Văcxin “ngừa ung thư cổ tử cung”: Cần rõ ràng, không gây ngộ nhận

09/12/2008 09:41 GMT+7

Những ngày vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có khá nhiều bài viết nói về văcxin ngừa ung thư cổ tử cung (CTC). Sự thật thế nào?

Ngày 24-7-2008, Bộ Y tế VN có quyết định công bố văcxin Gardasil của Công ty Merck Sharp & Dohme (Mỹ, viết tắt là MSD) được lưu hành tại VN. Văcxin này chỉ phòng ngừa được ung thư CTC do HPV 6, 11, 16 và 18 gây ra.

Theo quyết định của Bộ Y tế, đơn vị có văcxin được phép lưu hành tại VN có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng văcxin Gardasil theo đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt. Cuối tháng mười một, Bộ Y tế tiếp tục công bố có thêm văcxin Cervarix của Công ty GlaxoSmithKline (Anh) lưu hành vào VN, chỉ phòng ngừa được ung thư CTC do HPV 16 và 18 gây ra. Văcxin Gardasil đã có mặt ở nhiều cơ sở y tế lớn trong cả nước, còn Cervarix hiện chưa có mặt trên thị trường VN.

Quảng cáo lập lờ

Sáng 8-12, chúng tôi có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM. Tại bàn nhận bệnh ở lầu 1, tôi hỏi thăm về việc chích ngừa ung thư CTC cho con gái 10 tuổi. Tuy văcxin không thể ngừa được ung thư CTC suốt đời và cũng không thể giúp 100% người sử dụng không bị ung thư CTC nhưng nhân viên hướng dẫn vẫn khẳng định “đã chích ngừa thuốc này thì không bao giờ bị ung thư CTC”.

Tại VN, văcxin Gardasil đã có mặt ở nhiều cơ sở y tế lớn và được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Tại Bệnh viện (BV) phụ sản Từ Dũ, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại về văcxin ngừa ung thư CTC, được phát miễn phí các tài liệu nói về ung thư CTC.

Trong phòng tư vấn có treo các poster quảng cáo rất lớn, kèm theo đó là câu giới thiệu “Hãy nói với bác sĩ về văcxin duy nhất có thể giúp bảo vệ bạn không bị ung thư CTC và những bệnh khác do HPV gây ra như ung thư âm hộ, ung thư âm đạo và mụn cóc sinh dục”. Dưới poster này ghi “Tài liệu giáo dục này được cung cấp bởi BV Từ Dũ, TP.HCM, với sự tài trợ của văn phòng MSD”.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh - giám đốc BV phụ sản Từ Dũ - khẳng định BV có xây dựng phòng tư vấn sức khỏe sinh sản, trong đó có tư vấn về bệnh ung thư CTC và văcxin ngừa ung thư CTC. BV chỉ hợp tác với Công ty MSD để tư vấn cho người dân về việc chích làm sao cho đúng đối tượng, đúng quy định. Việc tư vấn này vì mục đích truyền thông giáo dục sức khỏe chứ không phải hợp tác để có lợi gì. BV cũng chỉ đạo nhân viên tư vấn phải tư vấn khách quan, trung thực, đúng đối tượng. Thậm chí BV còn khuyên phụ huynh có con gái từ 9, 10, 11, 12 tuổi chưa cần thiết phải chích ngừa văcxin này vì các cháu còn quá nhỏ và gần như chưa có quan hệ tình dục.

Bác sĩ Việt Thanh thừa nhận việc Công ty MSD dùng tên tuổi của BV Từ Dũ cũng như nội dung poster không nói rõ ràng về việc văcxin ngừa được những type virus HPV nào là không đúng và có thể gây ngộ nhận cho người sử dụng. BV đã nhắc nhở nhưng Công ty MSD nói lỡ in rồi nên xin được sử dụng lại (?!).

Ngừa HPV hay ngừa ung thư CTC?

Bác sĩ Đoàn Nhật Trung - BV Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho rằng không nên đánh đồng văcxin chống HPV là văcxin ngừa ung thư CTC, trong khi khả năng các văcxin này còn giới hạn trong các thử nghiệm lâm sàng và chỉ có tác dụng trên vài loại virus HPV trong hàng chục loại HPV lây lan qua đường tình dục. Ngay cả các hãng sản xuất văcxin ngừa HPV trong các nghiên cứu của mình cũng chỉ ghi là “văcxin chống HPV nguy cơ cao”.

Nhiều nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng phần lớn các nhiễm trùng HPV nguy cơ cao đều tự khỏi và không gây ung thư. Hiện có đến 130 loại HPV, trong đó có 30-40 loại HPV có khả năng gây viêm nhiễm trên CTC theo đường tình dục và chỉ khoảng 5% phụ nữ trong số người bị nhiễm không thể tạo miễn nhiễm sinh ra các tế bào CTC bất thường có khả năng hóa ác tính khi có thêm các yếu tố nguy cơ khác kèm theo như thuốc lá, sinh nhiều con, có nhiều bạn tình...

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết Gardasil đã được sử dụng ở 110 nước trên thế giới và đã được thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính hiệu quả, an toàn cho người sử dụng. Nghiên cứu thử nghiệm trong quyết định mà Bộ Y tế yêu cầu là thử nghiệm đánh giá lịch tiêm chủng văcxin này.

Theo ông Hiển, lịch tiêm ngừa của nhà sản xuất MSD đưa ra là 0-2-6 (0 là liều thứ nhất theo ngày lựa chọn chích, liều thứ hai là 2 tháng sau liều thứ nhất và liều thứ ba là sáu tháng sau liều thứ nhất). Thế nhưng ở một số nước đang phát triển, lịch tiêm ngừa chưa được người dân tuân thủ theo đúng khuyến cáo nên Tổ chức phi chính phủ PATH đã chọn bốn nước là Peru, Ấn Độ, VN và Indonesia thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm để đánh giá xem nếu lịch tiêm ngừa thay đổi thì có ảnh hưởng đến tính hiệu quả của văcxin hay không.

Ông Hiển cũng cho rằng gọi “văcxin ngừa ung thư CTC” chính xác hơn là “văcxin ngừa HPV” vì văcxin phòng ngừa bốn type HPV gây nguy cơ ung thư CTC cao chứ không phải để phòng ngừa hơn 100 type HPV trên thực tế.

Trước một vấn đề mới liên quan đến sức khỏe người dân như vậy, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có hướng dẫn rõ ràng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong thực tế.

Theo Lê Thanh Hà - Võ Hương (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.