính trực giác kiểu tiền Socrates của mình: trong thiên nhiên không có đường thẳng, mà chỉ toàn những đường cong. Tuyệt đối. Người ta chỉ thoáng thấy một đường chớp rạch ngang bầu trời khi ban đêm nhìn lên thấy sao băng, và người ta mô phỏng theo nó, từ đó mới có những đường thẳng nhân tạo. Phụ nữ cũng vậy. Nàng cũng vậy. Anh sẽ trực giác một đường thẳng nào trên thân thể nàng?

Nàng đến bên anh. Sự quyến rũ và những đường cong đang dừng ở đây, không hề biết rằng anh không chuẩn bị đón nàng như một thượng khách. Anh tự ý giảm trừ người đàn bà này thành một đối tượng của sự thèm muốn trong anh. Nàng có vẻ biết được điều đó (người phụ nữ nào mà không nhạy cảm về điều đó trước cái nhìn táo bạo của người đàn ông?). Vậy thì ai sẽ bị hiểm nguy? Cả hai người chăng? Nhưng chắc gì đó là hiểm nguy chứ. Vậy thì đẩy nàng ra xa hay dụ cho nàng đến gần?

- Sao ly bia của anh không chịu vơi đi thế này? - vừa nói nàng vừa chạm nhẹ cái ly đã vơi một nửa của nàng vào cái ly đầy tràn của anh.

Cách nói năng phóng khoáng của nàng làm anh đột nhiên thấy hứng khởi. Anh đứng dậy:

- Chúc mừng cô. Hương vị thành công của cô hấp dẫn hơn cả bia nữa - Anh buột miệng, nhưng lập tức anh tin vào điều mình nói: nàng có thể làm anh say theo một cách nào đó. Một thoáng ngần ngại cảnh giác hiện trên mặt nàng. Chắc có lẽ do anh dùng chữ "hương vị". Và trong đầu nàng một phép lược giản từ ngữ đang tự động diễn ra?

- Chỉ có sự thành công của tôi và bia được đem ra so sánh với nhau, còn bản thân tôi thì không là gì cả, hả anh?- Nàng nói, rồi cười vang, rồi quay đi.

- Cô nói vậy mà không sợ sơ hở sao?

Nàng ngập ngừng đứng lại:

- Sơ hở gì hả anh?

- Vì tôi sẽ nói rằng: bản thân cô thì không có gì để so sánh được.

Nàng lại cười vang, vẻ đắc thắng, như thể anh vừa sập bẫy. Nhiều người trong phòng quay nhìn anh và nàng.

- Anh mới là người sơ hở.

- Vì sao?

- Vì rõ ràng nãy giờ anh im lặng như gỗ đá, nhưng tôi chỉ mới đến gần một chút, anh đã để lộ một góc nhỏ tâm hồn anh, cái góc dành cho phụ nữ ấy.

- Cô đến gần quá, tôi phải tự vệ thôi.

-Trời, anh tự vệ kiểu gì vậy? Tôi sẽ về chỗ của tôi, nhưng hy vọng anh đừng về sớm khi chưa tàn tiệc.

- Cô chỉ hy vọng về tôi nhỏ nhoi vậy thôi sao? - Vừa nói anh vừa cười.

- Không nhỏ đâu anh.

Nàng đi rồi, anh lập tức ngồi xuống, ngạc nhiên sao mình lại có thể miệng lưỡi ngọt ngào đến thế trong khi những ý tưởng u ám chưa dứt trong đầu.

Anh không hiểu điều gì đang xảy ra trong lòng mình. Có phải là sự trống rỗng? Có phải là tuyệt vọng? Hay chỉ là những cảm giác lười biếng, mệt mỏi, bệnh tật? Hay vì thiếu sự ấm áp của tình yêu? Vì sao anh không vui lên được? Vì sao nỗi bi quan cứ ăn dần ăn mòn tâm trí anh? Có lúc anh nghĩ, chỉ cần mình quên được sức mạnh khủng khiếp của ngoại cảnh, có lẽ mình sẽ vui sống biết bao. Anh cảm thấy mình như người bơi ngược giữa cơn lũ lớn, sức lực cứ cạn dần. Nhưng khi anh quay mặt đi với cái khối trừu tượng mang tên sức mạnh ngoại cảnh ấy thì anh lại thấy một sức mạnh khác, hiện hữu trong từng cá nhân, chẳng hạn trong mỗi lời nói của tay nhà văn thời thượng có mặt trong bữa tiệc của nàng.

Hắn ngồi im lặng không nói gì, không phụ họa, không cười. Một mình một cõi riêng, rất sống động. Nhưng anh chỉ muốn thét lên: "Có cái đéo gì trong đầu mà im lặng. Có cái gì nông cạn trong bụng thì nói mẹ ra đi. Người ta chỉ phải im lặng nung nấu vì không thể nói ra những sự thực nguy hiểm, những chân lý không ai chia sẻ, những điều trái tai gai mắt, chứ còn mày, lý do gì mà im lặng, hãy cất tiếng đồng ca lên đi".
Ôi, sự im lặng trên cái nền của sự ồn ào hỗn tạp mới đáng buồn nôn làm sao! Nhưng đêm đó mình cũng im lặng mà. Lẽ ra để che giấu sự cô đơn của mình, mình phải chen vào giữa đám đông chứ. Sự cô đơn cũng bị săn đuổi, nên phải tìm cách che giấu nó. Tay nhà văn kia, hắn không cô đơn, hắn im lặng chỉ để mọi người đừng quên hắn là nhà văn thôi. Nietzsche viết hàng ngàn trang sách, ông ta vẫn cô đơn; còn văn chương của hắn, của nhiều người như hắn, chỉ với một câu thơ, một đoạn văn đã cho thấy hắn là người của đám đông, hay nói cách khác, đám đông cất tiếng nói ồn ào trong hắn.

Chiếc điện thoại di động rung lên trong túi quần. Anh móc ra. Có một tin nhắn. Của nàng. " Hai chục phút nữa anh đi uống cà phê với tôi nha!". Anh hồi hộp kỳ lạ. Anh trả lời: "Đi như thế nào?". Mười phút sau, điện thoại lại rung lên, lúc anh đang ở trong toa-lét, chờ chực được đến phiên mình đến gần cái bồn tiểu. "Anh chọn quán cà phê nào đó, đến trước, sau đó nhắn cho tôi".

Vậy là nàng cũng biết thận trọng. Sự thận trọng phải chăng là dấu hiệu của một affair. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh: "Trong những chuyện như thế này, người đàn bà sẽ có đủ quyền biến để bảo vệ cho cả hai người".

Nhưng, anh tự nhủ, thận trọng hay không thận trọng cũng vậy, anh sẽ chủ động trong chuyện này.

Truyện ngắn của Mai Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.