Vượt bão

13/12/2008 08:06 GMT+7

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không phải lỗi của khu vực Đông Á. Nhưng cũng như những khu vực khác, Đông Á chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. May mắn là các nước trong khu vực đã sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng hơn so với những năm 90.

Điều quan trọng là tìm hiểu kinh nghiệm những gì đã xảy ra trong thập kỷ qua và tránh những chính sách có thể gây ra thêm khó khăn cho người nghèo và người dễ thương tổn. 

Từ cuộc khủng hoảng cũng có thể nhìn thấy một số khía cạnh tích cực. Đến nay, nền kinh tế các nước đang phát triển của khu vực vẫn ổn định. Có được điều này là nhờ sau cuộc khủng hoảng 1997, các nước đã xây dựng hệ thống giảm sốc: tăng cường cán cân tài chính công và tài chính đối ngoại, cải thiện quản lý doanh nghiệp và giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn. Nguồn dự trữ ngoại tệ lớn hơn cũng tốt hơn. 

Nhưng những hệ thống giảm sốc này đang bị thử thách. Việc các nhà đầu tư ngoài khu vực rút vốn ra đã đẩy các nền kinh tế trong khu vực vào khó khăn. Chi phí vốn tăng cao, đe dọa các chương trình phát triển khu vực. 

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực mới của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP tại các nước đang phát triển trong khu vực hạ xuống khoảng 6,7% năm 2009 - giảm từ mức 8,5% của năm 2008 và mức kỷ lục 10,5% năm 2007. Quá trình suy giảm này cũng giống như ở châu u và Mỹ La-tinh. Nhưng với mức tăng trưởng cao, các nước đang phát triển trong khu vực vẫn có thể vượt các nước đang phát triển ở khu vực khác.

Cuộc khủng hoảng, ban đầu là khủng hoảng tài chính, đã trở thành khủng khoảng kinh tế và nay là khủng hoảng việc làm. Chính vì vậy nhiều chính phủ áp dụng các gói giải pháp kích thích nền kinh tế. Chúng ta đã thấy các gói này ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, và Malaysia. Indonesia và Việt Nam đang cân nhắc thực hiện các kế hoạch tương tự. Nhưng kể cả khi có các gói giải pháp đó, hiệu quả của chúng sẽ không đến ngay. Tốc độ và hiệu quả của các gói giải pháp kích thích kinh tế hiện là chìa khóa thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Các khoản hỗ trợ cho mục đích xã hội sẽ có hiệu quả nhất trong việc kích cầu, và có thể phục vụ cả mục đích bảo vệ người nghèo khỏi ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng. Trong khi hệ thống an sinh xã hội ở mỗi vùng mỗi khác, các nước trong khu vực đều nhận thấy tầm quan trọng của hệ thống này trong xử lý khủng hoảng. Các nghiên cứu của WB cho thấy những sáng kiến này - ví dụ như hỗ trợ tiền mặt có điều kiện, hay chương trình đến trường được ăn miễn phí - có thể có hiệu quả với chi phí thấp, thường dưới 1% GDP của mỗi nước. WB sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi không lãi từ quỹ của Hiệp hội Phát triển quốc tế, hiện có 42 tỉ USD và đang cho 78 nước nghèo nhất thế giới vay. IBRD, cơ quan tín dụng của Ngân hàng Thế giới, có thể cho vay tới 100 tỉ USD trong 3 năm tới. Năm nay, con số cho vay có thể lên tới 35 tỉ USD, gấp ba lần năm ngoái.

Những khoản hỗ trợ tăng lên này nhằm giúp người nghèo và người dễ tổn thương. Chúng tôi đang cố huy động thêm nguồn lực và điều phối với các cơ quan và các nước khác, như Úc, Trung Quốc, Ủy ban châu u, Nhật và Ngân hàng Phát triển châu Á. IFC, cơ quan hỗ trợ khu vực tư nhân của chúng tôi, cũng đã công bố ba quỹ hỗ trợ khu vực tư nhân, trị giá khoảng 30 tỉ USD trong ba năm tới. Hy vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề trong thời gian gần đây như: tài chính cho xuất khẩu, hỗ trợ vốn cho ngân hàng ở các nước nghèo, và hỗ trợ các dự án có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tài chính.  

Các nước tiếp tục thực hiện các chính sách lành mạnh và có điều phối hoàn toàn có thể vượt qua cơn bão này. Tất nhiên, điều này không đơn giản. Bình ổn nền kinh tế, chuyển xuất khẩu sang các khu vực phát triển nhanh hơn, thay thế nhu cầu bên ngoài bằng nhu cầu trong nước, và tiếp tục cải tổ để tạo tính cạnh tranh, đều mang tính chất sống còn. Đây là những nhiệm vụ rất khó, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế bất ổn, nhưng cũng là nhiệm vụ mà các nước trong khu vực phải cùng nhau thực hiện thành công.  J.A 

James Adams
 
(Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới)*

* Bài viết riêng cho Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.