Vẫn là tình yêu

30/10/2004 16:37 GMT+7

Cả châu Á và Bắc Mỹ đang lên cơn sốt bởi những bộ phim võ hiệp của đạo diễn tài hoa người Trung Quốc Trương Nghệ Mưu. Suốt hai tuần liền, Anh hùng chễm chệ ở vị trí số một trong bảng xếp hạng những phim ăn khách nhất ở Bắc Mỹ. TP.HCM, thì các suất chiếu buổi tối của Thập diện mai phục ở Diamond cinema - cụm rạp sang trọng nhất, và tất nhiên, tiền vé cũng cao nhất - luôn dựng bảng "hết vé", khiến khán giả Việt Nam, lâu nay vốn có thói quen cứ gần tới giờ chiếu mới ung dung phóng xe đến rạp (vì chẳng mấy khi rạp chiếu bóng đông khách) phải bực mình.

Và tôi thực sự xúc động khi gặp lại "cố nhân". "Cố nhân" ở đây không chỉ là Trương, mà còn một thiếu nữ khác đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài: Chương Tử Di. Bốn năm trước, lần đầu tiên tôi "gặp" Chương Tử Di trong một buổi tối tại phòng chiếu phim ở 212 Lý Chính Thắng (nay đã là Cinebox khang trang), với suất chiếu Đường về nhà chỉ lơ thơ vài người khách. Không xung đột, không kịch tính, không mang ý nghĩa xã hội lớn lao như nhiều phim khác của Trương, Đường về nhà chỉ là câu chuyện của một cô bé nhà quê do Chương Tử Di thủ vai đem lòng yêu anh thầy giáo trẻ mới đến dạy cho lũ nhóc trong làng. Lặng lẽ yêu, lặng lẽ chăm sóc người mình yêu, một mình với nỗi tương tư không nói thành lời. Tình yêu trong sáng, chân thành và dữ dội ấy trong cách thể hiện giản dị và tinh tế tuyệt vời của Trương Nghệ Mưu khiến suốt đường về tôi cứ vẩn vơ: "Có bao giờ mình gặp được một tình yêu như thế không nhỉ ?" (!).

Nhiều khán giả vốn yêu quý Trương Nghệ Mưu bảo rằng, khi làm Anh hùngThập diện mai phục, Trương đã thay đổi nhiều quá, đến mức họ không nhận ra chất sâu lắng, tiềm tàng của Trương nữa. Nhưng thực sự, từ Đường về nhà đến Thập diện mai phục là cả một quãng đường dài. Họ đã thay đổi, để tác phẩm đến được với đông đảo công chúng hơn. Bởi thế, Thập diện mai phục rực rỡ hơn, nhiều kỹ thuật và kỹ xảo hơn, hoa mỹ hơn (tất nhiên những điều này được giấu khéo léo dưới lớp vỏ "màu sắc văn hóa") làm cho nhiều người thấy mất mát khi không còn cảm nhận được sự giản dị, tinh tế của Trương. Nhưng với tôi, người đã trót yêu cặp Trương - Chương của Đường về nhà, thì trong lớp vỏ "thương mại" ấy, Thập diện mai phục vẫn đánh thức nỗi xao xuyến bâng khuâng ngày xưa, đánh thức ước mơ về một tình yêu vô điều kiện. Anh bạn người nước ngoài đi xem cùng tôi hôm ấy, sau khi xuýt xoa trước những màn đánh võ, bắn tên ngoạn mục lại bỗng bần thần, và buổi tối về nhà nhắn tin: "Được sống trong một tình yêu như thế thì hy sinh cũng là hạnh phúc!". Có lẽ, đó cũng chính là khao khát mãnh liệt và xuyên suốt trong rất nhiều bộ phim của Trương, từ thời Đèn lồng đỏ treo cao cao, Cúc Đậu… nữa kia. Xem thế, thời lượng ngắn ngủi dành cho một bộ phim sẽ chấm dứt khi ra khỏi rạp, nhưng những cảm xúc mà tác phẩm điện ảnh mang lại sẽ kéo dài không biên giới, không thời hạn, lan tỏa trong các câu chuyện thường ngày, và cả đề tài tình yêu trong các buổi "nhàn đàm" nữa chứ ?

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.