Thủ tục hành chính ở Singapore

30/11/2007 07:09 GMT+7

Nhân Thanh Niên là tờ báo đầu tiên của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại đảo quốc này, xin ghi lại câu chuyện thú vị về thủ tục... Từ một hòn đảo chính thức tách ra khỏi bang Johor miền nam Malaysia cách đây 42 năm, Singapore trở thành một quốc gia giàu có, hiện đại và sạch sẽ. Cách nó chừng 10 phút lái xe, phần còn lại của bang Johor hình như là một thế giới hoàn toàn khác. Sự thành công của Singapore chắc chắn nhờ nhiều yếu tố, từ vĩ mô đến vi mô. Theo tôi, Singapore được như hiện nay một phần là vì họ có một bộ máy hành chính nhanh nhạy, hiệu quả và linh hoạt.

Tôi được Báo Thanh Niên cử sang Singapore làm phóng viên thường trú. Công việc đầu tiên tôi phải làm là xin giấy phép mở văn phòng. Tìm hiểu trên internet, tôi biết đầu tiên tôi phải nộp hồ sơ đến Bộ Thông tin - Truyền thông và Nghệ thuật (MICA), và người nhận hồ sơ là bà Yeong Yoon Ying, Giám đốc Vụ Quan hệ báo chí, Thư ký báo chí của Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu.

Tôi hoàn tất các giấy tờ cần thiết (không quá nhiều thứ như lần xin giấy phép ở Thái Lan), scan rồi kèm e-mail gửi tất cả cho bà Yeong. Khi tôi gửi e-mail là đã 5 giờ chiều, vậy mà sau đó không lâu tôi nhận ngay được    e-mail phúc đáp. Cách làm của bà Yeong thật hay: Thay vì "trả lời" (reply), bà "chuyển tiếp" (forward) chính cái e-mail của tôi cho tôi và một số nhân viên của bà. Trong mail "chuyển tiếp", bà cảm ơn nguyện vọng mở văn phòng của Báo Thanh Niên và hứa sẽ nhanh chóng giải quyết. Như vậy, chỉ bằng một động tác đơn giản, bà Yeong làm được nhiều việc: Với tôi, bà cho một "biên nhận" và một lời hứa, đồng thời cũng cho tôi một số địa chỉ nhân viên của bà mà tôi có thể liên lạc khi cần; với các nhân viên của bà, đó là một cách thông tin, một sự giao việc rằng họ có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ của tôi và sẽ tham gia giải quyết việc này. Tôi rất ấn tượng.

Ngày hôm sau, tôi lại nhận được e-mail của bà Yeong thông báo chấp nhận việc cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam lập văn phòng ở Singapore, và nói sẽ viết thư giới thiệu lên Bộ Nhân lực (MOM) để tôi sang đó làm giấy phép cư trú và làm việc (Employment Pass - EP). Liền sau đó, một nhân viên của bà gửi e-mail có địa chỉ trang web của MOM, nơi tôi có thể vào để tải mẫu hồ sơ xin EP về.

 Bộ trưởng MICA Lee Boon Yang (bìa phải): "Tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã có đại diện báo chí tại Singapore. Xin chúc mừng!" - Ảnh do MICA cung cấp

Làm xong bộ hồ sơ EP (cũng rất đơn giản), tôi cầm đến bưu điện gần nhà nộp. Tại tất cả các bưu điện ở Singapore, mỗi máy tính đều có phần mềm nhận hồ sơ xin các kiểu giấy phép lao động và cư trú đối với người nước ngoài do MOM cấp. Nhân viên bưu điện mở form có sẵn trên máy tính, kiểm tra hồ sơ có đủ các giấy tờ, các chữ ký và các thông tin cơ bản không. Nếu đầy đủ, họ điền vào form, thu lệ phí và in biên nhận cho khách, rồi chuyển hồ sơ về MOM ngay trong ngày. Hồ sơ của tôi thiếu một số thông tin đáng kể, nhưng "qua" được nhờ cái "bảo chứng" từ bà Yeong.

