“Khoán trắng” bếp ăn bệnh viện cho một cá nhân

24/11/2008 15:17 GMT+7

(TNO) Một cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng lại được đảm nhận bếp ăn tập thể tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Mới đây, Đoàn kiểm tra VSATTP của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (Bộ Y tế) đã tiến hành đợt kiểm tra VSATTP bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng. Sau khi kiểm tra tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh, ông Nguyễn Sơn Nam - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã công bố thông tin làm nhiều người “giật mình”: “Môi trường quanh bếp ăn chưa tốt, gần các nguồn gây ô nhiễm (hố rác, nhà vệ sinh); bếp ăn chưa được bố trí theo nguyên tắc một chiều; nhân viên chưa được cấp Giấy chứng nhận tập huấn về VSATTP; không có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm; không thực hiện chế độ quản lý nguyên liệu (thực phẩm) đầu vào; không thực hiện chế độ lưu mẫu thức ăn theo quy định”.

Sự việc khó tin, bởi với tính chất của bệnh viện này, đúng ra bếp ăn phải là hình mẫu điển hình về bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, trả lời PV, ông Nguyễn Văn Học - Giám đốc Bệnh viện tỏ ra không đồng tình với kết luận của đoàn kiểm tra. Ông Học cho rằng: khi xây dựng nhà ăn đã được Sở Y tế duyệt thiết kế là một chiều, còn nhà vệ sinh ở trong các nhà ăn là chuyện phổ biến, hơn nữa nhà vệ sinh này (bên bếp ăn) đâu có sử dụng, chỉ dùng để một số vật dụng như chổi, cuốc, xoong nồi; rác ở bên bếp ăn là do bệnh viện đang xây dựng nên không thể khắc phục (?).

 Trong nhiều năm qua, lãnh đạo bệnh viện này đã “khoán trắng” bếp ăn cho bà Nguyễn Thị Lệ Chi - một cá nhân không đủ tư cách pháp nhân đảm nhận việc tổ chức nấu ăn cho bệnh nhân tại bệnh viện. Việc này dù có hợp đồng kinh tế hẳn hoi nhưng qua kiểm tra thì đã hết hạn hơn 1 năm nay (từ tháng 9.2007).

Có 4 đối tượng chính sách là người nghèo, cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, cán bộ hưu trí mất sức, trẻ em khuyết tật điều trị và thường xuyên ăn tại bếp ăn của bệnh viện. Mỗi bữa ăn trung bình có 40 người ăn (hằng ngày có hơn 100 suất ăn) nhưng chỉ có một người tổ chức bếp ăn từ khâu tiếp phẩm, chế biến, thành phẩm đến vệ sinh. Hàng ngày, bà Chi đi chợ mua thực phẩm chứ không có hợp đồng cung ứng thực phẩm để đảm bảo rằng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng theo như quy định về đảm bảo điều kiện VSATTP.

Ông Nguyễn Văn Học cho biết: “Biên chế cho nhà ăn không có, phần lớn các bệnh viện đều hợp đồng xã hội hóa nhà ăn, bệnh viện là đơn vị tương đối nhỏ mất 3 biên chế để tổ chức nhà ăn cho bệnh nhân thì lãng phí vô cùng. Thật ra với 40 suất ăn thì một người là phù hợp, khi nào số lượng đông, bệnh viện sẽ cử thêm nhân viên tăng cường”. "Mấy năm trước Trung tâm Y tế Dự phòng có kiểm tra nhưng không có vấn đề gì, năm ngoái còn được cấp giấy chứng nhận VSATTP loại tốt” - ông Học khẳng định.

Ông Học cho biết thêm, bếp ăn này cũng có một bác sỹ dinh dưỡng phụ trách về thành phần và định lượng suất ăn của bệnh nhân, và trước khi ăn thì xuống kiểm tra.  Tuy nhiên, khi trả lời đoàn kiểm tra về kỹ năng quản lý bếp ăn bệnh viện thì vị bác sỹ này cho rằng, bệnh nhân ăn theo bệnh lý nên bệnh viện khoán cả thực đơn cho người nấu, bác sỹ giám sát bằng... cảm quan (?!).

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.