Thư bạn đọc tuần qua

24/10/2005 09:53 GMT+7

Nạn mãi lộ với những bằng chứng cụ thể mà PV Thanh Niên ghi nhận trực tiếp và đưa lên báo trong tuần qua, thật ra không phải lần đầu mới được phát hiện, nhưng vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với tâm trạng chung là bất bình. Bất bình trước sự tha hóa, biến chất của cá nhân một số cảnh sát giao thông; bất bình cả với cơ quan chức năng khi không giải quyết rốt ráo “điểm đen” này trong hoạt động ngành vì nó đã xuất hiện từ khá lâu và làm giảm đáng kể lòng tin của dân đối với lực lượng công an.

Bạn Nguyễn Thanh Vu (Đà Nẵng) gửi đến những lời tâm huyết: “Tôi thấy không riêng gì những đoạn đường mà phóng viên nêu trên bài báo mà bây giờ đã đến đại đa số trên tất cả các tyến đường. Là một người dân yêu nước, là một thanh niên tiến bộ nguyện trọn đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, tôi tha thiết mong các cơ quan ngôn luận cần tập trung đả phá thường xuyên những hiện tượng tiêu cực, để các "bác đầu làng" nghe thấy, nhìn thấy, hiểu và có biện pháp thật mạnh với những hình ảnh trái ngược hình ảnh tốt đẹp về cuộc sống mà chế độ xã hội ta  mong muốn đem lại cho người dân”.

Bạn Nguyen Van Minh lên án mạnh mẽ: “Chúng tôi rất căm phẫn. Cha anh chúng ta đã phải đổ máu hy sinh để có nền hòa bình nhưng một số kẻ tha hóa đã làm vấy bẩn bức tranh tươi sáng mà các thế hệ người Việt Nam đã và đang dày công tạo dựng. Cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cũng như để lấy lại lòng tin của nhân dân”.

Bạn Phạm Hùng Sơn có suy nghĩ: “Những người cảnh sát giao thông đó không có một chút tự trọng, bởi họ thừa biết nhân dân nghĩ gì về họ khi biết những việc làm như vậy. Lãnh đạo Bộ Công an mà bỏ qua chuyện này thì thật không thể hiểu nổi. Có lẽ phải có chiến dịch làm trong sạch ngành cảnh sát giao thông ngay, để họ xứng đáng hàng ngày mặc bộ trang phục oai phong ra đường và người dân còn nể trọng”.

Bạn đọc ký tên Thi Nguyen đặt vấn đề: “Để tránh đối mặt với các trạm CSGT, cách tài xế chỉ mỗi việc là tấp xe vào các cây dầu hoặc quán ăn để chờ đến hết giờ làm việc hoặc đổi ca của các trạm CSGT mới tiếp tục. Để bù lại thời gian chờ, các xe phải tăng tốc độ tối đa để chạy cho kịp giờ, đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn trong thời gian qua. Thiết nghĩ đây không phải là vấn đề mới nhưng với cách làm như hiện nay thì không thể nào giải quyết triệt để vấn đề chặn xe lấy tiền mãi lộ của lực lượng CSGT. Tôi nghĩ không quá khó để dẹp dứt điểm chuyện này. Đã có nhiều chuyên án tưởng như không thể phá được nhưng các lực lượng phá án của chúng ta vẫn phá được vậy tại sao những chuyện diễn ra hàng ngày trước mặt bao nhiêu người mà chúng ta không dẹp được?”.

Bạn Hồng Hà (Việt Trì): Đây là việc làm quá trắng trợn của CSGT, cấp nào, nghành nào và bất cứ người dân nào cũng biết nhưng để bắt và xử lý những CSGT thoái hóa biến chất này thì còn quá ít. Cần nghiêm trị, loại bỏ ra khỏi nghành những kẻ thoái hóa biến chất này để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với nghành Công an.

