Vào vùng bị lũ cô lập

10/11/2008 10:33 GMT+7

Có nhà mà không về được, lên rừng kiếm củi về làm chất đốt, giật gấu vá vai vay xin từng bơ gạo, con cá để sống sót chờ ngày nước rút. Đó là tình cảnh của hơn 400 người dân ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức.

Cách trung tâm TP.Hà Nội 40km về phía tây (vẫn là địa bàn thủ đô) tới chiều ngày 7.11 vẫn còn gần 100% trong số hơn 400 người dân ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức vẫn phải tá túc trên đê, ăn nhờ ở đậu những khu đất cao. Nếu trời không mưa thì phải 7 - 10 ngày nữa, vùng rốn nước này mới thoát khỏi cảnh bị nước bao vây cô lập.

Mất trắng cơ nghiệp

Đi đò hơn 1 giờ là con đường giao thông ngắn nhất còn lại nối người dân xã An Phú với bên ngoài. Nhìn thấy cánh thuyền chài đang thong dong đánh lưới, kháo nhau bắt được nhiều cá, bạn đò trên suốt chặng đường của tôi là chị Nguyễn Thị Dự sụt sùi:  "Đúng là kẻ cười, người khóc".

Nhà chị có 5 sào ruộng, anh chị làm kinh tế vay ngân hàng tiền chăn nuôi cá lồng. Lúa vụ mùa vừa qua, hai vợ chồng quyết định gặt tất cả lúa non đổ dồn làm thức ăn cho cá, bởi nghĩ chỉ còn 1 -2 tháng nữa là xuất ao sẽ bù lại được hết chi phí.

Không ai biết được chữ ngờ: Một đêm sau trận mưa, tất cả công sức gần năm ròng, vốn hơn năm chục triệu vay lãi ngân hàng ra sông ra bể theo đàn cá gặp nước lũ. Hai trăm năm mươi triệu tiền thu hoạch cá mà cả gia đình trông mong thế là mất trắng.

Chị ra chợ, trong túi có 25.000 đồng, mua được mấy lạng thịt, một gói mì chính, một gói bột canh. Thiếu tiền, phải nợ mất một ít. Đôi bàn tay khẳng khiu của chị đang nắm chặt gói thực phẩm vừa mua được. Khuôn mặt hốc hác qua những ngày mất ngủ, vật lộn với nước lũ, chị Dự rớm nước mắt khi nghĩ đến ba đứa con: "Đàn vịt 200 con, tôi đang bảo đến Tết bán được thì sắm cho con cái tết tươm tươm, cho con cái quần áo mới. Vậy mà, tất cả cũng bị nước cuốn đi. Đến cái chăn đêm qua đắp cũng không còn. Mấy đứa con định bơi ra mò, tôi phải ngăn, không thì đã mất hết của lại còn mất cả người nữa thì tôi không biết làm sao nữa".

Cháu Bạch Thị Thu - con gái thứ hai của chị, mấy hôm nay lại nhận hàng về móc thuê, công hoàn thiện mỗi cái túi được 3.000 đồng. Nó bảo để đỡ bố mẹ đồng gạo, đồng rau. Cứ thế, đến Tết cũng đỡ cho mẹ được không phải lo tiền mua quần áo". Chị xuống đò giữa đường, cắp khư khư cái nón, lội nước nửa người về nhà. Đã gần tuần nay, cả nhà chị không được ăn một bữa nào có chất một chút.

Đồng Chiêm còn có một tên dân gian khác là Hang Nước, bởi đây là địa bàn trũng nhất ở huyện Mỹ Đức. Từ khi chị Dự ở Hà Nam về làm dâu ở đây, chị thấy đây không khác gì cảnh miền Trung, không mấy năm mà lũ lại không lên,  thế nhưng ngập đến mất cả cơ nghiệp như năm nay thì không ai ngờ tới.

Nhà ngập tận nóc, người dân chỉ có thể đi lại bằng thuyền.


Chị bảo, bao nhiêu gia đình ở đây không phải là khóc ra tiếng Kinh nữa, mà là đã khóc ra tiếng Mán rồi, chẳng biết để nước mắt ở đâu nữa. Chị Dự tự an ủi mình vẫn còn may, bởi cũng vì ra cứu cá, bị thụt chân mà chị Nguyễn Thị Hân ở thôn Nam Hưng, cùng trong xã An Phú đã bị nước cuốn mất, không tìm được thi thể, bỏ lại hai đứa con, đứa lớn nhất mới 10 tuổi.

Người một bên, trâu bò một bên

Trạm xá xã An Phú ở khu đất gần như cao nhất xã, nhưng nước vẫn cao quá bắp chân. Y sĩ Bùi Minh Gương dặn tôi bám xe cho chắc, rồi nhấn ga xe máy qua con đường đầy bùn chở tôi đi dọc con đê bao quanh thôn Đồng Chiêm, dẫn tới ngôi làng, mà gần như 100% hộ dân vẫn đang bị lũ cô lập hoàn toàn. Phần lớn nhà vẫn chỉ thấy nóc. Nhà cao ráo gần đê hơn thì vẫn nước mấp mé cửa sổ.

