Khi quản lý ca sĩ chỉ là người ra giá

24/09/2013 10:50 GMT+7

Không chỉ biết quản lý thời gian, tiền bạc mà còn phải có cái nhìn dài hạn trong chiến lược âm nhạc của thân chủ, nhưng đa số quản lý ca sĩ ở Việt Nam hiếm khi hội tụ cả hai điều đó.

Không chỉ biết quản lý thời gian, tiền bạc mà còn phải có cái nhìn dài hạn trong chiến lược âm nhạc của thân chủ, nhưng đa số quản lý ca sĩ ở Việt Nam hiếm khi hội tụ cả hai điều đó.

May mắn mới gặp quản lý giỏi

 
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý may mắn có được người quản lý chuyên nghiệp - Ảnh: Bạch Dương

Khi đạo diễn sự kiện nổi tiếng người Pháp - ông Philippe Bouler, người từng là giám đốc sản xuất nhiều chương trình tại Festival Huế - gặp Lê Cát Trọng Lý lần đầu tiên, cô đang hát trong một quán cà phê khá xa trung tâm TP.HCM. “Một giọng hát kỳ lạ. Cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người Việt Nam tóc xoăn. Em rất nhỏ bé, nhút nhát”, ông Philippe Bouler nhớ lại. Quay lại quán lần 3, vị đạo diễn mới gặp và bắt chuyện rồi bắt đầu thiết lập quan hệ công việc với cô. Giờ đây, ông như người bảo trợ và gần như là quản lý của cô ở châu u, cho dù ông làm việc đó không đòi hỏi một đồng công xá. Tất cả là giúp đỡ vô điều kiện giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ.

“Tôi quay về Pháp, rồi nói với Francis Cabrel, một nghệ sĩ nổi tiếng rằng đây là nữ ca sĩ người Việt”, ông Philippe Bouler kể. “Francis nghe đĩa, nói rằng cô ấy hát hay đấy. Rồi tôi bảo nếu muốn cả hai có thể hát chung với nhau”. Sau đó, Trung tâm văn hóa Pháp mời Lý hát nhiều lần, đều có sự trợ giúp của ông. Và trong sự trợ giúp Lý đi nhiều nơi để lưu diễn, ông đều muốn cô làm việc nhiều hơn, để tự hoàn thiện. Với ông, cô còn quá trẻ, và công chúng nên chờ đợi để có một tài năng chín thắm hoàn hảo.

Khó tìm ra quản lý chuyên nghiệp ở VN

Rõ ràng, những hỗ trợ kiểu như ông Philippe với Lê Cát Trọng Lý là quá đặc biệt để có thể xuất hiện trên diện rộng. Phần lớn ca sĩ vẫn phải tiếp tục có những người quản lý (hay trợ lý) chính cho hiện tại bộn bề của mình. Trong đó, người quản lý vừa nhận sô diễn, vừa ra giá rồi ký kết hợp đồng. Với các ca sĩ có tên tuổi, công việc đó đủ nhiều và độc lập với ca sĩ đến mức nhiều khi “thỏa thuận miệng” đã được xác lập giữa người quản lý và đơn vị tổ chức biểu diễn mà ca sĩ chưa từng hay biết. Cũng chính vì việc “hành chính” nhiều như vậy, nên quản lý ca sĩ khó mà tính toán chiến lược phát triển nghề nghiệp cho ca sĩ.

 
Phương Mỹ Chi với lịch diễn dày đặc sau khi đoạt á quân Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: Độc Lập

Hiện nay, tìm một quản lý ca sĩ “thượng thặng” ở thị trường trong nước giờ rất khó. Còn nhớ, từ thuở Hồ Ngọc Hà mới bước chân sang làng ca hát, nhạc sĩ Đức Trí đã mất bao công để tìm một người quản lý cho cô. Người đó đồng thời phải có chiến lược âm nhạc, vừa phải biết các khâu sản xuất, đồng thời lại phải có tư duy kinh doanh. “Sau cùng anh Trí bảo tôi là thôi hay cậu làm đi”, nhạc sĩ Hà Quang Minh sau này nhớ lại và Hồ Ngọc Hà thành sao trên bầu trời giải trí.

