Người họa sĩ già và công trình "nghĩa trang sạch"

05/11/2004 22:50 GMT+7

Có một họa sĩ đồng thời cũng là một lương y, một cán bộ về hưu suốt 20 năm qua luôn trăn trở nỗi lo chung của xã hội: làm sao đủ đất nghĩa trang cho người nghèo và giữ sạch được môi trường. Và ông đã dày công nghiên cứu một công nghệ mai táng mới...

Bãi tha ma biến thành làng xóm...

Về thăm quê ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) sau ngày đất nước giải phóng, ông Trần Đình Phùng - khi ấy là họa sĩ Xưởng Phim truyện Việt Nam - không khỏi bùi ngùi khi mảnh đất quê hương sau chiến tranh đã biến thành một bãi tha ma khổng lồ. Phải tìm cách cải tạo bãi tha ma này để cải thiện đời sống bà con. Nghĩ là làm, ông Phùng lập tức phác họa mô hình, lên phương án di dời mồ mả và xây dựng ngôi làng mới. Ông tổ chức triển lãm, xin ý kiến chính quyền, rồi lại đi xin ý kiến người dân. Cái khó nhất là chuyện bốc mả, dời mồ động đến tình cảm thiêng liêng của bà con. Ông Phùng đã đến từng nhà, thuyết phục từng người. Ông cũng tự nguyện dời mộ thân mẫu của mình trước và bà con đã làm theo. Sau một tháng, bãi tha ma gồm 4.500 ngôi mộ đã được giải phóng thành khu đất rộng 18 ha, bà con hết sức phấn khởi vì đã có đất để sản xuất... Hơn 20 năm trôi qua, bãi tha ma ngày ấy giờ đây đã là một khu làng dân cư trù phú nhất, đẹp nhất ở xã Tịnh Kỳ.

Nghĩa trang sạch - đạo nghĩa vẹn toàn

Tôi đến gặp họa sĩ Trần Đình Phùng tại một căn nhà trong con hẻm nhỏ ở tổ 109, P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Người họa sĩ ấy giờ đây đã về hưu và có thêm một nghề nữa: nghề bốc thuốc và châm cứu. Ông kể, giọng rưng rưng: "Tôi đã thấy nhiều người nghèo lắm, đến nỗi không lo được mộ phần cho thân nhân nằm xuống, rồi chôn đại, chôn lén... Tôi biết họ đau lắm, nhưng vì nghèo, họ không thể làm khác hơn. Thế là tôi đi suốt 20 năm qua. Mọi nghĩa trang ở Hà Nội, ở Huế, ở TP.HCM... tôi đều đến và quyết tâm tìm được lối thoát ở cuối đời cho người nghèo"...

Ông dẫn tôi lên gác, căn phòng bừa bộn những vật liệu tạo hình. Ở giữa là một mô hình nghĩa trang do ông thiết kế: "20 năm, tôi đã hoàn thành đề tài này. Người quá cố sẽ được chôn trong một ngôi mộ xây sẵn 1,2 x 2,2m. Bên trong kim tỉnh lát gạch men trắng. Cạnh thành kim tỉnh có lắp ống thông khí metan (CH4) dẫn đến lò đốt, dưới đáy kim tĩnh có một hệ thống xử lý chất thải, hệ thống này gồm 2 ngăn: ngăn lắng và ngăn lọc. Ngăn lắng chứa chất thải, ngăn lọc chứa than tồn tính, hấp thu và loại bỏ tất cả chất phóng xạ, chất gây ung thư, mùi hôi thối, chất thải. Quan tài sẽ được làm bằng giấy các-tông cứng chịu lực tốt theo công nghệ mới của Việt Nam để nhanh chóng phân hủy khi gặp nước. Khi chôn táng được bổ sung một ít Enchoice vào quan tài, giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ. Sau 3 năm mãn tang, hài cốt sẽ được cải táng và ngôi mộ tiếp tục được sử dụng cho người chết tiếp theo". Theo ước tính của tác giả, chi phí lo từ A đến Z cho một người chết theo cách này chỉ tốn khoảng 6-7 triệu đồng, việc sử dụng mô hình nghĩa trang sạch này sẽ tiết kiệm cho xã hội hằng năm khoảng 6.557 tỉ đồng từ các chi phí đất chôn, hỏa táng, xây kim tĩnh, gỗ quan tài... Đề tài này của ông đã được Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương đánh giá cao và hiện nay ông đã gửi dự án này đến Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội.

"Thay đổi một tập quán lâu đời là một điều không dễ, nhưng một tập quán lạc hậu, nhiều phiền phức cho xã hội thì cần phải cải tiến"- ông Phùng nói. Đề tài của ông trước khi dự thi đón nhận nhiều tin vui: Một công ty hóa chất của Mỹ đề nghị tài trợ chế phẩm Enchoice cho ông thực hiện dự án và vị chủ tịch phường nơi ông ở cũng bày tỏ ý định sẽ thực hiện một mô hình đầu tiên tại địa phương khi đề tài được công nhận.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.