Bạn Do Chu Dat (Quốc Tử Giám, Hà Nội) còn cho rằng tình trạng mãi lộ đã gián tiếp làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu VN: “Tôi là một doanh nhân chuyên kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản, thường xuyên phải vận tải hàng hóa qua các trục đường quốc lộ chính từ các tỉnh miền bắc ra các cảng ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Sau khi đọc bài báo tôi rất lấy làm vui vì ít nhiều đã có người nói lên sự thật. Tôi cũng xin phản ảnh thêm: Ngoài các địa danh đã nêu ở bài viết này chúng tôi còn gặp phải một số địa danh khác như các trạm ở Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Hầu như các tỉnh này đều có 2-3 trạm cảnh sát giao thông. Số tiền phải đóng ở mỗi trạm không dưới 100.000 đồng. Cá biệt có trạm ở Sao Đỏ (Hải Dương) thông thường phải từ 300-500 nghìn đồng/lấn/xe. Trung bình hàng hóa của chúng tôi chở từ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái về đến cảng phải chi phí cho mãi lộ khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/xe. Trong khi mỗi xe chúng tôi chỉ chở khoảng 25-30 tấn hàng (vì hàng hoá rất cồng kềnh) vì thế vô hình chung mỗi tấn hàng của chúng tôi đắt mất khoảng 30 cent. Tuy nhiên giá hàng hoá thế giới là không đổi, vì thế khoản đắt hơn 30 cent này đã làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Làm một phép tính rất đơn giản: Trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 15.000 tấn và số tiền chi cho “mãi lộ” khoảng 75 triệu đồng tương đương khoảng 4 nghìn USD. Đó là một trong những lý do tại sao tính cạnh tranh của các DN Việt Nam kém”.

Bạn đọc ký tên Van viết: “Không phải là nạn nhân của nạn mãi lộ, nhưng tôi thật bất bình khi tệ nạn này không phải mới xuất hiện mà ngành chức năng vẫn chưa giải quyết rốt ráo để đến mức người dân đã xem đó là “chuyện đương nhiên. Cần phải chấm dứt tính trạng này”.

Bạn Lê Đức Thành (Hải Phòng) đặt vấn đề: “Mãi lộ - đề tài không mới nhưng hết sức bức xúc của người dân và trên các mặt báo lâu nay.Vậy đâu là bài toán giải quyết về tệ nạn này? Báo chí đã phơi bày nhưng việc xử lý những tên tuổi cụ thể lại dường như rất phiến diện, không thực sự nghiêm khắc, hầu như chỉ mang tính xoa dịu dư luận. Kiểu như: Xử lý mãi lộ = cảnh cáo + chuyển công tác. Dư luận đặt ra: phải chăng có những thế lực đứng đằng sau những người trực tiếp “làm luật”?”.

Một nông dân ở Đàl Lạt có thư: “Qua bài viế, tôi thấy cần theo dõi nhiều tuyến hơn. Từ Đà đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại, lượng xe chở hàng cũng khá lớn, trongg một đêm khoảng 400 xe tải chở rau và hoa từ ĐàLạt đi TP và chở hàng ngược lại, cũng không tránh được tình cảnh này. Nhiều lúc thấy thương những tài xế, chủ yếu là họ chạy thuê ăn theo chuyến rất vất vả, nhiều chủ xe và lái xe đã phải bỏ nghề, họ không dám đưa ra bằng chứng vì sợ bị phạt và làm khó dễ. Hãy góp phần giúp dân bớt khổ!”.

Thư bạn Đoan Thanh Hoa ở Cầu Giấy, Hà Nội: "Đọc bài báo, tôi không thể nghĩ rằng trong đội ngũ cảnh sát của chúng ta lại có những trường hợp tha hóa biến chất đến như vậy. Thử hỏi lãnh đạo ngành công an có biết hay không? Nếu biết sao vẫn để như vậy? Đâu rồi truyền thống "Vì nhân dân phục vụ" mà những thế hệ đi trước đã dày công tạo dựng, để lại cho họ?”.

Sau khi lãnh đạo Bộ Công an có văn bản chỉ đạo hướng xử lý đối với những cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông vi phạm, nhiều bạn đọc đã tiếp tục gửi thư phản hồi. Đó là thư của các bạn Hanh Hoa; Duc Tung; Nguyễn Mai Anh (Hà Nội); Tập thể sinh viên trường ĐH DL HP; Hoàng Anh Tuấn (Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ)… Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm khắc bằng các biện pháp hình sự, thậm chí đuổi khỏi ngành, chứ không thể chỉ “điều chuyển sang bộ phận khác” đối với các trường hợp vi phạm cụ thể. Có như vậy mới có thể giải quyết rốt ráo, dứt điểm tệ nạn này.

