Nền giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu của đất nước

24/11/2011 12:50 GMT+7

(TNO) Trong phiên chất vấn sáng nay 24.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết cả nước đang thừa các trường đại học (ĐH) chất lượng thấp và thiếu trường chất lượng cao, cũng như nền giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước.

(TNO) Trong phiên chất vấn sáng nay 24.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết cả nước đang thừa các trường đại học (ĐH) chất lượng thấp và thiếu trường chất lượng cao, cũng như nền giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước.

Thừa trường chất lượng thấp, thiếu trường chất lượng cao

“Chúng ta có tiếp tục cho thành lập trường ĐH mới hay không nếu họ đáp ứng đủ điều kiện và có chấm dứt hoạt động các trường ĐH chưa đáp ứng tốt chất lượng?”, đại biểu (ĐB) Lương Văn Thành (Hải Phòng) chất vấn. 

Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh bổ sung các trường chất lượng cao theo quy hoạch, củng cố các trường yếu để nâng cao chất lượng; phấn đấu có được vị trí tương xứng với các trường tốt trong khu vực và thế giới.

Nhiều đại biểu đặt vấn đề về việc năm 2010 cả nước giảm tốc độ thành lập các trường nhưng năm 2011, lại có nhiều ngành, nhiều trường không tuyển đủ sinh viên (SV).

Bộ trưởng Luận nói tình trạng các trường không tuyển đủ SV không chỉ diễn ra trong năm nay mà những năm trước cũng tương tự.

Nguyên nhân do một số ngành học có nhu cầu tuyển dụng thực tế cao nhưng chế độ đãi ngộ cho SV sau khi ra trường thấp. Một số trường không thực hiện tốt cam kết như thiếu cơ sở vật chất, thiếu thầy cô giáo… nên không “hút” được SV đầu vào.

 
ĐB Trần Diệu Minh (Quảng Bình) nêu nghi ngại về chất lượng kỳ thi trung học phổ thông năm 2011 - Ảnh: Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, nhiều trường có những ngành đào tạo trùng nhau, gây ra sự phân tán trong ngành đào tạo. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Luận đề ra giải pháp: buộc các trường phải công khai về cơ sở vật chất, đào tạo, đội ngũ giáo viên để người học có điều kiện tìm hiểu rõ, lựa chọn ngành nghề phù hợp với thị trường lao động.

ĐB Trần Diệu Minh (Quảng Bình) nghi ngại về chất lượng thật sự của kỳ thi trung học phổ thông 2011. Đồng thời đặt câu hỏi vì sao kết quả môn lịch sử kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua rất thấp.

Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Luận cho biết Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn phúc tra, phúc khảo tại các địa phương. Các địa phương cũng đã gửi báo cáo về Bộ xác nhận kết quả thi trung học phổ thông năm nay phù hợp với thực tế.

Đối với câu hỏi vì sao môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua đạt kết quả thấp, Bộ trưởng Luận nói ngành giáo dục đã chỉ đạo thay đổi phương pháp dạy và học, giảm học thuộc lòng môn lịch sử, đẩy mạnh các phương pháp giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức học các môn lịch sử, xã hội.

“Có lẽ các em chưa kịp làm quen với sự thay đổi đó”, Bộ trưởng Luận nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) cho rằng gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc khi có một số địa phương phân biệt giữa người tốt nghiệp công lập và ngoài công lập. ĐB Thảo đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết ý kiến về thực trạng này.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định quan điểm của Bộ là không phân biệt giữa hai hệ công lập và ngoài công lập cũng như giữa hệ tại chức và hệ đào tạo tập trung. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy một số địa phương từ chối bằng tại chức và ngoài công lập, Bộ trưởng luận nói: “Đây là sự cảnh báo nghiêm túc để chúng tôi xem xét lại vấn đề này”.

