"Chào Việt Nam" giữa muôn vàn lạ - quen

28/12/2009 00:19 GMT+7

Đã từng có những mùa mưa nắng, những mùa sen, những ngày mới... trên sân khấu Duyên Dáng Việt Nam (DDVN), và nay với chương trình 15 năm nhìn lại, chủ đề DDVN không trừu tượng, xa - gần nữa, mà rất giản dị và thân thương: Chào Việt Nam!

Chào Việt Nam cũng chính là tên (lời Việt) ca khúc Bonjour Việt Nam (tác giả: Marc Lavoine), một bài hát mà ngay từ lần đầu tiên vang lên đã khiến bao con tim người Việt, dù sống xa quê hương hay ngay trên mảnh đất này đều rưng rưng, thổn thức, bởi chính giai điệu của nó, và cả giọng hát thanh khiết của Phạm Quỳnh Anh, ca sĩ người Bỉ gốc Việt. Vì thế, lấy Chào Việt Nam làm chủ đề chương trình DDVN lần này, những người thực hiện mong muốn chương trình sẽ mang đến cho khán giả cảm giác gần gũi, xúc động và thân thương từ những câu chuyện của ngày trở về, trong nỗi niềm vừa lạ vừa quen...

Vẽ bức tranh Việt bằng âm nhạc

Nếu Phạm Quỳnh Anh, vị khách đặc biệt đến với DDVN 21 bằng Bonjour Việt Nam, thì trên “sân nhà”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng có sự “đáp trả” khi là người vẽ nên ý tưởng cho bức tranh VN trong ca khúc Việt Nam 2020. “Từ khi biết chương trình có sự trở về của cô bé này (Phạm Quỳnh Anh - PV), trong đầu tôi luôn quẩn quanh suy nghĩ: phải có cái gì đó để “kể” cho cô ấy nghe lại, khi cô ấy hát Bonjour Việt Nam, khi cô ấy muốn kể cho tôi nghe về những điều chưa biết..., khi tôi chỉ biết quê hương qua hình ảnh của chiến tranh (lời dịch trong ca khúc). Vậy là trên chuyến bay dài của đợt lưu diễn cách đây không lâu, tôi chợt nghĩ, sao mình không vẽ ra bức tranh VN thật đẹp, thật tươi sáng, sinh động, để “kể” trong dịp này...”, Đàm Vĩnh Hưng tâm sự.

Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị của DDVN 21 đã vào giai đoạn cuối để có thể hoàn chỉnh vào ngày 30.12, phúc khảo và bắt đầu công diễn vào đêm 31.12. Do kịch bản ban đầu có vài thay đổi nhỏ, nên trong chương trình sẽ có sự thay đổi một số ca sĩ để đảm bảo nội dung.

Từ ý tưởng đó, sau nhiều lần trao đổi cùng với nhạc sĩ Lê Quang, Việt Nam 2020 được hình thành. Trong bài hát này, Đàm Vĩnh Hưng vẽ nên thật nhiều, từ những cánh đồng vàng bông lúa, những dòng sông trong xanh yên bình, đến những chuyến tàu nối liền các vùng miền, để tình yêu không còn xa cách... Và cuối cùng, là “để những người thương yêu VN ở mọi nơi sẽ cùng trở về và căng bức tranh ấy lên cho cả thế giới nhìn thấy”... Anh cho biết: “Chính ước mơ và niềm tin về VN năm 2020 trong bài hát này đã cho tôi cảm giác rất phấn chấn, cả sự hãnh diện khi hát lên những giai điệu đó. Hy vọng khi hát câu cuối, khán phòng Nhà hát Hòa Bình sẽ hòa cùng “...để nói với anh, nói với em, với mọi người, Việt Nam quê hương tôi, xin chào”.

Quen nhưng không cũ

Có thể nói, DDVN 21 là chương trình sử dụng nhiều ca khúc quen nhất. Không chỉ quen tai người nghe, mà các ca khúc đó cũng gắn liền với tên tuổi ca sĩ trong nhiều năm trước (như ca sĩ Họa Mi với Em đi rồi, Hương Lan và Cẩm Ly với Còn thương rau đắng mọc sau hè, Cẩm Vân với Sóng về đâu, Lam Trường - Hoa tím ngày xưa, Thanh Thảo - Vị ngọt đôi môi, Quang Dũng - Ngày hôm qua là thế...). Và, không chỉ có “đàn anh, đàn chị” mới có “không gian xưa”, mà cả một số ca sĩ trẻ cũng sẽ thể hiện lại ca khúc hoặc có ít nhiều kỷ niệm, hoặc gắn bó với mình trong giai đoạn nhất định. Do đó, cái khó và cũng là điều trăn trở của những người thực hiện là, làm thế nào để trên những giai điệu không mới ấy, cũng những giọng hát, những gương mặt thân quen ấy, làm toát lên được những nét duyên mới, lạ, mang đến những cảm xúc mới cho khán giả.

Thùy Chi, ca sĩ trẻ nhất tham gia DDVN 21 - Ảnh: M.C

Là ca sĩ trẻ nhất tham gia DDVN lần này, thế nên dù hát lại bài “ruột”, dù đã làm quen với sân khấu ca nhạc gần 4 năm rồi, Thùy Chi (sinh năm 1990) vẫn thấy bồi hồi. Song, cô cho biết: “Vài ngày trước, đạo diễn hỏi em có hát tốt được Giấc mơ trưa như anh ấy từng nghe qua máy không, em trả lời rằng giọng hát của em hợp với những gì mang tính mộc, nên nếu biểu diễn với piano, thêm một vài nhạc cụ nữa thì chắc là sẽ được như đạo diễn mong muốn”. Với Thùy Chi, Giấc mơ trưa (thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc: Giáng Son) được cô biểu diễn không biết bao nhiêu lần trong hơn 3 năm qua, nhưng “chưa bao giờ em thấy nó cũ”. Bởi, “đó là bài hát ngay lần đầu nghe, em đã yêu thích, học thuộc rất nhanh và nhờ một anh bạn nhạc sĩ phối lại, thu âm ngay sau đó...”.

Có một điều khá thú vị là về sau tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết có một vài chữ trong lời bài hát ấy bị sai, cả người hát đầu tiên (Khánh Linh) lẫn Thùy Chi đều hát chưa đúng (...đó là chân trời hay là mưa núi đồi, chứ không phải mưa cuối trời; mùa đã quên đi những lần em buồn, chứ không phải trôi đi những lần em buồn; giờ đã lên hoa những cành hoa vắng, chứ không phải ra hoa...). Nên, “nhất định lần này, em sẽ hát Giấc mơ trưa chính xác nhất, hy vọng không làm buồn lòng người viết nữa...”, Thùy Chi bảo.

Địa điểm bán vé DDVN 21

1. Báo Thanh Niên: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Tel: 0909912588, 0908767310, 0908147342, 38322026, 38394046

2. Nhà hát Hòa Bình:  240-242 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM. Tel: 097.202.1232, 094.262.4910

3. Tập đoàn truyền thông Thanh Niên: 2B Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Tel: 3929.1846, 3929.1851 (số máy lẻ 202, 251)

4. Bán vé trực tuyến trên trang web www.goon.vn,
Tel: 3815.6430.

* Giá vé:

- Vé danh dự (phát hành để ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và Quỹ Nhân tài đất Việt): 2.000.000đ/vé - Vé tầng trệt: có các mức 500.000đ/vé, 700.000đ/vé và 1.000.000đ/vé.

- Vé tầng lầu: có các mức 200.000đ/vé, 300.000đ/vé và  400.000đ/vé.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.