Từ câu chuyện Bản in chi tiết một cuộc nhắn tin dài... 19,2m! của Vinaphone, bạn Xuân Nghi ở 214 Trần Hưng Đạo, Q. 5, TP.HCM có thắc mắc: “Tôi là chủ một thuê bao của mạng 091, tôi sử dụng điện thoại theo dạng trả sau đã gần hai năm nay. Tôi vẫn thực hiện thanh toán cước đầy đủ nhưng lần nào tôi đến điểm thu cước để xin chi tiết cuộc gọi thì nhân viên bảo tôi phải xuất trình CMND. Tôi thấy các mạng khác hàng tháng vẫn in Bảng kê chi tiết cho khách hàng mặc dù khách hàng không yêu cầu. Khi đọc bài "Bản in chi tiết một cuộc nhắn tin dài... 19,2m!" tôi mới giật mình, Vina tính cước cho tôi đúng hay sai tôi không hế biết được do không có bảng kê. Phải chăng đây cũng là một cách để... giảm bớt khiếu nại của khách hàng của Vinaphone?”.

Bạn Nguyễn Bá Thủy (ở Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sử dụng số điện thoại 0912904904 thực sự bức xúc khi tình trạng tin nhắn lặp lại vẫn tiếp tục diễn ra. Bạn có thư: "Trong tháng 9, từ 10h14 đến 10h28 ngày 21/9 máy của tôi cũng bị tự động nhắn liên tục vào số 915478788. Gọi cho tổng đài Vinaphone thì họ nói cứ làm đơn khiếu nại đi chứ không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào. Đến ngày 23/10 máy của tôi lại bị từ 13h51'57'' đến 14h35'01'' liên tục gửi tin nhắn vào số 0903757789".

Bạn Dương Thanh Đăng - một khách hàng của Viettel ở số điện thoại 0988579736 có ý kiến về chất lượng dịch vụ di động của mạng Viettel: "Tôi là người sử dụng dịch vụ di động viettel khoảng nửa năm nay. Những gì mà dịch vụ mang lại cho người sử dụng quả thật gây cho tôi những phiền toái và có cả nghi ngờ. Trước đây, hiện tượng gửi tin nhắn cho 1 máy khác (trường hợp của tôi là 1 máy s-fone) có khi ngày hôm sau mới tới, hoặc là phải gửi thêm 1 tin nhắn nữa thì tin nhắn kia mới tới được máy cần gửi. Nhưng chỉ có vài lần nên tôi cũng không để ý lắm. Từ khi Viettel khuyến mãi rầm rộ thì chất lượng càng ngày càng kém. Kém đến mức gây ra rất nhiều bực mình cho người sử dụng. Gần 1 tuần nay càng gặp nhiều sự cố hơn: gửi tin nhắn thì nửa tiếng sau mới tới, hoặc thậm chí ngày hôm sau mới tới; cuộc gọi miễn phí nội mạng đầu tiên, được khoảng 10 phút là ngắt, tôi đã thử khoảng 5 cuộc và đều như thế, duy chỉ có 1 cuộc là dài hơn 15 phút; các cuộc gọi khác thì lúc được lúc không, thậm chí khoảng 10h sáng mà cũng có "mạng bị nghẽn". Tôi đã bị lỡ mất nhiều việc quan trọng vì tình trạng này".

Tiếp tục phản ảnh tình trạng tin nhắn lặp lại, bạn Nguyễn Thị Hạnh Địa ở số điện thọai 0983 158 154 có thư: “Tôi có người bạn sử dụng số 0918 504954 nhắn cho số máy của tôi là 0983 158154. Nhắn 2 lần thì một lần tôi nhận được 12 tin và một lần tôi nhận được 20 tin . Chưa hết, tôi có người bác sống tại Vũng Tàu sử dụng số máy 0918 061088 và khi nhắn cho con gái số 0983 554431 thì cũng bị tình trạng như trên (máy 0983554431 còn lưu lại rất nhiều tin nhắn lặp để khiếu nại vì số máy 0918061088 bị tính tiền số tin nhắn đó). Mong tình trạng này không còn lặp lại”.

