Thách thức an ninh năng lượng: Bước khởi đầu của điện mặt trời

23/11/2009 22:22 GMT+7

Năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng sạch vô tận có thể khai thác dưới 2 dạng: quang năng (điện mặt trời) và nhiệt năng (máy nước nóng năng lượng mặt trời, lò hấp thụ mặt trời...).

Nếu nhiệt năng đang được khai thác tương đối tốt thì quang năng đang vất vả tìm đường phát triển.

Năng lượng trời cho

Cách nay 2 năm, gia đình chị Thảo ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã lắp đặt một chiếc máy nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT) loại 180 lít với tổng chi phí 8,5 triệu đồng. "Hiệu quả vô cùng, vào những ngày trời nhiều mây, nước vẫn nóng phỏng tay, còn những ngày nắng gắt thì khỏi nói, gần như nước sôi, chỉ cần cho vào ấm đun nhẹ là sôi".

Máy nước nóng NLMT hiện đang được sử dụng khá phổ biến tại các đô thị nhờ giá cả vừa phải và lợi ích lớn của nó. Chỉ cần đầu tư lắp đặt một máy loại 200 lít cho gia đình khoảng 5-6 người là có thể sử dụng trong 15-20 năm. Tính trung bình trong 15 năm, đầu tư một máy nước nóng NLMT chỉ tốn khoảng 8,5 triệu đồng, trong khi nếu dùng máy nước nóng chạy điện phải tốn đến hơn 63 triệu đồng (tiền mua máy và tiền điện). Một ưu điểm nổi trội nữa là máy nước nóng NLMT an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, thân thiện với môi trường.

Nếu như máy nước nóng NLMT đang ngày một gần gũi hơn với mọi gia đình, thì điện mặt trời lại quá xa vời. Lý do đơn giản là vì chi phí đầu tư ban đầu vượt quá túi tiền của đại bộ phận người dân, cho dù tại VN đã có nhà máy sản xuất pin mặt trời.

Hiện nay chi phí lắp đặt pin mặt trời cho một hộ gia đình 5 người, sử dụng để thắp sáng, xem tivi, quạt máy, tủ lạnh, khoảng 60 -100 triệu đồng.

Công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ (Red Sun), với 2 đối tác chính là Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) và Công ty Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời đầu tiên và duy nhất tại VN hiện nay. Sản phẩm chính của nhà máy là các tấm thu điện NLMT (solar panels) có công suất từ 50Wp đến 175Wp, đạt tiêu chuẩn châu u (IEC), với hiệu suất gần 16%, và tuổi thọ trung bình khoảng 25 năm. Nguồn nguyên liệu chính là các tế bào quang điện (solar cells) được công ty nhập khẩu trực tiếp từ Đức (Công ty SCHOTT và SolarWorld). Đây là dòng sản phẩm công nghệ cao về NLMT đầu tiên của Việt Nam, và cũng là kết quả của sự hợp tác, nghiên cứu thành công giữa TP.HCM và vùng Rhône - Alpes (Pháp). Sản phẩm của Red Sun đã tung ra thị trường vào tháng 4.2009.

Tại sao VN hiện chỉ có một mình Red Sun sản xuất pin mặt trời? Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Red Sun trả lời: "Chắc thấy không có lời nên không ai dám đầu tư". Một mình một chợ, theo ông, không có nghĩa là hay, bởi trong sản phẩm pin mặt trời có nhiều bộ phận, nếu không có những nhà sản xuất hỗ trợ đồng bộ thì hầu hết các vật tư, linh kiện đều phải nhập, sẽ không thể nào kéo giá thành xuống để sản phẩm dễ tiêu thụ. Ông Diệp Bảo Cánh cũng cho biết, giá sản phẩm pin mặt trời tại VN hiện nay thậm chí thấp hơn giá ở các nước, nhưng vẫn khó phát triển được thị trường trong nước. Vì sao?

Thiếu chính sách hỗ trợ

Theo ông Diệp Bảo Cánh, ở Úc, nhà đầu tư sản xuất điện mặt trời để hòa lưới điện quốc gia được nhà nước hỗ trợ ban đầu 75% vốn, DN chỉ bỏ ra 25%, giá điện mặt trời bán ngang bằng với giá điện của nhà nước. Còn ở Đức, Pháp thì DN bỏ ra 100% vốn để đầu tư, nhưng sẽ được nhà nước hỗ trợ bằng việc mua lại điện mặt trời với giá cao hơn giá điện của nhà nước. Còn tại VN, sản xuất pin mặt trời như Red Sun được nhà nước hỗ trợ gì? Ông Cánh cho biết, nguyên vật liệu nhập khẩu thì được miễn thuế; tỉnh Long An (nơi Red Sun đặt nhà máy) miễn thuế cho 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm kế tiếp. "Với những chính sách chỉ như vậy, để tồn tại là cố gắng dữ lắm rồi!" - ông Cánh bộc bạch.

Theo các nhà chuyên môn, điện mặt trời đặc biệt thích hợp để đầu tư tại các đảo so với việc xây nhà máy nhiệt điện, chưa kể ý nghĩa bảo vệ môi trường, nhất là ở những đảo du lịch sinh thái. Còn ở các khu dân cư tại những vùng xa xôi hẻo lánh, nếu kéo đường dây điện về, chi phí đầu tư sẽ tốn kém rất nhiều. Tại Quảng Nam có một nơi khoảng 300 hộ dân chưa có điện, nếu kéo đường dây đến ước tính khoảng 400 tỉ đồng, trong khi dùng pin mặt trời chỉ tốn khoảng phân nửa chi phí. Hay ở một làng chài thuộc phường Hùng Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh), có 198 hộ dân chưa có điện, đầu tư điện mặt trời cũng rất hiệu quả. Dù điện mặt trời được nhiều địa phương ủng hộ, nhưng nói đến vốn đầu tư thì mọi người "lắc đầu" vì chưa có cơ chế như kéo lưới điện.

Theo ông Cánh, nếu VN có chính sách tốt như ở các nước để ủng hộ cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như NLMT, thì sẽ có người sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho đầu tư ban đầu, hoặc cho vay vốn ưu đãi, hoặc có thể theo cách chính quyền địa phương đầu tư 50%, dân 20%, phần còn lại Red Sun sẽ vận động một số quỹ ủng hộ. Được vậy là có thể hình thành những khu làng sử dụng toàn điện mặt trời.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.