Nghèo vẫn có thể du học!

10/11/2005 09:16 GMT+7

Theo thống kê mới đây của Bộ GD & ĐT, hiện có khoảng 38.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại hơn 20 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó gần 20% du học bằng ngân sách Nhà nước.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có khoảng 400 người được chọn du học bằng ngân sách theo Đề án 322. Theo cách này, nhiều sinh viên nghèo vẫn có thể du học.

Du học theo Đề án 322

Mục tiêu của Đề án 322 là đào tạo và bồi dưỡng cán bộ từ trình độ ĐH trở lên đạt chuẩn quốc tế tại cơ sở nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng.

Mỗi năm, Đề án 322 tuyển 400 chỉ tiêu, trong đó 50% chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, 25% đào tạo thạc sĩ, 15% đào tạo kỹ sư, cử nhân và 10% thực tập khoa học.

Đề án 322 thực hiện 2 phương thức đào tạo: đào tạo tập trung toàn khóa học tại nước ngoài và đào tạo một phần của khóa học tại Việt Nam (phương thức phối hợp đào tạo).

Ngành nghề đào tạo trong phạm vi Đề án 322 bao gồm các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo hoặc có đào tạo nhưng chất lượng chưa cao. Các ngành được ưu tiên đào tạo là công nghệ thông tin - viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới.

Năm 2005 là năm thứ 6 triển khai và cũng là năm cuối của giai đoạn I (2000 - 2005) của Đề án 322. Tính đến cuối tháng 7/2005, Đề án 322 đã cử được 2.050 HS-SV, cán bộ đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, trong đó 637 người học tiến sĩ, 588 người học thạc sĩ, 167 người đi thực tập khoa học, 658 sinh viên đại học.

Đã có 454 người tốt nghiệp, trong đó có 52 tiến sĩ, 281 thạc sĩ, 121 thực tập khoa học (chưa có sinh viên đại học tốt nghiệp). Ngoài ra, có khoảng 7,5% số lưu học sinh đại học hoặc thạc sĩ tốt nghiệp xuất sắc đã được Đề án 322 xét duyệt cấp học bổng để tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.

Sang giai đoạn II, Đề án 322 được điều chỉnh theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28-4-2005 của Thủ tướng. Theo đó, Đề án được gia hạn thực hiện đến năm 2014, đối tượng tuyển sinh mở rộng hơn (bao gồm các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước, trước đây chỉ bao gồm cán bộ khoa học, kỹ thuật).

Giai đoạn II, Đề án nhấn mạnh 2 phương thức đào tạo, trong đó tăng thêm số học bổng cho phương thức phối hợp đào tạo (đào tạo một phần chương trình tại Việt Nam).

Ví dụ đào tạo tiến sĩ theo phương thức 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại nước ngoài, đào tạo thạc sĩ 1 năm tại Việt Nam và 1 năm tại nước ngoài, đào tạo đại học 2 - 3 năm tại Việt Nam và 2 - 3 năm ở nước ngoài.

Ngân sách dành cho Đề án 322 giai đoạn II khoảng 260 tỷ đồng/năm, và tăng thêm chỉ tiêu tuyển khoảng 400 người.

Du học theo chương trình hợp tác

Ngoài Đề án 322, Bộ GD & ĐT còn có đề án cử sinh viên đi học theo nguồn kinh phí do Liên bang Nga hỗ trợ từ số tiền lãi trong khoản nợ mà Việt Nam vay của Nga (Liên Xô cũ) trước đây.

Số tiền này được sử dụng chủ yếu để tuyển sinh viên đi học đại học tại một số trường đại học ở Nga. Hiện nay, Bộ GD & ĐT đã tuyển chọn được 300 sinh viên giỏi cử đi học tại Nga bằng nguồn kinh phí này.

Bên cạnh đó, một phần kinh phí do Liên bang Nga hỗ trợ được phép sử dụng để đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ theo phương thức phối hợp tại Nga và một số nước.

Hiện có 3 đề án phối hợp đào tạo trình độ đại học giữa Việt Nam và LB Nga theo phương thức đào tạo 2 năm tại Việt Nam, 4 năm tại Nga. Có 3 đề án phối hợp đào tạo thạc sĩ với các trường đại học tại Pháp, Hàn Quốc, Đức sử dụng kinh phí chuyển đổi từ khoản lãi nói trên, đào tạo theo phương thức 1 năm tại Việt Nam và 1 năm ở nước ngoài.

Mặt khác, Bộ GD & ĐT còn hợp tác với Bộ GD & ĐT các nước có một số chương trình học bổng dành cho công dân Việt Nam đi học ở nước ngoài. Có thể kể đến một số chương trình như: Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) mỗi năm tuyển khoảng 40 thí sinh đào tạo tiến sĩ về khoa học tự nhiên, toán, công nghệ, kỹ thuật, môi trường, y tế cộng đồng tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ.

Chương trình học bổng Úc hợp tác với Bộ GD & ĐT tuyển khoảng 150 học bổng đào tạo sau đại học hàng năm.

Chính phủ Nhật Bản cấp khoảng 50 học bổng đào tạo sau đại học mỗi năm.

Chính phủ Hàn Quốc cấp khoảng 10 học bổng và Chính phủ Pháp cũng cấp nhiều học bổng theo các bộ, ngành khác nhau.

Điều kiện nhận học bổng du học bằng ngân sách

Đối tượng tuyển chọn đào tạo theo Đề án 322 gồm: cán bộ đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước (hợp đồng lao động phải kèm theo sổ đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan); SV năm thứ nhất xuất sắc tại các trường ĐH trong nước; học sinh thi vào ĐH với kết quả cao nhất (bao gồm cả diện được tuyển thẳng); SV đạt giải nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" và HS tốt nghiệp THPT ở nước ngoài thuộc diện xuất sắc (học bổng bán phần).

Những người thuộc đối tượng nói trên được tự do dự thi tuyển tại 18 Hội đồng tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ủy quyền, các Hội đồng (HĐ) tuyển sinh đại diện cho một số nhóm ngành tập trung tại Hà Nội (8 HĐ), TP Hồ Chí Minh (6 HĐ), Thái Nguyên (1 HĐ), Huế (1 HĐ), Đà Nẵng (1 HĐ), Cần Thơ (1 HĐ).

Việc thi tuyển được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Các thông tin cụ thể có thể xem trên Website của Chương trình học bổng Việt Nam: www.vosp.org hoặc trao đổi qua email với Đề án 322: pstien@hn.vnn.vntdphuc@moet.gov.vn hoặc liên hệ với các trường ĐH được Bộ GD&ĐT ủy nhiệm thành lập Hội đồng tuyển sinh hàng năm.

Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn: Yêu cầu ngoại ngữ là 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 điểm IELTS đối với thí sinh đăng ký đi học tại Anh, Mỹ; 500 điểm TOEFL hoặc 5.5 điểm IELTS đối với thí sinh đi học tại các nước khác sử dụng tiếng Anh trong đào tạo.

Riêng thí sinh đi học tại Trung Quốc, Nga, Pháp không yêu cầu kiểm tra ngoại ngữ, sau khi thí sinh trúng tuyển được học ngoại ngữ tại nước đến học.

Thí sinh đủ trình độ ngoại ngữ nêu trên sẽ được xét trúng tuyển căn cứ điểm thi các môn theo số chỉ tiêu phân cho từng Hội đồng tuyển sinh. Ứng viên phải cam kết sau khi tốt nghiệp trở về nước làm việc.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.