Có nên hạ chuẩn kiểm toán?

06/11/2007 22:49 GMT+7

Mới đây, Bộ Tài chính đã có quyết định "hạ chuẩn" xét duyệt các công ty được phép kiểm toán các DN niêm yết.

Kiểm toán đạt chuẩn như được bảo hành

Trên thực tế, không chỉ các công ty niêm yết mà các công ty đại chúng nói chung muốn tăng uy tín với nhà đầu tư (NĐT) cũng muốn được kiểm toán bởi các công ty có chất lượng, đạt chuẩn. Với hàng ngàn công ty đại chúng, trên 200 DN niêm yết (sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới), con số 11 công ty kiểm toán đạt chuẩn hiện nay trở nên quá tải.

Ông Võ Hùng Tiến, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán A&C cho biết, khách hàng của A&C hiện nay đã lên tới trên 1.000 công ty bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, doanh nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, DN Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề... Trong đó, khách hàng là công ty đang niêm yết và công ty đại chúng rất đông và ngày càng tăng thêm. Điều này cũng dễ hiểu, ngoài việc "đạt chuẩn" của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì A&C còn là công ty kiểm toán duy nhất của Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Kiểm toán quốc tế HLB, một trong những tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới. Vì vậy, được "khám sức khỏe" bởi "thầy thuốc" A&C cũng được coi như tấm giấy bảo hành đối với các công ty đại chúng nói chung và DN niêm yết nói riêng.

Đây cũng là tình trạng chung của 11 công ty kiểm toán đạt chuẩn hiện nay. Cũng do quá tải, nhiều quy trình đã bị bỏ qua. Đơn cử như theo chuẩn thì kiểm toán phải tham gia họp hội đồng cổ đông, thế nhưng do quá tải nên kiểm toán "có mặt cũng được, không có cũng chẳng sao"; hoặc các công ty không thực hiện kiểm toán đúng định kỳ...

Hạ chuẩn, NĐT lo lắng

Việc quá tải là có thực, song việc hạ chuẩn để tăng cường công ty được phép kiểm toán các công ty niêm yết lại đang gây nhiều tranh cãi. Theo nhiều chuyên gia, việc nới lỏng các điều kiện về kiểm toán sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán và ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của NĐT. Ông Huy Nam, chuyên gia tài chính chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, cái không hay của việc "hạ chuẩn" là trong chừng mực nào đó sẽ xảy ra trường hợp nhiều công ty kiểm toán chỉ ngấp nghé đạt chuẩn mới hạ cũng được phép kiểm toán các DN niêm yết. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, do tình trạng quá tải hiện nay, việc hạ chuẩn để tăng cường đội ngũ các công ty tham gia kiểm toán các công ty niêm yết sẽ khiến khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, chi phí kiểm toán cũng sẽ hạ xuống. Đó là chưa kể việc các công ty kiểm toán cũng phải nâng cao dịch vụ để có được nhiều khách hàng hơn. Theo ông Nam, để giải quyết mâu thuẫn này phải tăng cường hậu kiểm. Nghĩa là phải giám sát, quản lý, xem xét để các công ty kiểm toán hiện nay và các công ty được xét duyệt đợt này phải làm đúng chuẩn. Mặt khác, khi có nhiều công ty kiểm toán được phép tham gia thị phần này sẽ khiến các công ty niêm yết nói riêng và công ty đại chúng nói chung thực hiện đúng chuẩn về kiểm toán. "Về tâm lý, việc hạ chuẩn có thể làm NĐT lo lắng nhưng đó cũng là yếu tố tích cực vì nếu quan tâm kỹ hơn, họ có thể phát hiện ra báo cáo tài chính có nghiêm túc hay không. Đây cũng là yếu tố quan trọng để kiểm toán phải thực hiện đúng chuẩn và có chất lượng cao nếu muốn tồn tại và phát triển" - ông Nam nói.

Một chuyên gia khác cho rằng, hạ chuẩn không phải là biện pháp hay, nhất là trong quá trình Việt Nam đang hội nhập với các chuẩn mực quốc tế trong tất cả các lĩnh vực. Để giải quyết tình trạng này, nên khuyến khích các công ty kiểm toán đạt chuẩn hiện nay mở rộng quy mô hoạt động của mình, còn các công ty khác "phấn đấu" để đạt chuẩn.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.