Hai ngày làm... con nuôi

26/11/2005 16:17 GMT+7

Thời gian ngắn ngủi và trôi nhanh quá!"- nhiều tiếng chặc lưỡi tiếc nuối cùng những vòng tay xiết chặt, những giọt nước mắt lưu luyến trên bến cảng giữa những người ở lại và người ra đi khi họ phải kết thúc những ngày homestay (ở nhà dân) tại Việt Nam (diễn ra từ tối 24 đến sáng 26.11) trong chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) 2005.

Nhường chỗ ở cho "con"

Tối 24.11, hàng xóm của bác Lê Đình Cây (ngụ số 100 Calmette, Q.1, TP.HCM) khá ngạc nhiên khi thấy bác trở về nhà với bốn chàng trai khôi ngô nhưng... lạ hoắc, cùng với nhiều va li, túi xách lỉnh kỉnh. Những người "con nuôi" này là Emil (Philippines), Chea Piseth (Campuchia), Ono (Nhật Bản) và Nguyễn Văn Bằng (Việt Nam). Khuôn mặt bác Cây tràn đầy niềm vui. Vừa dẫn mấy chàng trai vào trong nhà, bác vừa kêu bác gái ra coi mặt mấy đứa con nuôi. Vợ bác Cây xởi lởi chào khách bằng một tràng tiếng Việt, rồi vội vàng xách bịch giấy vệ sinh leo lên cầu thang để bổ sung "trang thiết bị" trong phòng của những đứa con nuôi này. Được biết, trong thời gian này, gia đình bác Cây có vài người bà con từ Mỹ trở về thăm. Bên cạnh đó, con gái bác mới sinh cháu nội nên gia đình khá chật và bận rộn hơn. Những năm trước, bác thường nhận hai đứa con nuôi thôi nhưng năm nay con số đó tăng lên đến bốn. "Có một gia đình trong quận đã đăng ký nhận nuôi hai đại biểu tàu Đông Nam Á nhưng cuối cùng họ bị kẹt chuyện gì đó nên hồi lại. Vậy là tui nhận luôn!"- bác Cây giải thích. Trước khi đón con nuôi về, cả gia đình bác thống nhất dồn phòng ở ghép, để nhường một căn phòng tương đối thoải mái và biệt lập cho bốn đứa con nuôi.

Ngay khi bước vào phòng, việc đầu tiên của cả bốn bố con cùng làm là... mở ti-vi xem trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Myanmar. Sau đó, họ đổ ra đường đi mua sắm và cổ vũ cùng với đông đảo thanh thiếu niên Việt Nam mừng chiến thắng của đội nhà.

"Nói bằng tiếng Anh sao đây bây?"


Bố và các con nuôi xem trận bóng đá Việt Nam - Myanmar
Năm nay, hai bạn nữ Intaradej (Thái Lan) và Monesavanh (Lào) tham gia homestay trong gia đình bác Nguyễn Thị Kim Hoa (285/C1 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM). Nhân dịp hai bạn về ở trong nhà, chị Phú - con gái bác Hoa đã xin nghỉ phép một ngày, cùng với em trai và một bạn gái nữa dẫn hai "em nuôi" đi chơi đồng thời có cơ hội thực tập vốn tiếng Anh. Sáng 25.11, cả gia đình bác Hoa đưa Intaradej và Monesavanh đi thưởng thức món phở Việt Nam. Tiếp đó, cả đoàn xe máy hơn 5 chiếc hồ hởi tiến về các "địa chỉ đỏ" ở Q.10 để tham quan các di tích lịch sử cách mạng. Điểm dừng chân của các bạn là hầm bí mật và Nhà truyền thống Q.10. Trong lúc những hướng dẫn viên giới thiệu các di tích, bà Hoa không ngớt nhắc cô gái tình nguyện viên và mấy đứa con ruột của mình: "Dịch cho mấy đứa nghe đi con! Khoan, đoạn này nói từ từ một chút, để em nó dịch đã!". Bạn Intaradej nhận xét: "Nhờ có dịp được đi tham quan như vậy nên chúng tôi càng hiểu nhiều hơn về lịch sử đất nước của các bạn".

Sau chương trình tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, cả nhà dẫn nhau đi mua sắm. Monesavanh đưa chiếc vòng giả đồi mồi lên, tỏ ý hỏi bà mẹ nuôi bao nhiêu tiền, bác Thu hiểu ý liền quay sang hỏi người bán hàng. Thế rồi bác đột ngột nói lớn: "15.000 đồng Việt Nam nói bằng tiếng Anh sao đây bây ? Tao chỉ biết nó tương đương với goan-đô-la thôi".

Khi "con" lớn hơn... "mẹ nuôi"

Lần theo danh sách các gia đình nuôi SSEAYP 2005 tiêu biểu do Thành Đoàn TP.HCM cung cấp, chúng tôi làm quen với chị Tạ Chu Uyên Nguyên (Trần Quý, Q.11). Điều bất ngờ là người "mẹ nuôi" này chỉ mới 26 tuổi, đang là sinh viên khoa Ngữ văn Đức Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Năm nay, Uyên Nguyên và một người chị kết nghĩa nhận nuôi 5 bạn thanh niên tàu Đông Nam Á. Trong số đó, có 3 bạn nữ đến từ Lào, Indonesia, Singapore và hai bạn nam thuộc các nước Philippines và Malaysia. Uyên Nguyên "mắc cỡ" kể: “Hai bạn nam đều lớn hơn em mấy tuổi. Trưa 25.11, em dẫn bạn Alax (Malaysia, 29 tuổi) đi ra tiệm hớt tóc, mọi người chọc quê quá chừng!”. Để tiện chăm sóc chu đáo hai bạn nam và chia nhau làm tình nguyện viên phiên dịch, Uyên Nguyên đã "cầu viện" thêm một người bạn nam cùng lớp với mình. "Mình học được rất nhiều điều từ việc làm tình nguyện viên và gia đình nuôi này. Mình có điều kiện tìm hiểu về văn hóa, cách ứng xử giao tiếp của các bạn đồng thời mong muốn đem những hình ảnh tốt đẹp nhất về đất nước mình để giới thiệu cho các bạn ấy..."- Uyên Nguyên bày tỏ.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.