ĐH DL Văn Lang phản ứng vì bị công khai những hạn chế

12/11/2009 23:09 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng 2 bài báo ngày 8 và 9.11 về việc kiểm định chất lượng giáo dục của 20 trường ĐH đầu tiên, TS Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH DL Văn Lang đã có công văn phản ứng.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được làm rõ những điều mà trường đã nhận định trong công văn này.

1. Công văn nêu: Bài báo Các trường phải công bố công khai kết quả đánh giá ngoài đăng tấm ảnh của trường ĐH DL Văn Lang với chú thích: “Trong đợt kiểm định chất lượng vừa qua, trường ĐH DL Văn Lang là một trong hai trường bị đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đề nghị hạ từ mức 2 xuống mức 1 do không đảm bảo được đầy đủ yêu cầu về sứ mạng và mục tiêu của nhà trường”. Nội dung của đánh giá về sứ mạng và mục tiêu của nhà trường đã bị cắt xén, tạo ra một cái nhìn phiến diện về trường ở tiêu chí hết sức quan trọng này. Sứ mạng và mục tiêu của trường ĐH DL Văn Lang được Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục công nhận là một trong những điểm mạnh đầu tiên của nhà trường... Đó rõ ràng là một việc làm thiếu thiện chí, dựa trên sự cắt xén không trung thực.

Về ý kiến này, chúng tôi xin nêu rõ như sau: Ở tiêu chuẩn 1 (về sứ mạng và mục tiêu) căn cứ vào Hồ sơ thẩm định kết quả đánh giá chất lượng của trường ĐH DL Văn Lang thì kết quả đánh giá ngoài cho thấy trường chỉ đạt ở mức 1 (đạt 50% yêu cầu của tiêu chí). Ở tiêu chí này, trường tự đánh giá đạt mức 2 (đạt 100%) nhưng đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã hạ xuống mức 1 và được Hội đồng thẩm định nhất trí. Vì vậy, việc Báo Thanh Niên thông tin trường đã “không đảm bảo được đầy đủ yêu cầu về sứ mạng và mục tiêu” là hoàn toàn chính xác và không cắt xén bất kỳ nội dung nào.

2. Công văn của trường sau khi diễn giải các “kiến thức” về việc kiểm định, và lý giải về việc tại sao Bộ chọn 20 trường để kiểm định, ông Nguyễn Dũng đã bình luận: “Việc Báo Thanh Niên đăng 2 bài liên tiếp chỉ nói về những thiếu sót, theo chúng tôi là thiếu xây dựng, cắt xén thông tin một cách không trung thực, ít nhiều gây hoang mang cho xã hội”.

Về bình luận này, theo quan điểm của Thanh Niên: việc nêu lên nhưng điểm còn hạn chế của các trường trong đợt kiểm định này là đáp ứng được mong muốn của đông đảo bạn đọc nói chung và của sinh viên nói riêng. Bởi việc này liên quan đến quyền lợi của họ. Một trong những mục đích của việc kiểm định là nhằm “giải trình với xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của trường; làm cơ sở cho người học lựa chọn trường và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực”. Vì vậy việc chỉ ra những điểm yếu của trường là một việc cực kỳ quan trọng không chỉ với xã hội, với người học mà còn có ý nghĩa tích cực với bản thân nhà trường.

Khi các nhược điểm này được công khai đương nhiên sẽ là áp lực đối với nhà trường nhưng đó là áp lực để các trường phải đầu tư khắc phục, vươn lên. Cũng xin nói thêm rằng, bài báo đã đề cập đến những hạn chế của tất cả 20 trường trong đợt kiểm định này chứ không riêng gì trường ĐH DL Văn Lang. Ngay cả những hạn chế của các trường chúng tôi cũng không đề cập hết mà chỉ nêu một số hạn chế có tính chất chung nhất. Có thể dẫn chứng: bản thân trường ĐH DL Văn Lang có rất nhiều hạn chế và có 2 tiêu chí không đạt mức tối thiểu nhưng các bài báo trước đều không đề cập. Như vậy xin hỏi Báo Thanh Niên thiếu tính xây dựng ở điểm nào?

Đáng lưu ý là trong bài báo thứ nhất đề cập đến những điều chưa đạt của 20 trường, chúng tôi hoàn toàn không có nhận định nào liên quan đến những khiếm khuyết của trường ĐH DL Văn Lang. Về bài báo thứ hai ông Dũng cho rằng: “Việc cho đăng tấm ảnh với tên trường Văn Lang và chú thích như trên là nhằm lấy Văn Lang làm ví dụ cho những hạn chế mà bài báo nêu”, nhưng đáng tiếc là trong bài báo này cũng không hề có nội dung nói về những hạn chế của bất kỳ trường nào mà ông Dũng cho rằng đã lấy Văn Lang ra để làm ví dụ!

Không chỉ có nhận định sai lệch về nội dung 2 bài báo, ông Nguyễn Dũng còn cho rằng Báo Thanh Niên lợi dụng chủ trương công khai của Bộ GD-ĐT “như một cơ hội thuận lợi để tùy tiện đưa ra những thông tin phiến diện và thiếu thiện chí”.

Về nhận định này, cần nói rõ - thứ nhất, tại báo cáo của Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục đã kết luận: “Kết quả thẩm định 20 trường ĐH này cần được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Như vậy, lẽ ra kết quả này phải được công bố từ lâu nhưng do những bất cập như Báo Thanh Niên đã phản ánh trong bài Cứ kiểm định là... đạt chất lượng, đăng trên số báo ra ngày 10.11.2009 nên đến nay vẫn chưa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố. Việc Báo Thanh Niên tự tìm hiểu và đăng những thông tin từ kết quả này là trách nhiệm và nghĩa vụ của một cơ quan truyền thông.

Hơn nữa những nhận định về hạn chế của các trường được nêu trong bài báo này đều được trích dẫn trong báo cáo đánh giá chung về 20 trường được kiểm định của Bộ GD-ĐT và đánh giá của những đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của 20 trường. Vì vậy đây không phải là nhận xét chủ quan mà Báo Thanh Niên “tùy tiện” đưa ra.           

Xin nêu một số ví dụ cụ thể về những tồn tại của trường ĐH DL Văn Lang được đề cập trong hồ sơ thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của trường này mà trước đó Báo Thanh Niên chưa đề cập như: Chưa xây dựng được kế hoạch chiến lược và tầm nhìn phát triển dài hạn; Tài liệu tham khảo của các ngành học còn ít. Điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo còn chưa thường xuyên và đồng đều giữa các khoa. Chưa tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ; Đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu nhiều so với nhu cầu; một số khoa số lượng giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ rất thấp. Chưa có ký túc xá và chưa có đủ sân chơi, bãi thể thao phục vụ SV. Ngành xây dựng của trường chưa có phòng thí nghiệm thực hành.

Báo Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.