Nguyễn Đức Chi khai nhận đã hối lộ 700.000 USD để "chạy" sổ đỏ

30/10/2005 23:55 GMT+7

Liên quan đến vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi dùng dự án khu nghỉ mát Rusalka, Nha Trang để lừa đảo chiếm đoạt 165 tỉ đồng, những ngày tới, cơ quan chức năng của trung ương sẽ mời 9 quan chức ở trung ương và tỉnh Khánh Hòa đến làm việc.

Được biết, Viện KSND tối cao vừa yêu cầu cơ quan điều tra (CQĐT) làm rõ những khoản tiền mà Nguyễn Đức Chi đã "lót tay" một số quan chức trong quá trình xin cấp giấy phép đầu tư, cấp đất, cấp sổ đỏ...

Theo tài liệu mà CQĐT đã xác minh, năm 2000, siêu lừa Nguyễn Đức Chi thay mặt cho các Công ty Elaitrox, Cago, Luzhninky (có trụ sở tại Moskva-Nga) nộp hồ sơ tới Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) xin phép thành lập Công ty RIT với 100% vốn nước ngoài để xây dựng khu nghỉ mát Rusalka. Sau này, khi bị bắt giữ, Chi khai nhận các công ty của Nga nói trên không góp vốn vào dự án, số vốn của Chi đầu tư vào dự án Rusalka lúc đầu chỉ vỏn vẹn có 1,8 triệu USD nhưng Chi đã khai khống với Bộ KH-ĐT vốn pháp định là 4,5 triệu USD và vốn đầu tư là 15 triệu USD.

 CQĐT xác định, hồ sơ xin thành lập RIT của Nguyễn Đức Chi thời điểm ấy không có báo cáo hoạt động tài chính của 3 công ty (Nga) trong 2 năm gần nhất, nên không có cơ sở nhận xét về tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty này (có tồn tại hay không tồn tại ở Nga ?). Mặc dù vậy, ông Trần Xuân Giá (lúc ấy là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT) vẫn ký văn bản số 6130 BKH/VPTĐ ngày 3.10.2000 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đáng chú ý, trong công văn mà ông Trần Xuân Giá ký chỉ nêu ý kiến của một số bộ, ngành đề nghị làm rõ khả năng vốn của chủ đầu tư mà không nêu quan điểm của mình có đồng ý hay không đồng ý. Sau thời gian chưa đầy 2 tuần, ngày 16.10.2000, Chính phủ đã ký công văn giao Bộ KH-ĐT cấp giấy phép cho dự án và ngày 16.11.2000, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Huy Hoàng đã ký cấp giấy phép số 2178/GP cho phép thành lập Công ty RIT.

Một vấn đề quan trọng nữa, điều 7 của giấy phép 2178/GP nói trên khẳng định: "Trong thời gian triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư không được chuyển nhượng vốn cho các đối tác khác". Nhưng ngày 5.3.2004, ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT vẫn ký văn bản số 1237 trả lời công văn của Công ty RIT nội dung về việc xin chuyển nhượng vốn dưới hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước là có thể chấp nhận được. Chính siêu lừa Nguyễn Đức Chi đã lợi dụng văn bản này để "mồi chài" góp vốn liên doanh rồi chiếm đoạt tiền của một số doanh nghiệp và cá nhân.

CQĐT xác định, về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT đã không làm hết trách nhiệm của mình theo quy định, cụ thể: không giao cho đơn vị nào kiểm tra tiến độ thực hiện dự án và tiến độ góp vốn của chủ đầu tư (cam kết xây dựng dự án trong 28 tháng, thời hạn góp vốn pháp định là 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép). Đến ngày 15.12.2004 (4 năm sau ngày cấp phép), Bộ KH-ĐT mới có công văn số 410 yêu cầu Nguyễn Đức Chi giải trình rõ nguồn vốn của vốn pháp định và mới phát hiện được việc Chi chuyển nhượng vốn khi chưa  được phép của Bộ KH-ĐT. Nhưng ngày 25.3.2005, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT vẫn có văn bản 1915 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Công ty RIT chuyển nhượng 60% vốn cho Công ty XNK lương thực Trà Vinh để trừ nợ. Và  dù chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận và Bộ Công an có văn bản số 103 ngày 15.5.2005 kiến nghị không cho chuyển đổi dự án nhưng ngày 1.6.2005, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tiếp tục ký tờ trình đề nghị Chính phủ cho Nguyễn Đức Chi chuyển đổi dự án cho Công ty Bạch Lân. Đến nay, CQĐT đã xác định Công ty Bạch Lân cũng là công ty không minh bạch và có hoạt động tham gia buôn lậu, rửa tiền.

Trong quá trình làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (Sở Địa chính cũ), lãnh đạo Sở KH-ĐT cùng các phòng ban chức năng và lãnh đạo  tỉnh Khánh Hòa, CQĐT đã phát hiện những sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) một cách bất thường cho Nguyễn Đức Chi của một số quan chức của tỉnh Khánh Hòa, trong đó có trách nhiệm của ông Trần Minh Duân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. CQĐT cũng đang làm rõ sự liên quan của các ông bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Trọng Hòa (Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) trong việc miễn giảm tiền thuê đất 7 năm cho toàn bộ dự án Rusalka của Nguyễn Đức Chi.

Về việc cấp đất cho các dự án khác của Nguyễn Đức Chi, CQĐT cũng làm rõ sự liên quan của ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong việc đồng ý giao đất tại lô 28 Bãi Dài, Cam Ranh cho Công ty cổ phần Hoa Hồng do Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch HĐQT.

Từ những động thái sốt sắng khác thường của một số quan chức tỉnh Khánh Hòa đối với các dự án nói trên của siêu lừa Nguyễn Đức Chi, dư luận đang đặt câu hỏi về động cơ của họ. Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, siêu lừa Nguyễn Đức Chi khai nhận Công ty RIT đã phải chi hối lộ tới 700.000 USD (khoảng hơn 11,2 tỉ đồng) để "chạy" sổ đỏ cho dự án Rusalka, Nha Trang. Nếu sự thật đúng như vậy thì không biết số tiền này đã rơi vào túi những quan chức nào liên quan đến vụ án nói trên ?

Nhóm PV Thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.