Thư bạn đọc tuần qua (28/11-4/12)

04/12/2006 11:05 GMT+7

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, nhưng năm gần đây ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân. Những ý kiến, nhận định của người dân đưa ra sau khi theo dõi những phiên họp này, có thể là chưa toàn diện nhưng lại là những cái nhìn rất thực từ nhiều góc độ khác nhau, mà những người quản lý, các cấp lãnh đạo rất nên quan tâm. Tuần qua, Thanh Niên Online đã nhận được nhiều ý kiến về các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI vừa qua:

Thủ tướng của tôi !
 
Vừa qua tôi có được nhiều niềm vui trong cuộc đời. Đó là Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC thành công rực rỡ. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi trong lúc này xuất phát từ khi xem xong phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước các Đại biểu Quốc hội. Niềm tự hào cứ mãi dâng trào qua mỗi câu trả lời của Thủ tướng. Tôi tự hào bởi những lẽ:

- Lần đầu tiên có một thủ tướng trả lời các đại biểu Quốc hội với một tinh thần rất cầu thị, bản lĩnh và đầy tính cương quyết trong mọi vấn đề liên quan đến các câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra (mặt dù có những câu chất vấn không kém phần gay gắt).

- Một Thủ tướng đã tạo cho những người dân bình thường như chúng tôi cảm nhận được sự chân thành, sự chăm chỉ trong công việc của một vị lãnh đạo chính phủ thể hiện qua những số liệu cụ thể trong từng lĩnh vực của đất nước.

Thiết nghĩ với một Thủ tướng như vậy thì không thể không có những cộng sự tốt được (các Bộ trưởng, Thứ trưởng...) và những công dân tốt.

Bùi Văn Thành
(270 Ba Cu, Vũng Tàu)

Giải pháp chống tham nhũng

Ngay từ khi nhậm chức Thủ tưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện và có bước đi đúng đắn trong công việc phòng chống tham nhũng với tinh thần rất cao. Tuy nhiên, tệ tham nhũng vẫn đang diễn ra hằng ngày trong giới công chức nhà nước như một thực trạng nhức nhối của nhà nước ta. Là một người dân, là một đảng viên, tôi xin được bày tỏ những mong muốn trong việc phòng chống tham nhũng như sau:

- Thành lập đoàn thanh tra ở tất cả các tỉnh thành và cấp trung ương, tổ chức này chịu sự giám sát của Thủ tướng, của Quốc hội.
- Quán triệt tư tưởng sâu sát hơn nữa đến từng đảng bộ, chi bộ, đảng viên.
- Giao cho từng địa phương và người dân tại địa phương đó giám sát.
- Lập một đường dây nóng, một địa chỉ email, từ cấp tỉnh đến cấp trung ương để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
- Có khen thưởng cụ thể và nhân rộng điển hình trên cả nước.

Minh Tiễn
(6B3 Bình Thới 2, P.Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang)

Chẳng trách các đại biểu bất mãn

Tôi có theo dõi truyền hình trực tiếp phiên họp quốc hội lần này. Kỳ họp này đã thành công hơn những lần trước, các đại biểu đã thể hiện được trách nhiệm của mình trước nhân dân và những câu trả lời cũng ít tránh né hơn. Đặc biệt tôi rất ấn tượng trước phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng: rất thẳng thắn, mạch lạc và đầy trách nhiệm. Song lại vô cùng ngạc nhiên trước thái độ ứng xử quá "chợ búa" của ông Nguyễn Văn Hiện - Chánh án TAND tối cao. Đại biểu quốc hội là những người đại diện cho tiếng nói người dân, vậy mà ông Hiện lại tránh né câu hỏi và cao giọng đốp chát lại đến nỗi tôi không nghe rõ ông ta đang nói gì nữa. Lối xử sự của ông Hiện chứng tỏ ông ta không tôn trọng Quốc hội, không tôn trọng hàng triệu người dân đang theo dõi truyền hình trực tiếp... Chẳng trách các đại biểu phản bác và bất mãn.

hythiem
(Diên Khánh, Khánh Hòa)

Lòng dân sẽ bất yên... 
 
Tôi và nhiều hàng xóm mấy ngày gần đây dù bận mấy cũng bố trí nghe đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ. Việc trả lời và hứa hẹn của các Bộ trưởng lần này có vẻ dè dặt hơn, bởi họ đã ý thức được chỗ họ đang đứng không phải là sân làng, hứa cho xong chuyện. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi tại chỗ đứng này còn có những vị không xứng tầm vẫn được đứng, gây bức xúc trong dân: Đó là ông Chánh án TAND tối cao. Những tưởng những người đức cao vọng trọng như ông ấy thì trước những câu chất vấn đầy trách nhiệm của đại biểu, ông ta phải có thái độ nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm thì ngược lại ông ta toàn nguỵ biện, đổ vấy lung tung. Đó là chưa kể trình độ chính trị, trình độ nhận thức và thái độ trả lời trước dân của ông ta rất kém: Dùng từ ngữ không phải là dân dã mà là thô thiển, trả lời thì sai ý (nâng cao trách nhiệm là bằng mức phân bổ ngân sách chứ không phải vì nang cao trình độ, năng lực của cán bộ) vân vân... Nói gọn lại, nghe xong ông nghị này phát biểu bỗng dưng trong lòng nảy sinh sự bất yên!