Cũng là một khách hàng của Vinaphone, bạn đọc ký tên Hà có kiến nghị với nhà cung cấp dịch vụ: “Là một người sử dụng Vinaphone gần 10 năm rồi thì tôi thấy qua các thời kỳ Vinaphone cũng có đôi chút cải tiến về các dịch vụ khách hàng mặc dù vẫn còn có thói cửa quyền ở nhiều nhân viên dịch vụ khách hàng. Trở lại với các trục trặc kỹ thuật, tôi nghĩ là bất kỳ mạng nào cũng có thể xảy ra. Điều mà người tiêu dùng mong muốn là thái độ có trách nhiệm của nhà cung cấp khi giải quyết các trục trặc đó. Hiện nay, đó là mặt yếu nhất của Vinaphone và các công ty có yếu tố nhà nước khác. Tôi đề nghị Vinaphone xem xét có bộ phận PR hoặc customer service như các công ty nước ngoài”.

Với những dẫn chứng và đánh giá về thực trạng sử dụng chất xám ở nước ta hiện nay, bạn Trịnh Kim Chiện rất đồng tình với tác giả bài báo: “Tôi thấy bài báo đã phản ánh đúng được một sự thật của xã hội ta hiện nay: Tình trạng lãng phí và cơ chế sử dụng lao động trong khu vực Nhà nước vô cùng bất cập. Vô hình chung, Nhà nước đã đánh đồng mọi trình độ lao động. Hầu như tất cả các cơ quan Nhà nước chưa có tiêu đánh giá và phân loại lao động để từ đó có được chiến lược lao động lâu dài mà chỉ nhận lao động theo chỉ tiêu. Các lao động trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các cơ quan công quyền (thường gọi là các công chức) cứ đến tháng nhận lương mà chẳng cần phải quan tâm đến trong tháng đi làm đủ ngày hay không, hằng ngày đi làm có đúng và đủ giờ hay không, càng không thể nói đến trong một ngày có làm được việc gì hay không? Người làm tốt, chịu khó học hỏi, hăng say lao động và tìm tòi sáng tạo không khác những người lao động lười biếng, kém cỏi: đến tháng nhận đủ lương. Thêm vào đó, với chính sách tăng tương theo thâm niên (3 năm tăng 1 lần), người làm việc càng lâu năm thì lương càng cao, chẳng cần quan tâm đến mình làm việc như thế nào? Tại sao nghịch lý này vẫn cứ tồn tại nhiều năm? Qua bài báo tôi thấy việc tạo ra một thị trường lao động trong các cơ quan Nhà nước có lẽ nó sẽ là một động lực thực sự cho công cuộc "cải cách hành chính" ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và cũng chính là động lực cho đất nước phát triển. Sử dụng lao động theo đúng năng lực, trả lương theo đúng khả năng. Tại sao các doanh nghiệp làm được mà các cơ quan nhà nước lại chưa làm được? Câu hỏi này cần một lời giải từ những người quản lý”.

Đồng tình với quan điểm bỏ điểm thưởng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, bạn Nguyễn Tiến Hải có thư: “Một bộ phận các bậc phụ huynh và thầy cô đang làm mất đi tính tự lập của con em mình bằng cách tiêu cực để con em mình được cộng điểm thưởng mà không quan tâm đến học lực thực sự của con em mình. Hậu quả là mặc dù có được 2 điểm thưởng trong kỳ thi ĐH-CĐ nhưng kết quả điểm tổng các môn thi ĐH-CĐ chỉ ở dưới mức trung bình; hoặc dẫn đến thực tế là dù học lực tương đương nhưng một số học sinh vì được cộng thêm điểm thưởng thì đậu được vào ĐH, CĐ, còn một số không có điểm thưởng thì rớt. Làm mất đi sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập, nhường chỗ cho sự cạnh tranh không lành mạnh với phương tiện cạnh tranh không phải là tri thức thực sự. Đất nước đang phấn đấu để cho "xã hội công bằng, văn minh”. Và ý kiến riêng của tôi là nên xóa bỏ chế độ điểm thưởng. Nhưng xóa bỏ hoàn toàn thì thiệt thòi cho những em thi đạt giải quốc gia, quốc tế. Vì vậy vẫn nên khuyến khích các em đạt giải quốc gia và quốc tế. Việc thưởng điểm nên nhằm mục đích cho các em có sự phấn đấu trong học tập và làm lành mạnh hóa nền giáo dục”.

