“Chợ đen” vé tàu

24/11/2008 21:37 GMT+7

* 15 “cò vé” bị xử lý Ngành đường sắt nói đã cố gắng hết sức nhưng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của hành khách đi lại trong những ngày cận Tết. Và đây là cơ hội làm ăn cho những tay cò chuyên chạy “số thứ tự” giành suất mua vé... Mời nghe đọc bài

“Cò” vé tung hoành

Trong vai một người đang nóng lòng muốn có chiếc vé tàu về quê trong dịp Tết Kỷ Sửu sắp đến, sáng 16.11, tôi ra Ga Sài Gòn, Q.3. Khi vừa rà xe đến cuối đường Nguyễn Phúc Nguyên cách cổng nhà ga khoảng 50m, lập tức có 2 phụ nữ trung niên (mọi người thường gọi là “cò” vé) nhào ra chặn đầu xe hỏi tôi cần mua vé đi đâu, ngày nào. Khi biết tôi có ý mua 5 vé tàu ngồi cứng đi Đà Nẵng ngày 25 tháng chạp, người phụ nữ lớn tuổi hơn lôi từ trong túi quần ra tấm sơ đồ bằng giấy A4 được photo, trên đó có in đầy đủ vị trí ngồi, số ghế, giờ tàu chạy... Quan sát tích tắc chỉ chừng 10 giây, một “cò” liền ra giá: “Ngoài tiền vé quy định, mỗi vé đưa thêm 170.000 đồng tiền công”. 

 
Cò vé (dấu x) đang hoạt động công khai trước ga Sài Gòn, ảnh chụp chiều 24.11.2008 - ảnh: Như Thảo

Đi sâu vào bên trong sân ga, hoạt động của "cò vé" cũng sôi động không kém. Trưa 17.11, trong sân ga đoạn sát với dãy buôn bán nước giải khát, khi biết tôi có nhu cầu mua 5 vé ngồi mềm đi Đà Nẵng ngày 24 tháng chạp, một cò tên T. ra giá: “Ngoài tiền vé, mỗi vé anh chi thêm 130.000 đồng. Nếu đồng ý, đặt cọc trước 20.000 đồng/vé, đến ngày nhà ga bán thì ra lấy và giao tiền luôn”. Tôi nói phải hỏi ý kiến của những người đang nhờ tôi mua vé rồi mới trả lời được. Thế là T. cho tôi số điện thoại di động để liên lạc lại... 

Những ngày này, khu vực cổng Ga Sài Gòn rất nhộn nhịp cảnh rao bán vé tàu Tết. Bất kỳ ai có dịp đi từ cuối đường Nguyễn Thông vòng qua đường Nguyễn Phúc Nguyên đều không tránh khỏi những tiếng mời gọi í ới: “Ê! Vé tàu không?”, “Đi đâu?”, “Mua vé tàu không em?”... Đặc biệt, trong khu vực sân ga, mặc dù gần đây lực lượng công an, bảo vệ túc trực thường xuyên nhưng nhiều “cò” vé vẫn tràn vào hoạt động. 


Một cò vé (dấu x) đang trao đổi mua bán với khách

Lúc hơn 10 giờ ngày 24.11, vừa từ bãi giữ xe trong sân ga bước ra để chuẩn bị vào quầy vé, một “cò” tên C. ngồi trên xe gắn máy hỏi ngay tôi mua vé đi đâu, ngày nào. Tôi nói đang cần mua 6 vé ngồi mềm, tàu nhanh đi Hà Nội ngày 26 tháng chạp. “Cò” C. nói dứt khoát: “Ngoài tiền trên 900.000 đồng cho mỗi vé, tụi này lấy công giá hữu nghị 220.000 đồng/vé”. Tôi chê mắc quá, thì “cò” này có ý bảo mình chỉ là “cò” thứ cấp, mỗi vé chỉ lấy được 10.000 đồng tiền công. “Cò” C. cũng cho tôi số điện thoại di động rồi bảo nếu tôi đồng ý thì gọi lại. “Nếu cần, tụi tôi sẽ mang vé đến nhà” - C. quả quyết. Câu chuyện mua bán bị kết thúc giữa chừng do một người mặc đồ bảo vệ xuất hiện và “cò” nhẹ nhàng phóng xe đi ra cổng. 

Theo ông Đỗ Quang Văn, những tay cò cũng có quyền mua vé như một người bình thường và có thể mua tối đa 3 vé. Một khả năng nữa là họ có thể mua vé ở bất kỳ đại lý nào hoặc tại các ga khác. Để hạn chế tình trạng vé chợ đen, biện pháp của ngành đường sắt là ghi tên và số CMND của người đi tàu trên vé. Một mặt, nhà ga quản lý chặt chẽ hệ thống bán vé tàu, khi cần có thể kiểm tra vé đó do ai bán, ga nào bán. (M.V)

Quá trưa 24.11, tôi ra về, mới đến cổng ga là bị chặn ngay đầu xe bởi 3 phụ nữ chừng trên 40 tuổi. Trên tay họ đều có sơ đồ ghế, giờ ngày tàu chạy, giá vé từng loại tàu... Những người này nắm rõ từng loại giá vé, ngày tàu chạy. Tuy nhiên, khi tôi xin số điện thoại để liên lạc lại thì họ dứt khoát không cho, trừ khi đặt tiền cọc trước.   

“Chỉ đáp ứng 30% nhu cầu”!

