Ai thắng thì những nhà tư bản Mỹ cũng thắng!

04/11/2008 10:17 GMT+7

(TNO) Năm 1973, ông Đỗ Nhật Nam tốt nghiệp Trường kỹ thuật Hàng không và Không gian tại Paris (Pháp). Sau đó 2 năm, ông sang Mỹ và được nhận làm việc ngay đúng với chuyên ngành của mình.

Chức vụ cuối cùng của ông là giám đốc các dự án thiết kế hàng không tại một công ty lừng danh thế giới, thương vụ mỗi năm lên đến 30 tỉ USD. Năm 1993, lần đầu tiên kỹ sư Đỗ Nhật Nam về thăm Việt Nam. Sau đó, vài năm ông về một lần, chủ yếu thăm quê Quảng Bình và làm từ thiện ở các vùng nông thôn nghèo. Năm 1997, ông là một trong những chuyên gia về giúp trường Đại học Bách khoa TP.HCM soạn giáo trình bộ môn Kỹ thuật hàng không và tặng trường một số phần mềm thiết kế máy bay. Hai bốn giờ trước khi cùng 150 triệu cử tri Mỹ đi bầu tổng thống, ông trả lời những câu hỏi nóng của chúng tôi.

*Thưa ông, là một trí thức sống và làm việc tại Mỹ từ 1975, hiện làm báo viết sách, ông thường nghĩ ngợi gì mỗi khi nước Mỹ vào kỳ bầu cử tổng thống?

Kỹ sư Đỗ Nhật Nam: Mỗi bốn năm, theo quy định của hiến pháp Mỹ, người dân lại được dịp làm một động thái chính trị quan trọng cho vận mệnh của nước Mỹ cũng như tạo ra những tác động sâu sắc trên đời sống cụ thể của chính mình. Đó là bầu vào Nhà Trắng hai vị lãnh đạo cao nhất của ngành hành pháp của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy là một sinh hoạt chính trị rất lớn, bao trùm toàn bộ 50 tiểu bang và hơn 400 tòa đại sứ cùng tòa lãnh sự Mỹ trên thế giới, nhưng nói chung đó lại là một sinh hoạt văn hóa vĩ mô, cuốn hút mọi quan tâm của dân chúng Mỹ trong gần một năm trời. Nó đánh thức và khơi dậy niềm tự hào, nỗi xót xa, nó là dịp để soát xét quá khứ và thiết kế tương lai của người dân Mỹ. Riêng cá nhân tôi, dù sống ở Mỹ đã hơn 30 năm, tôi vẫn còn choáng váng về nội dung và những biểu hiện của dân chủ và tự do trên đất nước nầy. "Choáng váng" vì mình chưa tiêu hóa nỗi mức độ cùng cực của hai khái niệm tưởng là trừu tượng nhưng lại rất hiện thực đó. Nói như Francis Fukuyama, về lãnh vực trình hiện chính trị, người Mỹ đã đi vào hồi kết thúc của lịch sử (the end of history), không còn một hình thái chính trị nào hay hơn, tốt hơn nữa. Cảm nhận như thế cũng có nghĩa là "dân chủ" và "tự do" kiểu Mỹ, đối với các quốc gia muốn "bắt chước" nó, thì chỉ nên là và chỉ cần là một khát vọng chứ không phải một mô hình để rập khuôn theo. Tại vì phải có một quá trình lịch sử như nước Mỹ, một căn cước văn hóa của dân tộc Mỹ, và một trình độ dân trí của công dân Mỹ thì mới có thể "nuốt" nỗi loại hình sinh hoạt nầy. Còn nếu không là ta sẽ ăn hamburger bằng ... đũa đấy !

*Thông tin nhận được trong nước cho thấy đa số người Việt ở Mỹ nghiêng về ủng hộ ứng cử viên Mc Cain. Theo ông đó có là quyết định thiên về cảm tính?

Kỹ sư Đỗ Nhật Nam: Nói chung, cộng đồng người Việt tại Mỹ chia làm hai phe: Phe đa số bầu cho ông Mc Cain của đảng Cộng Hoà gồm những người lớn tuổi, còn nhiều hoài niệm về quá khứ, thường đọc báo tiếng Việt của cộng đồng và, trên phương diện chính trị, có một cái nhìn thiên kiến về tình hình Việt Nam hiện tại. Họ hy vọng một tổng thống đã từng là tù nhân tại Việt Nam, thuộc một đảng Cộng Hòa diều hâu, thì sẽ thuận lợi hơn cho những ước vọng chính trị của họ. Phe thiểu số thì bầu cho ông Obama của đảng Dân Chủ là, dĩ nhiên, ngược lại với những gì ở trên: Trẻ tuổi, hướng về tương lai, chịu nghiên cứu nhiều tài liệu, và ở một góc độ nào đó và trong một chừng mực nào đó, có nhiều thiện cảm với Việt Nam. Đó là nói chung. Thật ra, tùy mức độ cảm tính, tùy khả năng xử lý thông tin, tùy quan hệ xã hội, và tùy quyền lợi cụ thể, mỗi cá nhân tự độc lập xác định chọn lựa của mình.

