Herbie Hancock - những điều có thể

03/12/2005 17:19 GMT+7

... Sân khấu rộng, các nhạc cụ ngổn ngang nhưng chỉ có hai người, một ngồi bên chiếc dương cầm, một đứng cầm cây soprano saxo. Hai người này có cái bóng đổ dài, thật dài và đủ để che khuất bất cứ ai đứng cạnh. Họ đặt từng bước chân cho bản Footprints nhưng những dấu chân này chỉ mờ nhạt Footprints trên đĩa. Tính ngẫu hứng lại được đưa lên đầu, chỉ loáng thoáng Footprints kinh điển, còn lại là sự ứng tác và tung hứng giữa dương cầm và saxo.

Một đêm diễn của "nghệ sĩ jazz lừng danh nhất mà VN hân hạnh đón tiếp" Herbie Hancock, bên cạnh đó là tay "siêu anh hùng" saxo (lời giới thiệu trong đêm diễn) Wayne Shorter khiến tối về không ngủ được, lục đĩa ra nghe lại...

Những thành tích của họ đã được giới thiệu đầy trên các phương tiện truyền thông, kể không cần phải nhắc lại. Nhưng người viết không đủ mê đắm jazz nên tủ đĩa chỉ có 3 CD của Herbie Hancock: Maiden voyage, Perfect machine và Possibilities. Maiden voyage năm 1965 quá kinh điển nên không cần nhắc đến, chỉ xin điểm lại 2 đĩa mới hơn. Perfect machine là album năm 1988 của Herbie Hancock, đánh dấu chấm hết cho giai đoạn thử nghiệm với pop ở những năm 1980. Đừng trông đợi chút ít jazz gì ở đĩa nhạc này, chỉ có những thử nghiệm với funk (qua sự hiện diện của tay bass Bootsy Collins, vốn chơi cho James Brown và nhóm Parliament Funkadelic) và nhạc điện tử (với nhà sản xuất Bill Laswell vốn rất chuộng hi-tech). Một đĩa nhạc tò mò phá phách hơn là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, dù trong đĩa có chơi lại một đoạn từ Maiden voyage.

Possibilities là album mới nhất của Herbie Hancock, phát hành ngày 30/8/2005. Trong đĩa này, Stevie Wonder không hát trong bài quen thuộc của mình I just call to say I love you mà nhường lại cho Raul Midón, một tài năng nhạc soul gốc Argentina đang nổi. Stevie chỉ đệm harmonica trong một bài phối khác hẳn với bản gốc nhộn nhịp khi xưa. Vài tên tuổi lẫy lừng khác cũng có mặt như Santana đệm guitar cho Angélique Kidjo trong Safiatou, Paul Simon hát lại sáng tác của chính mình, bài I do it for your love. Ca khúc của Paul Simon trong album Still crazy after all these years năm 1975 đã từng bén mùi jazz với các bậc thầy như nghệ sĩ dương cầm Bill Evans (người có ảnh hưởng nhất đến Herbie Hancock), nghệ sĩ harmonica Toots Thielemans hay nghệ sĩ saxophone David Sanborn... Lần này, bài phối cũng dành nhiều đất cho tiếng dương cầm của Herbie, không chỉ ở đoạn giang tấu mà quấn quít giọng hát của Paul Simon trong suốt cả bài. Sự có mặt của Santana lại không ấn tượng bằng tay guitar của nhóm Phish, Trey Anastasio, sử dụng giọng mình như một nhạc cụ đệm trong bài Gelo Na Montanha, bài hòa tấu duy nhất trong đĩa. Sting khá xuất sắc với Sister moon hát lại từ album Nothing like the sun. Các tài năng trẻ cũng góp giọng vào đĩa như "cô dâu mới" Christina Aguilera hát lại A song for you kinh điển, Joss Stone và tay guitar 8x của dòng blues Jonny Lang chơi lại When love comes to town của U2. Đoạt giải Grammy hồi đầu năm cho cả hai khả năng sáng tác và hát, John Mayer tận dụng cả hai ưu thế của mình trong bài hát mở đầu đĩa Stiched up. Don't explain của Billie Holiday khi xưa cũng là một track nhạc nổi bật với hai giọng hát Damien Rice và Lisa Hannigan và một đoạn cello rất đẹp ở giữa. Hay nhất đĩa là Hush hush hush sáng tác bởi Paula Cole (hẳn bạn còn nhớ Where have all the cowboys gone năm 1997 của cô ca sĩ này?) và do Annie Lennox trình bày. Album này đi theo hướng thành công của Ray Charles ở đĩa Genius loves company, cộng tác với nhiều nghệ sĩ cả mới lẫn cũ. Herbie mô tả đĩa nhạc này "thật sự là sự cộng tác, tất cả đều được quyết định khi vào phòng thu, một đĩa nhạc không biên giới, một tấm thảm được dệt nhiều màu. Những khả năng có thể xảy ra là vô tận".

...Anh bạn mê bóng đá khẽ bình luận "trên sân khấu có đủ Ruud Gullit, Edgar Davis và cả Antonio Reyes!". Quả thật, ngoại hình của tay bass Joe Sanders, tay trumpet Ambrose Akinmusire và tay piano Romain Collin khá giống 3 cầu thủ trên. Nhưng những tràng vỗ tay nồng nhiệt nhất, dĩ nhiên được dành cho Herbie và Wayne. Không có những bài standard quen thuộc để có thể dễ dàng nhận ra, buổi diễn đầy ắp những chuỗi âm thanh trúc trắc, khó nghe và thậm chí chói chát với những ai quen nghe nhạc kiểu Take me to your heart. Herbie lúc trầm lắng, lúc tưng bừng, Wayne luôn tươi cười, Nnenna sôi nổi, buổi diễn khép lại nhưng những khuông nhạc jazz vẫn luôn bỏ ngỏ để mỗi người chơi luôn có dịp thể hiện tính cách của mình...

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.