Nguyễn Duy Hy
(234, Ngọc Đại, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội)

Không thể là lỗi hoàn toàn của ngành tòa án
 
Việc Chánh án TAND tối cao trả lời nhiều câu không thể rõ ràng được bởi vì nhiều câu hỏi đó phải dành cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp chứ. Chẳng hạn câu hỏi: "Tại sao năng lực của thẩm phán lại yếu kém ?". Vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trước tiên phải xem xét lại chất lượng đào tạo trong nhà trường đại học. Thứ hai là qui định của nhà nước về nhiệm kỳ của thẩm phán. Theo tôi, ở nước ta nhiệm kỳ của thẩm phán còn ngắn và việc làm việc theo nhiệm kỳ đã gây ảnh hưởng đến chất lượng của thẩm phán. Một thẩm phán muốn giỏi đòi hỏi phải có nhiều kiến thức trước tiên ở trường học, sau đó là kinh nghiệm. Trong khi đó nhiệm kỳ quá ngắn dẫn đến việc tích lũy kinh nghiệm chưa cao, rồi cả ý thức không chịu nâng cao tay nghề vì cho rằng thời gian làm cũng chỉ đến đó thôi. Thứ ba là đội ngũ cán bộ trong ngành còn quá thiếu dẫn đến tình trạng bù chỗ này lấp chỗ kia. Thứ tư là chế độ ưu đãi đối với cán bộ trong ngành còn quá thấp so với các ngành khác, dẫn đến chỗ cán bộ không thiết tha, không tập trung cho lắm với sự nghiệp của mình và cũng chính điều này dẫn đến tiêu cực trong xét xử.

Đinh Tuấn
<dinhtuanminh_qndg@yahoo.com.vn>

Thư về các vấn đề khác

Nên lập trang web của trường học
 
Tôi là người có 2 đứa con đang đi học. Do công việc hàng ngày không có nhiều thời gian để trao đổi với chúng về việc học hành cũng như sinh hoạt ở trường, nhưng tôi rất muốn biết tỉ mỉ hơn về những hoạt động trong nhà trường, về tình hình học tập của con em mình và các học sinh khác. Tôi có ý kiến là nhà trường và các nghành chức năng có liên quan nên lập website của nhà trường trong đó thể hiện toàn bộ quá trình học tập của học sinh, đánh giá xếp loại, phương hướng học tập, học sinh tiêu biểu, giáo viên giỏi, những thuận lợi khó khăn, cũng như mọi họat động Đoàn - Đội của nhà trường... Qua đó những phụ huyng như chúng tôi có thể biết được bất cứ lúc nào về con em mình để có phương hướng kết hợp với nhà trường dạy dỗ cũng như định hướng cho chúng học tập và rèn luyện tốt hơn.

Diep Thu Hang
(391/15 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM)

Ngã tư Hàng Xanh và những đứa trẻ ăn xin
 
Tôi hiện đang học tại Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày đi học qua Hàng Xanh, tôi đều thấy những đứa bé xin tiền người qua đường - một hình ảnh làm mất trật tự vào mỹ quan đô thi. Hiện tượng này xảy ra đã lâu nhưng không có cơ quan chức năng nào giải quyết.

Nguyễn Thế Anh
<nguyenthe020985@gmail.com>

Tình trạng chấn lột hành khách vẫn còn
 
Tôi cùng gia đình đi trên chuyến xe khách từ Đông Hà vào TP Hồ Chí Minh, qua địa bàn tỉnh Quảng Nam chiều 26/11/2006. Một hiện tượng trấn lột hành khách trắng trợn mà mọi người trên xe đều ngao ngán ngồi nhìn. Đó là cảnh hai thanh niên tự xưng là "nhân viên Công ty Đông Nam dược Bảo Long, tại Q.6, TP.HCM": một người thấp đậm, nước da ngăm đen, được gọi tên là Hoàng; người kia cao hơn chút xíu, gọi là Sơn. Sau khi lên xe, người tên Hoàng nói liến thoắng về việc không phải là quảng cáo, mà là giới thiệu sản phẩm công ty Đông Nam dược Bảo Long của anh ta. Tiếp đến là giới thiệu loại thuốc trị các bệnh đau nhức về răng rất thần hiệu. Ai đau nhức với mọi nguyên nhân đều hết đau khi dùng chân tăm nhúng một ít và xỉa vào chỗ đau. Hoàng và Sơn, người nói kẻ hỏi, kiểu tung hứng. Ban đầu họ nói bán, giá mỗi gói 2 ngàn đồng, nhưng khi nhận tiền rồi thì "xin trả lại", gọi là biếu để biết mà sau đó tìm đến cơ sở mua. Tiếp đến, với cách thức như trên, lần này là gói ni-lông chứa những hộp tròn màu xanh lá mạ, to hơn viên bi thủy tinh trẻ con hay chơi. Với lời quảng cáo trị các bệnh về thần kinh tọa, đái dắt, tiểu đêm, giật mình thức giấc lúc ngủ... nói chung là gần bá bệnh. Đến lúc "xin" tiền thì giá nghe cũng giật mình so với thu nhập của nhiều người: 197 ngàn đồng. Có người hi vọng được trả lại như lần trước, nhưng cũng nhiều người không đủ tiền đưa ra. Và thế là hành khách trẻ trước mặt tôi bị gầm gừ, đe dọa, xuýt bị ăn đòn với thái độ rất côn đồ. Hốt được mớ tiền chừng gần triệu bạc, bọn lừa đảo lủi xuống trước sự ngao ngán của hành khách và cả nhà xe. Hiện tượng đó đã có từ trước giải phóng tại miền Nam, tức cách đây đã một phần ba thế kỷ, nay vẫn còn, và sẽ tiếp diễn nữa hay không? Qua quý báo, xin chuyển câu hỏi dành cho cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam?

