10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008

19/12/2008 15:41 GMT+7

Năm 2008 sắp khép lại. Trong một năm qua, thế giới chứng kiến biết bao thay đổi, từ sự thay đổi trong hệ thống chính trị của một cường quốc, sự hoành hành của hải tặc cực đoan tới việc ghi nhận tiến bộ khoa học vũ trụ... Ban Quốc tế Báo SGGP xin lược qua 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2008.

Nước Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên

Ông Barack Obama.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 4-11-2008 đã lập nên một trong những trang sử quan trọng nhất của nước Mỹ, lần đầu tiên nước này có một vị tổng thống gốc châu Phi, Barack Obama. Vượt qua nhiều khó khăn, chướng ngại nhưng cuối cùng ông Obama cũng đã thuyết phục được đại đa số cử tri Mỹ không phân biệt giàu nghèo và chủng tộc để bỏ phiếu cho ông.

Chiến thắng của ông Obama đã giúp hàn gắn những năm tháng đen tối, từ vụ thảm sát Tổng thống John F. Kennedy đến vụ thảm sát nhà tranh đấu dân chủ, Mục sư Marthur Luther King Jr. Nhiều người Mỹ gốc châu Phi đã phải nhìn nhận rằng, họ vô cùng hãnh diện để nhìn thấy nước Mỹ ngày hôm nay. Đứng trước những người ủng hộ, Barack Obama nói rằng: “Đây là chiến thắng của các bạn. Đổi thay đã đến với nước Mỹ”.

Melamine - cơn ác mộng sữa ở Trung Quốc 

Một nạn nhân của sữa có melamine.

Đã có 5 trẻ em Trung Quốc tử vong, gần 60.000 trẻ nhập viện do uống phải sữa có chứa hóa chất độc hại melamine. Chính phủ Trung Quốc gọi đây là vụ bê bối “cấp 1” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm bởi ngoài việc khiến hàng ngàn trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước Trung Quốc, ngã bệnh, nó còn khiến người dân mất niềm tin vào sản phẩm trong nước cũng như vai trò quản lý của cơ quan chức năng.

Ngoài cơn hoang mang trong nước, cuộc khủng hoảng “sữa độc” cũng một lần nữa đánh vào uy tín của hàng hóa Trung Quốc, vừa tạm gượng dậy sau cơn sóng gió sữa giả cách đây vài năm và hàng loạt vụ bê bối trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Thảm họa động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc

Trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ richter, tâm chấn tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, đã cướp đi sinh mạng của 87.000 người, làm khoảng 5 triệu người mất nhà cửa trong khi 1,4 triệu người khác lâm vào cảnh túng bấn. Ước tính thiệt hại về vật chất lên đến 121 tỷ USD. Chính phủ nước này dự tính công cuộc tái thiết tại các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất sẽ tốn mất 147 tỷ USD. Các quan chức Tứ Xuyên cho biết họ muốn tái thiết xong cơ sở hạ tầng tỉnh này trong vòng 3 năm. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói rằng kế hoạch xây dựng lại ở Cam Túc, Thiểm Tây sẽ hoàn tất vào năm 2010. 

Khủng hoảng chính trị Thái Lan 

Cuộc biểu tình của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ ( PAD) kết thúc vào ngày 2-12 sau khi cựu Thủ tướng Somchai từ chức, chấm dứt 5 tháng biểu tình chống chính phủ thân Thaksin. Cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm khi hàng ngàn người ủng hộ PAD chiếm giữ hai sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang. Chính phủ mới do ông Abhisit, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đã nhậm chức vào ngày 18-12. Đa số người dân Thái hy vọng sẽ giải quyết khủng hoảng chính trị trong nước, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Thái Lan sẽ rơi vào guồng xoáy căng thẳng như trước, vì tân thủ tướng Abhisit cũng lại đang vấp phải làn sóng phản đối của những người ủng hộ ông Thaksin.

Trung Quốc, Ấn Độ chinh phục không gian 

Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc.

