Phan Ngọc Minh đắm chìm với những miền cảm thức di sản

29/11/2009 00:04 GMT+7

Trong những ngày giá rét cực độ vừa qua, họa sĩ Phan Ngọc Minh (Đà Nẵng) đã hâm nóng đời sống nghệ thuật cố đô Huế bằng một cuộc triển lãm tranh chứa đầy cảm thức về những miền di sản xưa cũ Hội An, Mỹ Sơn, Huế.

Cuộc triển lãm có tên Minh & Heritages (Minh và Những di sản) được trưng bày ngay tiền sảnh của khách sạn La Résidence, bên bờ sông Hương thơ mộng. Cuộc triển lãm tuy chỉ giới thiệu một số lượng tranh khiêm tốn (trên 50 bức) với 3 mảng: bút sắt, ký họa về cuộc sống và những góc cảm rêu phong qua các vùng di sản; mảng sơn dầu - acrylic trên vải bố sáng tác từ những chuyến đi ký họa ở cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và đặc biệt là 20 bức tranh mới “tự họa với Siva” của anh được sáng tác trong năm 2009, bằng chất liệu tổng hợp trên vải đã làm ấm không khí mùa đông.

Không phải ngẫu nhiên mà tranh của anh được khách sạn La Résidence, một khách sạn danh tiếng của Huế mời đến trưng bày tranh trong một không gian sang trọng như thế. Quyết định mời anh được khách sạn này lựa chọn sau khi bà Carmen Marienberg, Tổng quản lý của khách sạn, có dịp xem  tranh của anh tại Đà Nẵng, thông qua lời giới thiệu hai người bạn Pháp. Cảm nhận từ triển lãm Minh và Những di sản, bà Carmen Marienberg nói: “Tôi nghĩ rằng, di sản không chỉ là đền đài, tháp cổ hay những bức tượng đá cổ quý trong những cung điện. Di sản còn có thể thăng hoa để trở thành di sản sống nếu ta biết giữ gìn và chăm chút. Cuộc triển lãm này cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Tranh của Phan Ngọc Minh cũng chính là những mảng màu di sản được thăng hoa qua cảm thức của người họa sĩ”.

Phan Ngọc Minh từ lâu vẫn lặng thầm một cõi riêng và đắm chìm trong những cảm thức di sản. Trao đổi với PV Thanh Niên, Phan Ngọc Minh tự bạch: “Không hiểu sao, cho đến giờ này, mỗi lần đến với các di sản như Mỹ Sơn, Hội An, Huế, tâm hồn tôi vẫn luôn dâng tràn cảm xúc. Tôi vẽ và ký họa về những miền di sản ấy không mệt mỏi. Với tôi, những di sản không chỉ là cái đẹp hiện hữu trước mắt, mà ở đó còn chứa đầy những câu chuyện huyền bí. Nó gợi cho tâm hồn tôi nguồn cảm hứng và suy tưởng như những câu chuyện cổ tích tuyệt vời”.

Bởi thế mà qua tranh của anh, người xem có thể bắt gặp những mảng tường rêu, một phiến đá mang gương mặt thần Siva hay những hoa văn cổ của đền tháp Champa, cố đô Huế... Di sản qua cảm thức của anh là di sản chưa hề ngủ quên, nó mang chân dung của những thân phận con người cũng như hơi thở của những miền ký ức lắng đọng. Bên cạnh những mảng màu di sản qua những bức vẽ sơn dầu thỉnh thoảng ta có thể gặp chân dung của những con người cụ thể như người hớt tóc dạo ở Cẩm Kim, Hội An; người đạp xích lô ở phố cổ Hội An; người nghệ nhân gốm với bàn tay tài hoa của làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam); bóng dáng thiếu nữ thướt tha áo dài đạp xe qua cổng thành cổ (cửa Thượng Tứ, cố đô Huế) hay con rồng triều Nguyễn vươn cao đầu, uy nghi qua một góc Điện Thái Hòa...

Tất cả đều hiện lên sống động que nét bút sắt. Mảng tự họa với Siva cũng vậy, thật khó bắt gặp một bức tượng thần Siva hoàn chỉnh, quen thuộc. Trên nền sơn dầu lấp lánh chân dung bức tượng đồng đầu Phật (Đồng Dương, Quảng Nam) đang có mặt tại bảo tàng Guimet (Paris), với tông màu trắng xám điểm xuyết vài vệt màu vàng (hồi ức)... Siva hiện hữu trong tranh của anh có thể chỉ là một phiến đá vỡ đâu đó bên chân đền tháp cổ Mỹ Sơn; hay bức tượng Visnu trong bảo tàng Guimet (Paris), hoặc từ biểu tượng linga, yoni biến thể đâu đó mà anh bắt gặp hóa thân trong dáng hình thiếu nữ Chăm ngực căn tràn trên những vò gốm cổ...

Chính niềm đam mê đắm chìm trong những miền cảm thức di sản mà từ lâu Phan Ngọc Minh vẫn có một góc trời riêng để lãng du cho chính mình, không lẫn khuất với bất cứ ai. Không gallery, không xô bồ với thời cuộc, Phan Ngọc Minh, từ năm 1994 đến nay, chỉ đắm chìm với cõi riêng ấy và anh đã có 6 cuộc triển lãm riêng ở Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Paris (Pháp), Kerry (Ireland) và nay là cố đô Huế. Minh và Những di sản khai mạc hôm 21.11 và sẽ còn lưu trú tại La Résidence từ nay đến đầu tháng 1.2010. 

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.