*Hai ứng cử viên trong mắt ông được nhìn như thế nào?

Kỹ sư Đỗ Nhật Nam: Theo hiểu biết giới hạn của mình, tôi thấy mỗi ứng viên tổng thống có những ưu và khuyết điểm riêng: Ông Mc Cain nhiều kinh nghiệm đời cũng như kinh nghiệm chính trị, trực tính, dễ dung hòa tuy bảo thủ. Nhưng sức khỏe kém, nhiều khi bốc đồng làm theo ý mình (maverick), và đầu óc không được kết cấu tốt (well structured) trước những vấn đề phức tạp. Còn về mặt chính sách, ông không thoát ra khỏi được những tiêu chí và định hướng của đảng Cộng Hòa: bảo thủ, thuế nhẹ, giới hạn vai trò nhà nước, can dự mạnh vào tương quan quốc tế. Ông Obama thì ít kinh nghiệm chính trị hơn, năng động, khai phóng, tinh thần xã hội cao, cực kỳ thông minh và có khả năng thuyết phục đám đông. Để điều hành quốc gia, ông sẽ phải cần những phụ tá lão luyện và chấp nhận lý tưởng và triết lý trị nước của ông. Ông Obama sẽ thay máu cho một đảng Dân Chủ bị Tổng thống Bush con, trong gần 8 năm, đẩy vào thế bị động và tự chấn thương mình. Tuy nhiên, tôi đồng ý với giáo sư Noam Chomsky khi trả lời cho tạp chí Die Spiegel, rằng ở Mỹ chỉ có một đảng: đảng Tư bản ! Ai thắng thì những nhà tư bản Mỹ cũng thắng ... dù trong năm 2008 nầy, Mỹ có đến 10 liên danh tranh cử vào Nhà trắng (Cộng Hòa, Dân Chủ, American Independent, Peace and Freedom, Libertarian, Green, và 4 liên danh độc lập)
 
* Theo ông ai sẽ đắc cử? Dưới trào tổng thống mới, tình hình thế giới sẽ được ông ta lèo lái theo hướng nào và mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam sẽ ra sao?

Kỹ sư Đỗ Nhật Nam: Khi trả lời cho anh thì chỉ còn 24 giờ nữa là tôi và gần 150 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bầu. Theo những thăm dò dư luận thì có thể ông Obama sẽ đắc cử, nếu không có bất ngờ phút chót. Đồng hồ quả lắc văn hóa (cultural pendulum) của Mỹ đã đến lúc chuyển hướng, đi từ cực hữu qua trung tả. Nếu anh theo dõi lịch sử chính trị Mỹ, anh sẽ thấy cứ mỗi 8 hay 12 năm, cây kim văn hóa Mỹ lại đong đưa từ tả qua hữu, rồi từ hữu qua tả... Về quan hệ quốc tế, tôi "đoán" ông Obama sẽ chịu nhiều thử thách từ những thế lực không chấp nhận vai trò khống chế kinh tế và văn hóa của Mỹ như hiện nay. Chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, theo những tiết lộ của ông trong quá trình tranh cử, là hợp tác để cùng phát triển- Mỹ giàu mạnh thì ai là bạn bè của Mỹ cũng giàu mạnh- giải quyết xung đột bằng đối thoại và hòa bình. Tôi nghĩ sức mạnh, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ sẽ bị giới hạn hơn, thân hữu hơn. Và thế giới sẽ quân bằng hơn, dù đó chỉ là giấc mơ "chính trị" của những nhà trí thức khuynh tả (intellectuel de gauche). Với Việt Nam, anh cho tôi làm ... thầy bói nghe ! Việt Nam sẽ phải đối phó với hai vấn đề: (a) Giao thương hai chiều sẽ giảm, hoặc ít nhất là không tăng trưởng nhiều như với một chính quyền Cộng Hòa. Và (b) áp lực về cái gọi là "vi phạm nhân quyền" sẽ mạnh hơn. Hai "đoán mò" đó của tôi đặt trên một cơ sở mà thôi: triết lý sống của bản thân ông Obama trong khung sướn triết lý của đảng Dân Chủ. Ông là mẫu người trí thức lý tưởng (idealistic), cuộc đời của ông là một tấm gương của một nhà cách mạng xã hội. Chỉ thế thôi. Nếu có một lời góp ý với nhà nước Việt Nam thì đó là ngày nào ta chưa bài trừ hết tình trạng tham nhũng thì ngày đó ta còn "mệt" với cái ông Mỹ gốc da đen 47 tuổi lý tưởng nầy, dù ta đã có một lịch sử cách mạng chống ngoại xâm (mà ông rất ngưỡng mộ) và kim ngạch ngoại thương hai chiều là mấy trăm tỉ Mỹ kim mỗi năm (mà giới tư bản Mỹ rất hài lòng).

Đặng Ngọc Khoa

*Ghi chú: Do ông Đỗ Nhật Nam sống trong vùng Little Saigon, người Việt cực đoan nhiều, nên không tiện đăng hình của ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.