Bạn Nguyễn Văn Bạt thì phản đối dữ dội hơn trong việc cộng điểm thưởng: “Quan niệm điểm thưởng là để khuyến khích học sinh học toàn diện hay vì bất kỳ một lý do nào cũng chỉ là tư duy bao cấp, duy ý chí. Điểm thi là thước đo trí tuệ, kiến thức, năng lực và bản lĩnh của người tham gia thi. Vì vậy nếu đem cho ai đó sẽ là việc làm phản khoa học. Thiết nghĩ, kết quả thi môn lịch sử vừa qua có thể xem là bài học cho kiểu tư duy bảo thủ”.

Sau phản ảnh về tình trạng cố tình lưu thông ngược chiều, gây nguy hiểm cho người đi đường, bạn Trần Công Bảo đề nghị: “Phạt thật nặng những trường hợp cố tình đi vào đường ngược chiều”. Bạn có ý kiến: “Ngành chức năng chưa chú trọng đế việc này hoặc đã làm nhưng không đồng bộ, vô hình chung đã dung dưỡng cho những vi phạm này ngày càng phát triển mạnh hơn. Ngoài lỗi vi phạm lưu thông ngược chiều, còn có lỗi vi phạm băng ngang dải phân cách một cách vô tội vạ rất nguy hiểm. Lỗi này cũng cần phải xử lý nghiêm khắc”.

Sự việc một học sinh lớp 9 ở Đồng Nai bị sát hại một cách dã man bởi những kẻ côn đồ đã gây bất bình cho dư luận xã hội. Bạn Hoàng Anh Tuấn ở Quảng Trị lên tiếng: “Tôi không khỏi rùng mình khi biết được thời nay lại có những kẻ hành động hơn cả thú vật như vậy. Mong cơ quan chức năng nhanh chóng trừng trị để làm an lòng người thân của nạn nhân và dư luận”.  “Tôi thật sự hoảng sợ. Tôi phải làm sao đây để bảo vệ con tôi trong khi suốt ngày tôi phải đi làm? Mà nếu tôi ở bên cạnh liệu mẹ con tôi có thể chạy thoát nếu gặp bọn côn đồ giống như trên không? Tôi phải làm thế nào khi xã hội bây giờ quá nhiều kẻ hành sự kiểu xã hội đen như thế?”. Chắc sẽ có không ít người mang tâm trạng giống như trên của bạn đọc ký tên Van. Các bạn Tran Thanh Thanh ở 225 Võ Thành Trang, P.11, Q.Tân Bình (TP.HCM); The Vinh; Le Thi Hoa ở 72/5 Quang Trung, Buôn Ma Thuột… đề nghị phải xử lý hình sự một cách đích đáng những kẻ côn đồ này để răn đe những kẻ khác đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự trong xã hội.

Tăng viện phí, học phí, theo cơ quan đề xuất - Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác - từ phía người thụ hưởng, mà cụ thể là dân nghèo, đây sẽ là một gánh nặng “không thể chịu được”. Bạn Trần Nam ở 8/A2, Đầm Trâu, Hai Bà Trưng (Hà Nội) có thư: “Tôi thiết nghĩ, kinh tế xã hội phát triển, chỉ số giá cả tăng cao... viện phí và học phí tăng là điều có thể hiểu. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, cần phải xem xét và phân tích kỹ đến các đối tượng chịu tác động của chính sách này. Với người bệnh, tại các thành phố lớn, tôi thấy phàm những người có thu nhập trung bình thấp và người nghèo mới có nhhu cầu vào bệnh viện. Những người có thu nhập cao - người giàu, họ sẽ chọn phương án bệnh viện tư vì họ cần được chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn, nhanh hơn... Còn người bệnh ở các tỉnh lẻ thì phần đông là những người có điều kiện kinh tế không cao, thậm chí có người phải vay mượn để có tiền đến bệnh chữa bệnh... Theo tôi, biện pháp để dung hòa giữa 2 đối tượng này mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ là tăng viện phí đi đôi với các chính sách miễn giảm tiền thuốc và phí vào viện cho người nghèo. Tuy nhiên, việc này nếu không được thực hiện thống nhất đồng loạt và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, rất có thể bệnh nhân nghèo lại trở thành nạn nhân của một số quan chức cửa quyền, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục giấy tờ. Kết cục, bệnh nhân nghèo lại càng khổ... Với học phí cũng vậy, đối tượng chịu tác động là sinh viên, học sinh nghèo”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.