Kịch bản phim truyền hình Việt Nam: Thừa mà vẫn thiếu

11/11/2006 15:44 GMT+7

Theo chỉ tiêu chung, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam mỗi năm phải hoàn thành đúng 200 tập phim. 200 tập phim của năm nay cơ bản đã được "làm gối" hòm hòm từ năm trước, rồi... dựng từ từ. Cứ kiên nhẫn mà chờ đợi thì kịch bản viết từ năm 2006, mãi đến năm 2007 may ra mới được thành phim.

Còn khi lên, hay dở ra làm sao thì lại là chuyện khác. Giờ đây, phim Trung có áp đảo phim Hàn thì vẫn là áp đảo trên sóng của... truyền hình Việt Nam. Còn phim truyền hình Việt Nam thì vẫn thế: lép vế và nghèo nàn...

Kịch bản năm trước, năm sau khóa sổ!

Theo nhà văn Thùy Linh, hiện là biên kịch của Phòng Biên tập II Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam gì thì gì, cứ phải làm xong 200 tập phim, vì con số đó đồng nghĩa với quỹ lương, với thu nhập của người làm. Không có chủ trương nào khuyến khích phải biết mạo hiểm và nên thay đổi kế hoạch để ưu tiên cho những kịch bản đề cập đến những vấn đề nhức nhối ngoài xã hội.

Tình trạng chung của kịch bản vẫn là: đã đủ, nhưng thiếu những kịch bản hay. Giới làm phim truyền hình đang đặt kỳ vọng vào Luật đời và cha con, kịch bản do một nhóm tác giả chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. 

Tác phẩm này khi ở dạng tiểu thuyết đề cập đến một vấn đề mà nhân dân đang hết sức quan tâm: cái còn, cái mất trong nhân cách của đảng viên hiện nay. Khi vào kịch bản, các nhân vật cơ bản vẫn giữ nguyên, nhân vật chính lần lượt đi qua những trải nghiệm bi kịch trong việc công và việc tư. Bên cạnh đó, những mặt trái thường thấy sẽ được thể hiện chân thực hơn: bệnh thành tích, duy ý chí, máy móc, cố chấp, trù dập... Đồng thời, những hướng "nhìn xa trông rộng" cũng được nhấn mạnh. Ví như, nhân vật Lê Đại, một sĩ quan xuất sắc trong quân ngũ nhưng thấy mình ở lại không có cơ hội phát triển nên đã năng động xin ra quân về một cơ quan kinh tế để chuẩn bị cho bước đi mới - làm kinh tế tư nhân với tư tưởng: giàu, đóng thuế nhiều cho Nhà nước cũng là một cách yêu nước.

Một kịch bản nữa cũng được coi là "hứa hẹn" nhưng hiện đang... bí mật, đề tài chống tham nhũng, liên quan đến vụ tham nhũng ở Khánh Hòa (được báo chí nhắc đến đã lâu) nhưng không biết năm nào sẽ có phim. 

Kéo dài để... lấp sóng?

Tín hiệu vui của kịch bản năm 2006 chỉ có thế, và cũng đang ở sự kỳ vọng. Năm 2005, cũng 200 tập phim, nhưng nếu nhặt ra để xem thì cũng chỉ có Hương đấtĐèn vàng. Đèn vàng theo đánh giá chung, là một bộ phim xem được, Phạm Cường diễn xuất khá thành công, tốc độ làm phim cũng phần nào đã nhanh hơn các phim truyền hình thường gặp. Tuy nhiên, nhân vật nhà báo ở đây chưa thực sự là nhà báo thời hiện đại mà vẫn mang máng hình ảnh nhà báo thời bao cấp. Và cũng chỉ "tốc độ" ở một số tập đầu, các tập tiếp có vẻ loãng.

Còn Hương đất, sẽ hay hơn khi ngắn gọn hơn chút nữa, chừng 10 tập, chứ kéo đến 18 tập thì có cảm giác lê thê. Vẫn từng đó câu chuyện: kiện tụng ở nông thôn, những thanh niên vô công rồi nghề đi phá phách, một số tật xấu của người nông dân không những không mất đi mà còn khủng khiếp hơn khi đời sống bắt nhịp với... mặt trái của cơ chế thị trường.

Trên phương diện đề tài thì Luật đời và cha con của năm nay được kỳ vọng cũng bởi những bộ phim về đề tài "chi bộ" như Hương đất trước đó gây được sự chú ý. Nghe ra bộ phim này cũng sẽ hứa hẹn... dài tập. Một phép tính đơn giản, để đủ 200 tập phim thì phim càng dài tập càng dễ duyệt bởi người làm có thể nhàn tản hơn. Phim dựng có thể dở nhưng đã duyệt rồi thì vẫn cứ chiếu. Thực tế thì những phim ngắn tập của Việt Nam trên sóng truyền hình gần đây rất ít. Kịch bản có hay như phim 2 tập Bố ơi của năm trước cũng trầy vi tróc vảy mới được lên sóng...

Nhà báo Lê Tấn Hiển tham gia viết kịch bản phim truyền hình gần 10 năm nay và từng để lại ấn tượng với kịch bản phim 5 tập dành cho thiếu nhi Đội đặc nhiệm C21, tâm sự rằng anh không thể bỏ công bỏ việc để đầu tư cho hàng chục tập phim, nhưng các hãng phim không quá chuộng những kịch bản phim ngắn tập: "Tôi thấy để lấp sóng, các hãng phim truyền hình không ngại dở, miễn là dài tập. Mà dài tập với một tốc độ làm ẩu như hiện nay thì làm sao mà phim chẳng dở, chẳng nhàm chán?".

