Nghĩa địa phu vàng

27/12/2010 09:43 GMT+7

Họ đi đào vàng với hi vọng đổi đời, nhưng rồi âm thầm nằm lại với cỏ cây trong những ngôi mộ không bia đá. Cuối đường băng của sân bay cũ tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có một nghĩa địa của những người phu đào vàng.

Họ lặng lẽ tìm đến vùng đất này đào vàng với bao hi vọng đổi đời, nhưng rồi âm thầm nằm lại với cỏ cây trong những ngôi mộ không bia đá. Cuối đường băng của sân bay dã chiến thời Mỹ tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có một nghĩa địa như vậy.

Một chuyến xe ôm từ thị trấn Khâm Đức vào bãi Phước Thành trên đoạn đường dài 20km giá hôm nay là 1,2 triệu đồng, nhưng ông Sáu tài xế xe ôm kiên quyết không chở ra nghĩa địa cách đó 500m dù chúng tôi trả thêm 200.000 đồng.

“Mấy anh em trong đội xe ở đây kỵ lắm, không có việc gì đố ai thấp thoáng ngoài ấy. Thấy đồng bào vùng cao cấm kỵ, chúng tôi cũng muốn an lành, tin theo” - ông Sáu phân trần. Nài nỉ mãi, cuối cùng ông mới chịu đưa chúng tôi vào nghĩa địa giữa chiều mưa.

Những nấm mồ xiêu lạc

Từ ngày dòng người tứ xứ ồ ạt kéo về vùng đất Phước Sơn tìm vàng cũng là lúc nghĩa địa này xuất hiện. Từ đó, nhiều người dân Bhơ-Noong bản địa cũng xa lánh hẳn cánh rừng quen thuộc của họ bởi một nỗi sợ mơ hồ mà không ai lý giải được.

Đẩy cánh cửa sắt khép hờ ở cuối đường băng, chúng tôi bước vào bên trong khu rừng lúc trời nhá nhem. Mưa vẫn rơi. Mây núi bắt đầu quấn quanh thung lũng. Từng bầy muỗi vo ve bay theo hút máu. “Cẩn thận kẻo giẫm phải kim tiêm” - ông Sáu dặn dò rồi vạch rừng đi trong đám bùn nhão. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

“Sao không thấy nghĩa địa?” - chúng tôi hỏi. Tay cầm nén nhang, ông Sáu không nói gì, cố lục tìm trong ký ức về những nấm mồ mà ông từng chứng kiến người ta chôn cất tại khu đất này: “Lâu quá, mọi thứ chẳng còn vết tích”.

Băng thêm qua một đoạn rừng keo lá tràm trên nền đất đỏ quạch, chỉ tay vào nấm mồ vừa lún phún cỏ xanh, ông Sáu nói: “Đây rồi! Ngôi mộ mới nhất vừa chôn hồi tháng 4. Mộ của một phu vàng bị nghiện nặng, vừa nhiễm HIV”.

Cũng như những ngôi mộ hoang khác trong cánh rừng này, tất cả đều lạnh lẽo và hoang phế theo thời gian. Xé nén nhang, châm mấy điếu thuốc, chúng tôi cùng ông Sáu chia đều thắp trên gần 20 gò đất lồi lõm.

Không ai biết đó là phần mộ hay những mô đất được hình thành từ các ụ mối. Nhưng riêng ông Sáu lại quả quyết tại nơi đây, ông và những người dân địa phương từng chôn cất không biết bao nhiêu thi thể phu vàng xấu số, không thân nhân.

Ngồi phệt xuống nền đất châm điếu thuốc rồi rít một hơi thật dài, ông Sáu nhớ lại: từ những năm 1985 đến 1995, người chết vì sốt rét ở vùng này nhiều vô số. Hầu hết từ Nghệ An, Thanh Hóa... vào đây làm vàng. Có người chết vì nghiện, người bị sụp hầm, người bị thương hàn không qua khỏi. Lúc đầu người ta chôn họ gần bệnh viện, sau đó dời ra đây. Có nhiều ngôi mộ người thân đi coi thầy đâu đó rồi lặng lẽ dời về quê. Nhưng phần lớn nằm lại với đất này.

“Nhiều nhất là những năm vàng gốc (tức vàng còn trong quặng) nở rộ từ 1996 đến 1999, người chết nhiều đến nỗi cánh xe ôm nghĩ ra cách chở thi thể về nghĩa địa này. Một tấm ván buộc sau chiếc xe Minsk, thi thể quấn chiếu, bó cụp hai chân vào mông cho khỏi vướng cây rừng, thế là phóng” - ông Sáu kể.

Đó là những phu vàng may mắn được các chủ bãi đưa ra ngoài nghĩa địa này chôn cất, sau này thân nhân đi tìm cũng dễ thấy. Các phu vàng xấu số hơn thì chôn luôn tại rừng, bên hầm vàng hay dọc đường đi. “Bây chừ, dọc đường từ ngầm Nước Chè vào đến bãi Phước Thành, bãi Đồi Chim hay bãi Ma, mộ hoang nhiều vô số. Từ từ rồi xiêu mồ, lạc nấm, cỏ xanh mai mốt thành rừng” - ông Sáu thở dài. 

“Cô ơi, cháu nhớ nhà!”