Thời gian xét cấp EP khoảng 2 tuần. Mỗi tháng, MOM cấp hàng chục ngàn giấy phép kiểu này cho người nước ngoài. Sang đến tuần thứ hai, tôi bắt đầu gửi e-mail lên MOM để thăm dò kết quả, và bất ngờ nhận được hồi âm rằng hồ sơ của tôi bị trả về. Trong hồ sơ gửi trả, người ta kèm một tờ giấy theo mẫu của MOM, đánh dấu những thứ tôi chưa hoàn chỉnh. Quan trọng nhất họ yêu cầu tôi phải đi đăng ký với Cục Quản lý thuế và doanh nghiệp trước.

Kinh nghiệm ở Thái Lan giúp tôi biết tôi không cần đi đăng ký bên thương mại. Vì vậy, tôi viết một e-mail đồng gửi cho MOM và bà Yeong, trong đó tôi định nghĩa một số khái niệm MOM dùng, theo cách hiểu của tôi. Và với cách hiểu như thế, tôi không thuộc diện phải làm việc với bên thương mại. Khoảng 20 phút sau, tôi nhận được e-mail của bà Yeong nói rằng bà vừa điện thoại sang bên MOM, và tôi hãy chờ được bên ấy hướng dẫn tiếp. Chừng 10 phút sau nữa, một nhân viên của MOM điện thoại cho tôi, nói rằng tôi phải đi đăng ký với bên quản lý doanh nghiệp trước nếu muốn được cấp EP, vì đó là luật. Tôi đề nghị anh ta xem kỹ lại nội dung e-mail tôi vừa gửi, và nếu thực sự tôi không đúng thì tôi sẽ làm theo yêu cầu của MOM. Chưa đầy 30 phút sau, anh ta điện thoại lại nói rằng MOM đồng ý, với điều kiện tôi phải có một thư bảo lãnh của Báo Thanh Niên về tài chính cũng như các vấn đề pháp lý trong thời gian tôi hoạt động ở Singapore. Chuyện này thì quá dễ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, tôi đã có một cái thư như thế từ Việt Nam scan gửi sang.

Hôm sau theo đúng hẹn, tôi cầm toàn bộ giấy tờ đến MOM. Khi tôi gần đến nơi thì họ đã điện thoại hỏi đến chưa. Tôi trình lại bộ hồ sơ cũ và thư bảo lãnh. Họ thấy thư không phải bản gốc, nhưng con dấu, chữ ký và tên người ký là đúng thì đồng ý.

 Bộ trưởng MICA Lee Boon Yang cảm ơn báo chí đã viết khen cũng như chê bai có thiện chí về Singapore - Ảnh: Thục Minh

Tại phòng nhận EP, cùng lúc có hàng trăm người nước ngoài chờ đợi và đến hơn 30 nhân viên tiếp khách. Mỗi nhân viên đều phải đưa cho khách một phiếu thăm dò. Khách đánh giá về người nhân viên trên 3 tiêu chí: lịch sự và nhã nhặn, giải thích thông tin đầy đủ và rõ ràng, và hiệu quả thời gian. Đây là cơ sở đánh giá nhân viên nhà nước theo chính sách tương quan hóa mức lương và hiệu quả phục vụ mà Chính phủ Singapore đang từng bước tạo lập. Báo chí cũng vừa công bố chính phủ sẽ thưởng cuối năm 2007 cho những nhân viên tốt nửa tháng lương và người xuất sắc 0,8 tháng.

Cuối tuần trước, MICA tổ chức buổi gặp gỡ báo chí thường niên. Tôi đến chào ra mắt bà Yeong. Bà mừng rỡ như thể đón con cháu lâu ngày về thăm quê. Bà dắt tay tôi đến giới thiệu với ông Bộ trưởng MICA. Trước mặt sếp cùng hàng trăm phóng viên trong ngoài nước, bà hùng hồn tuyên bố: "Theo quy định của Singapore, cơ quan truyền thông nước ngoài sang đây thường trú phải thuê ít nhất một phóng viên địa phương. Nhưng tôi biết tờ Báo Thanh Niên, tôi biết sếp cô ấy nên đồng ý ngay, dù rằng tờ báo này chẳng hề có ý định thuê một người địa phương nào!". Lại một sự khôn ngoan, nhạy bén và linh hoạt của bà Yeong.

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.