Ngày 24.11, theo kế hoạch, nhà ga tổ chức bán vé cho hành khách lấy số thứ tự qua tin nhắn GASG-6305, để mua vé đi từ ngày 15 - 24.1.2009.  Điều đáng nói là phương án nhắn tin cũng làm khổ hành khách không ít. 11 giờ, tại sân ga, Lan Anh (sinh viên trường Đại học Marketing TP.HCM) mệt mỏi kể: “Mình phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để nhắn tin lấy số thứ tự. Tuy nhiên, phải nhắn tin đến lần thứ 5 mới lấy được số thứ tự 508. Đến ga lúc 8 giờ, nhưng chờ đến giờ này là 11 giờ rồi mà vẫn chưa biết đến bao giờ mới đến lượt mình. Chưa kể, khi đến lượt mình cũng chưa chắc mua được vé đúng ga đến là ga Huế và ngày đi như ý muốn”.  

Tôi bắt đầu nhắn tin lúc 4 giờ 30 để lấy số thứ tự. Tuy nhiên phải nhắn tin đến lần thứ mười và sử dụng 3 số điện thoại khác nhau thì mới lấy được số thứ tự... Một sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế

Nhà ga xin lỗi hành khách vì phương án bán vé qua mạng bị trục trặc vào phút chót nên không thể áp dụng trong dịp Tết năm nay - Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn

11 giờ 30 cùng ngày, đang ngồi mòn mỏi tại tầng một của nhà ga để chờ mua vé, Trang (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế) bức xúc: “Tôi phải dậy từ rất sớm và bắt đầu nhắn tin lúc 4 giờ 30 để lấy số thứ tự, vì có nhu cầu mua 6 vé ngồi mềm, tàu SE4 cho gia đình đi Hà Nội ngày 26 tháng chạp. Tuy nhiên, tôi phải nhắn tin đến lần thứ mười và sử dụng 3 số điện thoại khác nhau thì mới lấy được số thứ tự”. Với 10 tin nhắn thì hành khách này đã tốn hết 30.000 đồng. Nhưng chưa hết, Trang cho biết mình có mặt tại ga từ lúc 7 giờ và ngồi chờ đã hết buổi sáng mà vẫn chưa đến lượt. “Không biết khi đến lượt mình thì có còn vé không” - Trang ngậm ngùi. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn nói nhà ga xin lỗi hành khách vì phương án bán vé qua mạng bị trục trặc vào phút chót nên không thể áp dụng trong dịp Tết năm nay. Phương án nhắn tin chỉ là phương án “chữa cháy” tạm thời. Bà Phương cho rằng ngành đường sắt đã cố gắng hết sức nhưng do cung không đủ cầu. Vì vậy, từ ngày 16 - 22 tháng chạp ngành đường sắt đáp ứng được 90% nhu cầu của khách, còn từ ngày 23 - 29 tháng chạp đường sắt chỉ đáp ứng 30% nhu cầu.

 

15 “cò vé” bị xử lý

Ông Đỗ Quang Văn, Phó ga Sài Gòn cho biết, trong những ngày qua, lực lượng bảo vệ của nhà ga đã phát hiện một số người đến mua vé nhiều lần. Nghi vấn họ là những người mua vé tàu để bán lại thu lợi bất chính, nên lực lượng bảo vệ đã kiểm tra và lập biên bản chuyển đến Công an P.9, Q.3 xử lý.

Một phát hiện được xem nổi cộm nhất trong đợt bán vé tàu Tết năm nay đó là trường hợp xảy ra ngày 22.11, một người tên Trình đến mua vé với 4 máy điện thoại có số thứ tự qua tin nhắn. Người này bị lập biên bản giao cho công an phường, sau đó được chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ. Cũng vào ngày 22.11, lực lượng bảo vệ nhà ga theo dõi một người tên Việt đến ga mua vé nhiều lần, kiểm tra trong người mang theo 3 máy điện thoại di động, trong đó có 2 máy có số thứ tự mua vé tàu. 

Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 23.11, có một người ngang nhiên dán mẩu giấy rao bán số thứ tự mua vé tàu Tết với giá 200.000 đồng. Trường hợp này cũng bị lập biên bản giao công an phường giải quyết. Trước đó, ngày 19.11, một người đến Ga Sài Gòn mua vé bị nghi vấn là mua đi bán lại, nên nhà ga đã yêu cầu người này đến đội bảo vệ để kiểm tra. Trên đường đi, người này bỏ trốn, để lại 3 giấy CMND (mang tên: Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Thị Hậu và Đỗ Văn Ngoai), hiện chưa có người đến nhận lại 3 giấy CMND này. 

Ông Văn cũng dẫn nguồn tin từ Công an P.9, Q.3 cho biết, trong những ngày qua đã có 15 lượt cò mồi bán vé chợ đen bị xử lý, chủ yếu dưới hình thức giáo dục. Theo ông Văn, nguyên nhân sâu xa của tình trạng cò mua bán vé chợ đen ở trước ga là do cung không đủ cầu. Cò luôn nói với khách là muốn mua vé gì cũng có và giữ chân khách bằng cách bảo khách đặt cọc hoặc đưa trước giấy CMND. “Hành khách nên cảnh giác khi giao dịch với cò vé tàu, vì có thể vừa bị mất tiền, vừa mất giấy CMND” - ông Văn cảnh báo. 

Mai Vọng  (ghi)

Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.