Ngoài tầm kiểm soát

20/10/2007 23:36 GMT+7

Cuộc hồi hương của cựu Thủ tướng Pakistan B. Bhutto sau 8 năm lưu vong đẫm máu và bạo lực đến mức bất ngờ với hơn 140 người bị thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương bởi hàng loạt vụ đánh bom. Câu hỏi lớn về thủ phạm là ai chắc chắn sẽ không thể được trả lời phần vì diện thủ phạm quá lớn, phần vì mối liên hệ quá tế nhị giữa phe cánh của đương kim tổng thống P. Musharraf với lực lượng của bà B. Bhutto.

Khả năng chia sẻ quyền lực giữa ông Musharraf và bà Bhutto - như đã được thỏa thuận ngầm để ông Musharraf được bầu lại làm tổng thống Pakistan thêm một nhiệm kỳ và để bà Bhutto có thể hồi hương sau 8 năm lưu vong - chưa biết rồi sẽ được tiếp tục thực hiện cụ thể như thế nào, nhưng điều chắc chắn là cả ông Musharraf lẫn bà Bhutto đều không kiểm soát được tình hình chính trị an ninh ở Pakistan. Đất nước này không còn như khi bà Bhutto rời bỏ để đi sống lưu vong và khi ông Musharraf  tiến hành đảo chính quân sự để lên cầm quyền.

Bối cảnh tình hình và môi trường chính trị an ninh như vậy thật lý tưởng đối với các hoạt động khủng bố và chính các hoạt động khủng bố này lại rất có thể làm chất xúc tác cho cuộc xung đột chính trị - vũ trang giữa các nhóm phái ở Pakistan.
Mặt khác, cả ông Musharraf và bà Bhutto cũng lại có thể lợi dụng được tình hình hiện tại. Phe của ông Musharraf có thể ngầm đổ lỗi cho bà Bhutto vì đã hồi hương nên tình hình chính trị an ninh mới trở nên xấu đi, bạo lực và đẫm máu như vậy.

Phía bà Bhutto lại có thể viện dẫn tình trạng đó là bằng chứng về sự yếu kém, thậm chí bất lực, của chính phủ, quân đội và lực lượng an ninh trong việc chống khủng bố, chấm dứt bạo lực và duy trì ổn định chính trị, đảm bảo an ninh ở Pakistan. Thực tế này sẽ tác động không nhỏ đến sự chia sẻ quyền lực giữa họ trong thời gian tới và biết đâu đấy cũng tạo điều kiện để các lực lượng ôn hòa được dân chủng ủng hộ hơn.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.