Ngày 25-9, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 7, mang theo 3 phi hành gia, thực hiện chuyến bay kéo dài 68 giờ, bao gồm một cuộc đi bộ ngoài không gian.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 5 năm Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ thám hiểm không gian. Chưa đầy một tháng sau, Ấn Độ cũng phóng thành công tàu vũ trụ mang tên Chandrayaan-1 từ trung tâm không gian Sriharikota thực hiện sứ mạng mở đường cho các cuộc thám hiểm mặt trăng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của con tàu này là thám hiểm không chỉ bề mặt của mặt trăng mà còn khám phá xem những gì đang nằm dưới lớp bề mặt đó. 

Tấn công “kiểu 11-9” ở Ấn Độ

Ngày 27-11, ít nhất 125 người đã thiệt mạng và hơn 327 người khác bị thương trong một loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở thành phố Mumbai của Ấn Độ.

Hiện trường vụ đánh bom ở Mumbai (Ấn Độ).

Nhóm vũ trang đã bất ngờ tấn công vào 7 địa điểm là các khách sạn 5 sao, nhà hàng nổi tiếng, bệnh viện, một nhà ga, bắt cóc con tin và xả súng vào nhiều người dân có mặt tại hiện trường.

Cảnh sát cho biết, số người thiệt mạng gồm 6 người nước ngoài, 14 sĩ quan cảnh sát và 81 công dân Ấn Độ. Trước đó, các nhóm quá khích từng tuyên bố sẽ tổ chức một vụ “kiểu 11-9”ở nước này.

Cuộc chiến Nga-Gruzia

Cuộc chiến kéo dài 5 ngày (từ 7-8 đến 16-8) . Nga cho rằng họ mở cuộc chiến là để bảo vệ công dân Nga khi hơn 2.000 người chết và hàng chục ngàn người phải sơ tán do pháo kích của Gruzia. Ngày 12-8, dưới sự trung gian của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hai bên đã đồng ý ngừng bắn. Sau đó ngày 26-8 Nga công nhận Nam Ossetia độc lập. Cuộc chiến này cũng đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây dẫn đến việc Nga xích lại gần hơn với các nước Mỹ Latinh, vốn là sân sau của Mỹ.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 

Hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ năm 2008 đã lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở nước này. Hàng trăm tỷ USD đã tiêu tan. Cuộc khủng hoảng này đã lây lan ra thế giới và hậu quả là dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhật - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã sa vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Nền kinh tế châu u đã chính thức rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Thế giới trong những tuần qua đã chứng kiến một hiện tượng chưa từng có: Các nước đồng loạt dùng liệu pháp cắt giảm mạnh lãi suất để ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế thế giới.

Kosovo tự tuyên bố độc lập

Ngày 17-2, tỉnh Kosovo thuộc nước Cộng hòa Serbia đã tự tuyên bố độc lập. Sau đó, Mỹ, EU và nhiều nước khác công nhận độc lập của tỉnh Kosovo. Serbia và Nga cực lực phản đối hành động này. Serbia tuyên bố ngừng quan hệ với các nước công nhận Kosovo độc lập và Nga cũng tuyên bố việc công nhận độc lập Kosovo sẽ tạo tiền lệ cho các khu vực khác tuyên bố độc lập.

Cướp biển Somalia tung hoành

Các nhóm hải tặc Somalia ngày càng táo tợn và lộng hành tại khu vực ngoài khơi quốc gia Đông Phi này. Chúng đã bắt giữ hàng chục con tàu, hàng trăm thủy thủ và thu được nhiều chục triệu đôla tiền chuộc trong năm nay. Ước tính trong năm nay có 35 tàu và 600 thủy thủ bị bắt làm con tin tại vùng biển Somalia. Do nạn cướp biển hoành hành ác liệt thời gian gần đây, nhiều nước đã đưa tàu chiến đến khu vực này nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu bè qua lại. Hiện còn khoảng 17 con tàu và hơn 300 thủy thủ đang nằm trong tay các nhóm hải tặc Somalia.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.