Nguyễn Viết Nam
<namngviet@yahoo.com>

Phản ứng của dư luận về vụ việc "Xén tóc, hớt quần, cắt quai dép…" ở Quảng Ngãi:
 
Phạm Hồng Phúc (TP.HCM): "Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp vô cùng phẫn nộ khi đọc bài viết này. Ngay cả các bậc phụ huynh còn không xén tóc con mình thì tại sao nhà trường dám làm như vậy? Đó là một hành động phi đạo đức, xúc phạc nghiêm trọng đến lòng tự trọng và quyền tự do con người. Và nếu để thực thi nội qui của nhà trường thì phải là hình thức vận động, khuyên bảo của thầy cô, của cán bộ lớp và có thể vận động phụ huynh dạy bảo con mình,... chứ không phải là cách hành xử phi giáo dục như vậy được. Đề nghị Sở Giáo dục Quảng Ngãi kịp thời chấn chỉnh tình trạng này".

Nguyễn Văn Phương (Tiền Giang): "Bản thân tôi cũng là một nhà giáo, cũng từng tham gia công tác giáo dục học sinh, trong đó có giáo dục đạo đức, thế nhưng cách làm này thì tôi chưa từng áp dụng. Tôi xin được góp 1 câu: Cách giáo dục và biện pháp thực hiện của Trường THPT huyện Sơn Hà là "Thực hiện nếp sống văn minh bằng biện pháp kém văn minh" và tuyên bố của bà hiệu trưởng là không hiểu gì về pháp luật".

Nguyễn Xuân Thọ <n_xuantho@yahoo.com>: "Ban giám hiệu Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi với những hành động quá khích của mình không những phản ánh trình độ nghiệp vụ hạn chế của họ, mà còn thể hiện một nhận thức lệch lạc, đặc biệt là thái độ coi thường, xúc phạm nhân phẩm học sinh".

Pham Hoang Viêt (DH Bách Khoa TP.HCM): "Trong khi đa số người thầy, người cô đang ươm mầm tri thức và đạo đức, thì lại có một số người đang làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đó trong lòng học sinh, cũng như trong lòng mọi người".

Hoàng Công Vượng (Trường THPT Đạ Tông, Đam Rông, Lâm Đồng): "Cũng công tác giáo dục tại mọt trường THPT, khi đọc bài báo này tôi rất bất bình về kiểu "chấn chỉnh" nề nếp tác phong học sinh của bà hiệu trưởng này. Tôi càng thấy ngạc nhiên khi bị phản ứng, bà Hiệu trưởng này lại không nhận ra sai lầm trong cách giáo dục của mình.

Các em học sinh THPT thuộc lứa tuổi thanh niên, ưa chuộng cái mới và hay bắt chước những điều mới lạ. Nhiệm vụ của người làm công tác giáo dục là phải định hướng và uốn nắn các em để hướng các em tới những điều tốt đẹp. Điều đó bất kỳ người làm công tác giáo dục nào cũng đều hiểu. Và càng hiểu hơn nữa về nguyên tắc giáo dục là "giáo dục bằng tình cảm, bằng thuyết phục, bằng cách lấy ưu điểm khắc phục nhược điểm là chính". Làm theo cách ở trường này là đã đi ngược lại nguyên tắc và phương pháp giáo dục.

Tất nhiên trong giáo dục có khi phải kiên quyết đối với những học sinh "khó giáo dục", nhưng chỉ làm kiên quyết trong các trường hợp học sinh không tuân thủ quy định mặc dù nhà trường đã hết lòng dạy bảo. Tôi thiết nghĩ chuyện quần áo đầu tóc. của học sinh không phải khó giải quyết đến mức phải cưỡng chế như vậy. Hơn nữa vấn đề này rất tế nhị vì nó thuộc quyền cá nhân của mỗi con người.

Tôi đề nghị chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục địa phương cần xử lý nghiêm khắc vụ việc này để tăng cường thực hiện " Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm" trong nhà trường".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.