Vì sao bệnh tật của học sinh ngày càng tăng?

01/11/2007 23:31 GMT+7

Những con số công bố chính thức về bệnh tật học đường được công bố trong loạt bài này khiến cho toàn xã hội phải lo lắng. Nó xuất phát từ đâu? Và ai chịu trách nhiệm?

Bài 1: Sâu răng, cận thị, vẹo cột sống và nhiễm giun sán

Hơn 80% trẻ em 6 tuổi bị sâu răng   

Theo điều tra  của Viện Răng-Hàm-Mặt T.Ư tại 14 tỉnh thành, đại diện cho 7 vùng trên cả nước, có tới 84,9% tỷ lệ trẻ em 6 tuổi mắc bệnh sâu răng và 71,7% mắc bệnh quanh răng. Các bệnh răng miệng ảnh hưởng không những về sức khỏe, gây đau đớn, giảm sức nhai mà còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ và giao tiếp của học sinh. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh cao là do các em học sinh chưa biết cách vệ sinh răng miệng; công tác tuyên truyền, hướng dẫn về vệ sinh và phòng chống các bệnh răng miệng cho học sinh, phụ huynh và giáo viên còn chưa thường xuyên...

Cận thị đe dọa

Tật cận thị là một trong những căn bệnh đã được báo động rất nhiều năm nay nhưng vẫn có xu hướng tăng nhanh trong học sinh, sinh viên.  Theo điều tra của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường tiến hành trên hơn 5.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở 4 tỉnh thành phố là Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lai Châu, cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học là 5,52%, trung học cơ sở 14,83%. Tỷ lệ cận thị ở học sinh khu vực nội thành cao hơn so với ngoại thành.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thì cận thị đã gây ra tác hại lớn đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên; ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của các em. Nguyên nhân được đưa ra là do cường độ học tập quá nhiều, quá căng thẳng; kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn; tư thế ngồi học không đúng. Một nguyên nhân quan trọng là cường độ ánh sáng trong lớp học không đảm bảo làm cho học sinh bị căng thẳng thị giác, dẫn đến tật cận thị.

Gần 20% học sinh thủ đô bị cong, vẹo cột sống       

Bệnh cong, vẹo cột sống cũng có xu hướng gia tăng trong học sinh, sinh viên. Theo kết quả nghiên cứu về tình hình cong, vẹo cột sống và các yếu tố nguy cơ  ở học sinh Hà Nội được công bố tại hội nghị Khoa học giáo dục thể chất, y tế ngành giáo dục năm 2006 thì tỷ lệ chung bị cong, vẹo cột sống của học sinh Hà Nội (năm 2004-2005) là 18,9%, trong đó nam chiếm 19,6%, nữ chiếm 18,3%. Tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất là trung học cơ sở chiếm 22,2%; trung học phổ thông là 18,8% và tiểu học là 17,2%.

Hệ quả của căn bệnh này sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở cho việc tập trung trí não. Cong, vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của cong vẹo cột sống là do tư thế ngồi học của học sinh không đúng, chưa được uốn nắn thường xuyên và một "kẻ thù" nguy hiểm của căn bệnh này chính là kích thước bàn ghế không phù hợp với tầm vóc học sinh ở các lứa tuổi khác nhau.

Đa số HS tiểu học bị nhiễm giun sán

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em tiểu học nhiễm giun đũa và giun tóc chiếm cao nhất trên cả nước (có nơi nhiễm trên 95%). Bộ Y tế cho biết: gánh nặng của nhiễm giun sán là rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp nhiễm giun sán là bệnh có gánh nặng bệnh tật đứng thứ  2 sau bệnh sốt rét do bệnh có tỷ lệ nhiễm cao. Ở trẻ em, nhiễm giun sán trở thành một cản trở lớn cho sự phát triển cả về thể lực và trí lực của học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun sán là do sự ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh.

V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.