Vượt trước ngăn chặn

30/11/2009 01:06 GMT+7

Ngày 25.11, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5% lên 6%/năm - thực hiện từ 1.12; điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 VND/USD (tăng 5,44% so với 25.11) và giảm biên độ tỷ giá giao dịch từ 5% xuống 3% (nên tỷ giá VND/USD chỉ tăng 3,44%) - thực hiện từ 26.11.

Đây là những động thái "vượt trước ngăn chặn" được thể hiện trên hai mặt chủ yếu:

Đối với lãi suất - về thực chất cũng là một loại giá cả - có tác động ở cả hai đầu là đầu vào (lãi suất huy động) và đầu ra (lãi suất cho vay). Ở đầu vào, với lãi suất cơ bản cũ ở mức 7%, thì lãi suất huy động cao nhất phải thấp hơn mức trần 10,5% cho vay và còn phải thấp hơn thế để trang trải chi phí, nộp thuế, có lợi nhuận ở mức nhất định. Với mức lãi suất huy động như trên, tuy cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng - tức là đã bảo đảm được thực dương - nhưng lại bị hạn chế ở ba mặt. Một mặt, do lãi suất huy động thấp hơn lãi suất ở một số kênh đầu tư khác (như vàng, USD, chứng khoán, bất động sản) và đang có nguy cơ sẽ thấp hơn cả tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 12.2009 trở đi. Do vậy, không những khó huy động vốn mới, mà còn bị người gửi rút ra để đầu tư vào các kênh khác, tạo ra sự nóng, lạnh trên các kênh đầu tư này. Mặt khác, làm cho tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại khó khăn, khi tốc độ tăng huy động thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tín dụng. Mặt khác nữa là khó đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư để phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đề ra.

Với mức lãi suất cơ bản mới (8%), thì trần lãi suất huy động sẽ được nâng lên, khắc phục được ba hạn chế trên. Ở đầu ra, trần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng được nâng lên từ 10,5% lên 12%/năm cũng tác động về hai mặt. Một mặt, đây là biện pháp giúp hạn chế tăng trưởng nóng của tín dụng hiện nay, góp phần hạn chế nguy cơ lạm phát cao trở lại như cảnh báo của các chuyên gia và rút kinh nghiệm đã từng xảy ra vào năm 2007 đã làm cho lạm phát bùng lên từ năm đó đến giữa năm 2008. Mặt khác, đây cũng là "bước đệm" để các doanh nghiệp "hạ cánh mềm" khi gói cấp bù lãi suất vay vốn lưu động kết thúc vào cuối quý 1 năm sau và mức lãi suất cấp bù cũng đã giảm chỉ còn một nửa (2% so với 4%) đối với vay vốn lưu động, vay đầu tư trung và dài hạn; đồng thời cũng không ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đối với tỷ giá - về thực chất cũng là một loại giá - thời gian qua đã chịu sức ép từ nhiều phía, từ cung ngoại tệ, từ các nguồn: xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, kiều hối, du lịch...), nhập siêu tăng lên trong các tháng cuối năm, cán cân tổng thể bị thâm hụt, nhập khẩu vàng, tình trạng găm giữ USD của các doanh nghiệp và cá nhân tăng thêm. Trong các ngân hàng thương mại, USD thương mại thì dư dả, nhưng tín dụng thì eo hẹp. Sau 11 tháng, tỷ giá VND/USD đã tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,28% so với tăng 5,01%); tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn nhiều so với thị trường chính thức... Việc điều chỉnh tăng 3,44% như trên chưa thể gọi là phá giá (được gọi là phá giá nếu tăng trên 5%); nhưng cũng thuộc loại khá cao so với lâu nay và là thông điệp điều chỉnh nhanh, thể hiện quyết tâm can thiệp vào thị trường mạnh mẽ hơn.

Việc chủ động điều chỉnh là rất cần thiết để "vượt trước ngăn chặn" nhằm hạn chế tác động tiêu cực và khắc phục có xảy ra cũng giảm bớt cái giá phải trả.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.