Chị Bạch Thu Phương vào rừng từ sáng đến gần 4h chiều mới về, ba bó củi to vác còng người. Từ đêm 31.10, nước đổ vào nhà ngập chỉ còn chỏm nóc, cả nhà chị hò nhau mang tất cả thóc gạo, đồ dùng gửi họ hàng ở các xã nơi cao hơn.

Từ một tuần nay, 5 - 6 người trong gia đình chị chui vào một cái lều căng bạt tạm, đủ kê một cái giường đôi và một kiềng bếp. Lợn, bò cũng được di lên đê, quanh quẩn ngay bên cạnh lều. Không điện đóm, không tắm rửa, không rau thịt. Bên trái, bên phải đều là nước, nhưng không ai dám tắm. Bởi phần lớn các nhà tiêu ở đây đều không xây tự hoại...

Nước uống thì hứng mưa. Bà Đặng Thị Thao - mẹ chị Phương mở nồi cơm vừa thổi xong: "Hôm nay có cơm ăn là tốt rồi, mấy hôm trước còn mưa gió nhà ai cũng chạy lụt, có bữa cả nhà nhịn đói. Thiên đường là hôm nào thấy người ta bắt cá, xin được thì xin, không thì mua chịu". Bà Thao vừa dứt lời nói, trời như trêu lòng người, gió lại đùng đùng, mưa ào ào. Tất cả gia đình bà, người lớn trẻ con, cũng như các hộ xung quanh vội tất tả chạy đi lấy gianh, lấy củi chất xung quanh lều chống mưa gió.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, ai trong nhà chị Đặng Thị Nho cũng căng thẳng. Bốn người bốn canh góc giường, hai tay nắm chặt các chỗ buộc, chỉ sợ gió thổi bung bạt. Hai người chạy ra phía ngoài lật úp chiếc thuyền thúng áp vào lều ngăn gió, rồi chạy ra sau lều buộc con bò chặt vào cọc. Bà Phạm Thị Hèo - mẹ chị Phi không còn cách nào khác, phải quỳ trên giường, hai tay giơ cao giữ chặt mối buộc góc phía trên lều.

Gần 4h chiều, mưa đã ngớt, nhưng gió chừng như lại to hơn. Y sĩ Bùi Minh Gương bảo chúng tôi không thể đi sâu hơn vào làng thêm nữa, bởi đi thuyền lúc này sẽ rất nguy hiểm. Mênh mông nước, chỗ nông nhất trong làng cũng ngập 1m nước, còn sâu nhất lên tới 3m.

Một tuần qua, phân trạm của trạm y tế xã tại thôn Đồng Chiêm đã phải tạm đóng cửa vì bị ngập. Các hộ gia đình nằm sâu trong làng vẫn đang phải ở tạm trong nhà thờ, hơn 10 hộ khác thì phải nhờ đậu trên tầng 2 của trường tiểu học Đồng Chiêm. Đến lúc này, tầng 1 của trường vẫn còn ngập trên nửa mét, toàn bộ 100 cháu học sinh tiểu học vẫn phải nghỉ học.

Phải 2 tuần nữa, các cháu mới có thể trở lại trường bởi theo ông Đinh Hữu Đồng - Phó Chủ tịch xã An Phú - cho biết: "Hiện nay, mực nước sông Đáy ngang bằng nước trong xã, nên nước lũ sẽ rút rất chậm. Nếu trời không tiếp tục mưa, phải 7 - 10 ngày nữa, nước mới có thể rút. Ba mươi ao cá và hàng trăm sào đậu tương của nông dân đã thiệt hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại 20 tỉ đồng". 

Cuộc trao đổi thông tin vội vã của chúng tôi bị gián đoạn bởi điện cắt phụp. 5h chiều ngày 7.11, mưa gió vẫn càng ngày càng to, trời mờ mịt, bốn bề nước. Bến đò đã không còn một chiếc thuyền, cũng không ai nhận chở đò vào lúc mưa to gió lớn thế này. Đi theo con đê khoảng 2km ngăn với Hoà Bình, rồi ra đường Hồ Chí Minh, y sĩ Gương chỉ cho chúng tôi con đường độc đạo trong lúc này có thể ra được ngôi làng đang chìm trong biển nước và sắp tối đen như mực.

Mặt đê lầy đất sét, bánh xe máy của anh Đỗ Văn Sinh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Phù Lưu Tế, người dẫn đường cho tôi  - liên tục trật trẹo. Một cậu bé đang trú trong căn lều trên đê kêu to để át mưa: "Chú đừng đi đường đấy, trơn lắm". Không còn cách nào khác, tôi nhảy xuống đi bộ, cố đi nhanh vì trời đã tối, nhưng chỉ chực vồ ếch.

Hơn nửa cây số đê được người dân rải bạt, chèn cọc tre để chống sạt lở. Tôi nhấc từng chiếc cọc để  xe máy có thể đi qua, mưa vẫn táp đến rát mặt. Ngẩng lên nhìn ra xa, thấy ánh đèn thấp thoáng ôtô đi qua, tôi biết mình sắp ra khỏi Hang Nước. Nhưng không biết, người dân trong vùng bị cô lập, đang tá túc trong lều làm thế nào giữ lâu như vậy các mối buộc tạm cho bạt khỏi bay qua đêm gió bão bùng.

Theo Quang Duy / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.