Người viết thiếu, kiến thức thực tế cũng thiếu

Hiện tại, áp lực đối với những người làm kịch bản là thiếu lực lượng viết. Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội hằng năm vẫn đào tạo biên kịch nhưng mấy năm nay chưa có ai về đầu quân ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam. Các hãng phim, đạo diễn đôi khi giải quyết thế bí bằng việc đặt hàng các nhà văn viết kịch bản. Vậy nhưng, lực lượng nhà văn tham gia viết không nhiều, mà những người chịu viết thì có khi lại chưa đạt chất lượng.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng thực trạng chung của kịch bản phim truyền hình hiện nay không phải là thiếu vốn sống mà là... hổng về vốn sống, thậm chí có những người viết về những lĩnh vực nào đó trong đời sống nhưng thiếu hẳn kiến thức về những lĩnh vực đó. Khi xem một số phim, mà đa phần là phim dài tập, có những anh giám đốc trông không ra giám đốc, nhà báo không ra nhà báo, đến cả người quét rác cũng không "đúng" người quét rác thì còn kể gì đến những vai tướng cướp hay là lâm tặc!

Nhà báo Nguyễn Như Phong, người thường viết kịch bản phim hình sự cho loạt phim Cảnh sát hình sự hiện đang được chú ý với phim Chạy án cho rằng: "Với đất của phim hình sự thì đời sống đương đại hiện có rất nhiều vấn đề, trong đó tham nhũng đang được coi là vấn nạn. Rồi cá độ, tha hóa, hoạt động của các băng nhóm xã hội đen... Chỉ tiếc là chưa có người thể hiện được một cách tròn trịa qua các kịch bản trong dòng phim hình sự hiện nay. Một thực tế nhận thấy khi xem dòng phim này là nhiều người viết kịch bản do thiếu vốn sống, thiếu thực tế về nghề công an với công tác đấu tranh chống tội phạm nên không thể hiện đúng hình ảnh công an cũng như nặn ra những nhân vật tội phạm ngô nghê đến buồn cười". 

Gió qua miền tối sáng - bộ phim truyền hình những năm trước đây đã sử dụng tới 7 tác giả kịch bản và 7 đạo diễn, mỗi người hiểu biết mỗi lĩnh vực nhưng cuối cùng phim vẫn không "thật" được như ý muốn. Một trong những lý do là quan điểm chung không đồng nhất, phim rơi vào thái cực quá chỗ nọ, quá chỗ kia...

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng mời cây bút trẻ Hà Thủy Nguyên tham gia viết kịch bản phim Đi về phía mặt trời, một bộ phim nói về cuộc sống của giới trẻ hiện nay. Đây là bộ phim đạo diễn Lưu Trọng Ninh khá chăm chút về khâu kịch bản, sử dụng những người trẻ nói về thế hệ mình. Sau bộ phim ấy, Hà Thủy Nguyên được mời viết kịch bản một số bộ phim nhưng cô không nhận lời bởi "khó có thể thỏa mãn được cả hai nhu cầu là khán giả và người biên tập". Vừa qua, khi xem một bộ phim trên truyền hình nói về một nhà văn yêu một cô gái mại dâm, nhiều nhà văn trẻ ở thế hệ cô không đồng tình vì theo họ hình tượng nhà văn trẻ hiện nay... không phải như thế. Họ không lãng đãng gió mây vậy đâu. Họ thực dụng hơn nhiều... Hà Thủy Nguyên bảo rằng cô sẽ viết một kịch bản nói về đời sống các nhà văn trẻ hiện nay với những vinh quang ảo, với sự lập lờ cũ-mới, sự vật vã giữa sáng tạo và đồng tiền. 

Hơn 10 năm nay, phim truyền hình bị kêu là ngày càng đuối, dở, và một trong những nguyên nhân cơ bản là chưa có một trại viết nào bồi dưỡng việc viết kịch bản!

* Nhà văn Thùy Linh: "Hiện tại chúng tôi có đi đặt viết kịch bản nhưng những người viết được thường không chịu viết, mà kịch bản của một số tác giả tự gửi đến thì dùng được rất ít. Dấu hỏi lớn cho kịch bản bây giờ là có lặp lại hay không, đã bám sát thực tế hay chưa, có đi kịp với những vấn đề xã hội nóng hổi hay không. Một tin vui là hiện tại, các hãng phim tư nhân đã mang kịch bản đến đài truyền hình để mời chào nhưng còn đang ở dạng tiềm năng".

* Nhà báo Nguyễn Như Phong: "Tôi nghĩ rằng không hẳn kịch bản của chúng ta dở mà quá trình thực hiện, có đạo diễn chưa thực sự nghiêm túc, tôn trọng khán giả, dựng cảnh quá thô sơ và chọn diễn viên quá quen thuộc... Có thể tác giả kịch bản thiếu vốn sống nhưng còn có đạo diễn nữa cơ mà?".

* Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên: "Kịch bản dành cho thế hệ trẻ giờ rất thiếu hoặc có thì không phản ánh đúng đời sống, suy nghĩ của giới trẻ. Người viết, nhất là những người lớn tuổi, tư duy về lớp trẻ quá cũ. Còn lớp trẻ muốn tham gia viết thì chưa có một trại viết nào để họ làm quen về kỹ thuật, về cơ hội của tác phẩm"...

Hoàng Nguyên Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.