Cần sử dụng công cụ bảo hiểm

17/12/2009 11:47 GMT+7

(TNTT>) Thông tin PPC (CTCP nhiệt điện Phả Lại) có thể sẽ phải trích lập chênh lệch tỷ giá cho khoản vay ngoại tệ lên đến 645 tỉ đồng đã làm các nhà đầu tư ngơ ngác. Chỉ một sự điều chỉnh nhỏ về chính sách tiền tệ đã làm xáo trộn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vậy thì kế hoạch kinh doanh còn có ý nghĩa gì, và phải chăng nhà đầu tư cần cảnh giác với những doanh nghiệp có vay ngoại tệ?

Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc nâng tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 11 sẽ khiến các công ty có nợ ngoại tệ phải đánh giá lại các khoản nợ đó, và chi phí lãi vay bằng USD cũng tăng lên.

Các công ty bị ảnh hưởng từ việc điều chỉnh tỷ giá như PVD -Tổng CTCP khoan và dịch vụ khoan Dầu Khí, PVT - Tổng CTCP vận tải Petro Việt Nam, HT1 -CTCP xi măng Hà Tiên 1, BCC -CTCP xi măng Bỉm Sơn, và BTS -CTCP xi măng Bút Sơn.

Theo ước tính của SSI, các công ty này sẽ phải trả thêm 95 tỉ đồng cho mỗi 100 triệu USD nợ. Cụ thể, khoản nợ của BCC là 111 triệu EUR sẽ bị lỗ tỷ giá hơn 363 tỉ đồng; PVD có khoản nợ 230 triệu USD sẽ bị lỗ 221,7 tỉ đồng; PPC nợ hơn 34 tỉ JPY sẽ có thể lỗ hơn 582 tỉ đồng… Điều này khiến các công ty có thể không còn lợi nhuận cho cả năm 2009.

Vụ việc này khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại trường hợp PPC sau khi kết thúc năm 2008. Khi đó, mức chênh lệch tỷ giá giữa đồng JPY/VND đã khiến cuối năm PPC phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gần 1.600 tỉ đồng, kết quả hoạt động cả năm 2008 PPC bị lỗ 207,7 tỉ đồng. Mặc dù khi đó nhiều phân tích cho rằng PPC vẫn là cổ phiếu tiềm năng với hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng nhiều nhà đầu tư đã hoảng loạn và bán tháo PPC .

Năm 2009 này, sau khi đã hạch toán hết phần chênh lệch bị lỗ vì tỷ giá, PPC chỉ còn lợi nhuận sau thuế khoảng 340 tỉ đồng, tương đương với EPS ở mức 1.055 đồng/CP. Với mức giá 16.200 đồng/CP (ngày 16.12), P/E của PPC đang dao động quanh mức 15-16 lần, một mức khá cao so với trung bình của nhiều doanh nghiệp khác. 

Theo anh Nam, một nhà đầu tư tại sàn ACBS, rút kinh nghiệm từ vụ PPC năm rồi nên sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá ngoại tệ, anh đã bán đi số CP của PPC và PVD đang có. “Bán trước cho yên tâm, vì cứ để đó chờ báo cáo năm 2009 thì sẽ quá hồi hộp. Khi nào tình hình sáng sủa hơn, mình xem xét mua những CP này trở lại cũng không muộn”, anh Nam nói.

Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng làm quen với công cụ bảo hiểm tỷ giá thông qua ngân hàng, nhất là với các khoản vay nợ nước ngoài. Khi đó mới có thể giải quyết được bài toán rủi ro về tỷ giá xảy ra hằng năm, và không làm cho cổ đông phải sống trong cảnh phập phồng lo lắng nữa.

Trung Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.