Chế độ chính sách hệ mầm non đang có vấn đề

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu câu hỏi: "Nhiệm vụ toàn ngành giáo dục là đào tạo tầng lớp thanh niên có lối sống lành mạnh, kỹ năng sống tốt. Nhưng gần đây xảy ra liên tục nạn bạo lực học đường, hành xử thiếu văn hóa. Bộ sẽ làm gì để chấn chỉnh?".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Bộ đã có chỉ đạo giảng dạy môn văn, lịch sử, giáo dục công dân và các môn học khác phải có sự điều chỉnh theo hướng giảm việc dạy máy móc, thay vào đó là dùng tấm gương trong nhà trường, địa phương, đưa chương trình trong nhà trường gắn với cuộc sống thực tế hình thành nhân cách của các em”.

Nhiều ĐB cũng bức xúc về thực trạng ngành mầm non chưa được quan tâm như các ngành học khác, đặc biệt là về chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, cũng như chính sách chế độ dành cho giáo viên mầm non.

Bộ trưởng Luận đã nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong hệ mầm non: “Cơ sở vật chất của rất nhiều trường mầm non hiện chưa tốt. Chế độ chính sách với các cháu ở hệ mầm non, cô giáo mầm non đang có vấn đề”.

Bộ trưởng Luận xác nhận lương của giáo viên mầm non ngoài công lập đang thấp hơn giáo viên hệ thống công lập.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Người đứng đầu ngành giáo dục cả nước đã đưa ra giải pháp chuyển dần trường mầm non ngoài công lập sang công lập, từng bước nâng mức lương giáo viên ngoài công lập ngang với trong công lập.

Cũng đề cập đến chuyện thiếu trường mầm non, ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) nêu vấn đề: “Trường mầm non công lập chỉ nhận các cháu từ 12 tháng tuổi trở lên, trong khi nhu cầu gửi con từ 3 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi là rất cao, đặc biệt là ở địa bàn gần các khu chế xuất, khu công nghiệp vốn rất nhiều công nhân sinh sống làm việc”.

Bộ trưởng Luận cho biết, trước mắt chỉ có thể phủ kín các trường mầm non dành cho trẻ 4 - 5 tuổi, còn mầm non dành cho trẻ 3 tháng tuổi đến 1 năm tuổi thì chưa thực hiện ngay được. “Chúng tôi sẽ tính toán ưu tiên mở trường mầm non dành cho trẻ dưới 1 tuổi cho các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Bộ trưởng Luận hứa.

Nhiều ĐB cũng đề cập đến vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan và đề nghị Bộ nên sớm có giải pháp chấn chỉnh hiệu quả.

Bớt học thuộc lòng

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cải tổ nền giáo dục phổ thông là xu hướng mới trên thế giới. Chính phủ sẽ thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng sau năm 2015, điều chỉnh môn học phổ thông sao cho bớt học thuộc lòng, tăng cường kỹ năng, các hoạt động ngoài xã hội.


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói việc nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp đột phá của hệ thống giáo dục - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong thời gian dài, hệ thống giáo dục chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng gì, ở vị trí nào. Chuẩn đầu ra ở các trường ĐH, CĐ, dạy nghề phải phối hợp với nhiều bên để chuẩn hóa.

Theo Phó thủ tướng, việc nâng chất quản lý giáo dục là giải pháp đột phá của hệ thống giáo dục, đồng thời cần hoàn chỉnh lại quy hoạch ĐH, CĐ, dạy nghề theo chuẩn hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đội ngũ hiệu trưởng các trường.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ký văn bản chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh cần đưa ra quy hoạch nhân lực địa phương, để cả xã hội đặt hàng giáo dục, đòi hỏi hỗ trợ giáo dục cùng phát triển.

Trí Quang

>> Mất an toàn vì xây sân golf trong sân bay, ai chịu trách nhiệm?
>> Tân Bộ trưởng Xây dựng: Đặc biệt quan tâm nhà ở xã hội
>> Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử
>> Thả nổi chất lượng sách tham khảo
>> Kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng
>> Bức tranh giáo dục năm 2010  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.