Sự trưởng thành vượt bậc của Văn Mai Hương với số ca khúc hit vượt hẳn Uyên Linh càng cho thấy lần nữa “sức đẩy” của tầm nhìn quản lý. “Uyên Linh có thẩm mỹ tốt, giọng tốt. Nếu gặp người có tầm nhìn Linh sẽ đi xa hơn bây giờ nhiều, mà không hề thua kém Văn Mai Hương”, một người quản lý giấu tên nói.

Quản lý của Anna Trương đã làm việc cùng ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Trương Anh Quân trên từng bước đường cô tiến vào làng nghệ thuật. Một là quản lý hành chính với từng sô diễn cụ thể. Một trên cơ sở chiến lược mà chính bố mẹ cô (Mỹ Linh, Anh Quân) - những nghệ sĩ trải nghề, thành công - đã định hướng.

Nhìn vào làng nhạc Việt, không ít vụ lùm xùm dính đến người quản lý. Nhìn để thấy, quản lý ca sĩ dường như đang nhảy lò cò. Họ hoặc thiên về “xay tiền”, hoặc ít có năng lực hoạch định đường dài nghệ thuật. Những người quản lý ấy chưa kịp học về chuyên môn, đã phải mang gánh nặng, và họ sẽ làm việc một cách rất cảm tính, tự nhiên chủ nghĩa. Vì thế, có ca sĩ hát tốt, ngoại hình đẹp, từng có giải trong các cuộc thi âm nhạc mà cứ mãi loay hoay. Rốt cuộc, tiềm năng là thế, chất giọng đủ nội lực để thành sao nhưng vẫn quanh quẩn các sân khấu nhỏ, các phòng trà.

Cô bé Phương Mỹ Chi vừa đoạt giải á quân cuộc thi Giọng hát Việt nhí có thể sẽ trở thành một Cẩm Ly thứ hai với giọng hát dân ca ngọt ngào. Nhưng khi ngày trưởng thành ấy chưa đến, thì chuyện gia đình em bỏ việc bán hàng ăn để làm quản lý cho em chỉ nên là bước chuyển ngắn hạn. Thực tế cho thấy, việc để Mỹ Chi diễn quá dày trong vụ trung thu vừa qua từ phòng trà, quán cà phê đến sân khấu lớn và cả nhà hát hẳn không thể mang lại tương lai bền vững.

Về lời đồn “hét cát sê” của Phương Mỹ Chi lên vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho một lần xuất hiện, chị gái em cho hay: “Gia đình thừa nhận không phải là người lành nghề, còn chân ướt chân ráo, cũng vì thế mà một số người cho rằng việc ra giá một album hay hợp đồng về ca khúc đó là hét giá ‘khủng’ ”. Điều này càng cho thấy Mỹ Chi cần phải có người quản lý giỏi nếu muốn trở thành một ca sĩ đúng nghĩa.

“Ở Việt Nam, đôi khi quản lý chỉ là người nhận sô đơn thuần, hay là trợ lý làm việc lặt vặt thậm chí như là bật đĩa, nhận cát sê giúp ca sĩ. Còn đường hướng thì lại có cả ê kíp thực hiện. Ca sĩ phải có quản lý đắc lực thì mới bay bổng trong nghệ thuật được. Mà ở Việt Nam đó chưa phải là nghề chuyên nghiệp, phần lớn vẫn chỉ là nghề tự phát. Vì thế quan hệ quản lý - ca sĩ nhiều khi chỉ là hỗ trợ nhau lúc này lúc kia. Còn ở nước ngoài đã có cả một công nghệ như vậy rồi”.

Ca sĩ Tùng Dương

 Trinh Nguyễn

>> Tranh cãi chuyện cát sê cao ngất của Phương Mỹ Chi
>> Cơn sốt' Phương Mỹ Chi tiếp tục tăng
>> Phương Mỹ Chi đóng phim Tết 2014
>> Phương Mỹ Chi: Con chỉ lo... không đủ chè bán
>> Giọng hát Việt nhí': Tại sao Phương Mỹ Chi vẫn là 'quán quân'?
>> Giọng hát Việt nhí: Phương Mỹ Chi, Quang Anh hay Ngọc Duy?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.