 

Ông Sáu thắp nhang cho những nấm mồ phu vàng không thân nhân - Ảnh: Tấn Vũ

Bệnh viện Khâm Đức ngày vắng bệnh nhân. Bác sĩ Huỳnh Tấn Dũng, giám đốc bệnh viện, lục tìm trong đống hồ sơ bệnh án đã ố màu danh sách các bệnh nhân từ nhiều năm trước. Ông Dũng lắc đầu: “Nhiều quá chú ơi! Tìm không xuể. Đa số là nạn nhân không tên, không tuổi, không quê quán, không thân nhân... Chúng tôi chỉ kịp ghi vắn tắt trong hồ sơ bệnh án là tử vong”.

Là người đầu tiên về công tác từ khi Bệnh viện Phước Sơn còn là một trạm xá nhỏ giữa rừng, ông Dũng chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết lặng lẽ đến nhói lòng. “Có những đêm các phu vàng khiêng một người đến trước cửa phòng cấp cứu rồi họ biến mất vì sợ liên lụy. Chẳng lẽ để nạn nhân chết, chúng tôi lại lao vào cứu chữa. Có ca may mắn còn sống, nhưng nhiều ca tử vong mà không biết thân nhân”.

Mỗi người vài ngàn đồng, gom góp toàn cơ quan không đủ tiền mua hòm thì mua chiếu, nhang đèn. Các y tá, bác sĩ ở đây lặng lẽ tắm rửa thi thể rồi khâm liệm đưa đi chôn cất ở phía bìa rừng.

Ở bệnh viện này, việc tiếp nhận bệnh nhân không có thân nhân nhiều đến mức thành quen. Các bác sĩ, y tá đều kiêm luôn việc chăm nuôi như người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Trần Thị Xuân cho biết: “Có nhiều hôm phải mang cơm nước, áo quần đến cho bệnh nhân. Mình cũng nghèo nhưng chẳng lẽ thấy chết mà không cứu”.

Bác sĩ Xuân nhớ lại cách đây khoảng tám năm, một bệnh nhân trẻ người Hà Tĩnh bị nghiện, nhiễm HIV, sốt cao, nhập viện. Bệnh nhân chỉ khai tên Thành, 17 tuổi, cương quyết không khai tên cha mẹ, quê quán cùng người thân.

Biết mình không qua khỏi, một hôm Thành gọi cô Xuân đến tâm sự: “Em bỏ quê vào đây làm ăn với mong mỏi đổi đời, kiếm tiền giúp đỡ gia đình nghèo khó, giúp em ăn học. Ai ngờ tiền mất bệnh tật mang. Ba mẹ em ở quê biết em thế này chắc sẽ đau khổ mà chết. Em rất nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ba mẹ. Cảm ơn cô chăm sóc”. Nói xong, Thành ôm bác sĩ khóc ngất. Hai đêm sau đó, Thành trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Thi thể Thành cũng được quấn chiếu như bao phu vàng khác và chôn tại khu rừng quen thuộc.

“Từ đó đến nay, gia đình Thành không ai hỏi thăm. Chắc họ nghĩ Thành đã thành danh nơi nào đó, hay kẹt với mưu sinh mà chưa một lần về thăm quê” - bác sĩ Xuân ngậm ngùi.

Gần 30 năm gắn bó với bệnh viện này, bà Lê Thị Mai không còn nhớ mình đã tắm rửa bao nhiêu thi thể phu vàng. “Có người toàn thân lở loét, hôi hám, có người tiểu tiện, đại tiện dầm dề trước khi chết. Có người sập hầm không toàn thây... Nhưng tôi đều tắm rửa, gội đầu cho họ trước khi chôn cất” - bà Mai kể.

Hơn ai hết, bà Mai thấu hiểu nỗi đau của người vợ mất chồng chính vì sức hút của cơn lốc vàng quét qua cánh rừng này. Chồng bà Mai cũng một thời làm phu vàng và chết trong cơn nghiện, một mình bà nuôi đứa con trai đã 15 năm qua. Thi thể cuối cùng bà Mai tắm rửa là người đàn ông tuổi ngoài 40 chết hồi tháng 4. Cũng như bao phu vàng khác, người này giấu nhẹm thông tin về mình đến lúc chết.

Bà Mai nhớ lại: “Chắc ông ấy không muốn gia đình mình đau lòng, không muốn vợ con, cha mẹ phải sầu khổ. Tôi cũng không hỏi gì thêm trước khi ông ấy mất. Hôm đó tôi gội đầu cho ông ấy bằng xà phòng thơm. Tóc ông ấy lấm tấm bạc màu”.

Hỗ trợ chi phí mai táng

 

Người dân đi khai thác vàng sa khoáng trong rừng sâu của huyện Đông Giang, Quảng Nam. Không ít người phải bỏ mạng vì sốt rét, lở núi - Ảnh: Đăng Nam

Tính đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã cấp 92 giấy phép thăm dò cho các đơn vị, cá nhân khai thác vàng. Hiện có 38 đơn vị đang khai thác rải rác trên toàn tỉnh, riêng tại huyện Phước Sơn có 16 doanh nghiệp.

Điều đáng nói là có hàng chục điểm khai thác vàng trái phép khắp các cánh rừng Quảng Nam mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được do địa hình cách trở. Trước những cái chết của các phu vàng mới đây, chính quyền huyện Phước Sơn đã quyết định hỗ trợ một ít chi phí mai táng cho những người không có thân nhân tại địa bàn huyện vùng cao này.

T.V

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.