Hi sinh cho sự sống trở về - Kỳ 3: Phép lạ tuổi 18

15/11/2009 12:58 GMT+7

32 tuổi, căn bệnh ung thư máu ác tính khiến sự sống của Phương Vi (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) còn đếm bằng tháng bằng ngày nếu không tìm ra tủy ghép. Nhà có sáu anh chị em, người chị cả ở Mỹ, tất cả hi vọng đều hướng về hai người em trai và cô em gái kế út của Phương Vi.

Người em trai có nhóm máu O trùng với nhóm máu của Vi, được dự đoán có khả năng hòa hợp cao nhất, nhưng hàng chục cuộc xét nghiệm đều không đạt. “Tôi cứ hồi hộp hi vọng rồi lại ngây dại cả người khi nhận được kết quả xét nghiệm HLA (tỉ lệ hòa hợp về bạch cầu giữa người cho - nhận) không trùng. Khi bác sĩ đưa kết quả xét nghiệm HLA của người em thứ ba, tôi suy sụp hoàn toàn dù vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh” - anh Nguyễn Văn Toàn, chồng chị Phương Vi, nhớ lại.

Điều kỳ diệu cuối cùng

Lúc này chỉ còn lại Thanh Tâm, cô em út ốm yếu nhất nhà. Tia hi vọng vô cùng mong manh. “Khi đưa Tâm đi làm xét nghiệm, tôi thật sự không còn hi vọng. Lúc đó tôi nghĩ đến phương án ghép tự thân mà bác sĩ đã tư vấn trước đó, tức lấy tủy của chính Vi, rửa sạch, lọc lại rồi ghép cho cô ấy. Nhưng đây là phương án chỉ dùng khi không còn sự lựa chọn nào nữa bởi giải pháp này nguy hiểm ở chỗ bệnh rất dễ tái lại” - anh Toàn kể.

Còn Thanh Tâm: “Thật ra khi biết bệnh của chị Vi phải ghép tủy, em đã có linh cảm kỳ lạ rằng mình sẽ là người phù hợp nhưng không nói cho gia đình biết. Ngay từ lúc đó em đã chuẩn bị tinh thần rồi”.

Kết quả xét nghiệm HLA giữa Thanh Tâm và Phương Vi đạt 6/6, tức hòa hợp 100%, ánh sáng của sự sống đã lóe mở với Phương Vi. Thanh Tâm phải gấp rút tẩm bổ vì theo tiêu chuẩn phải nặng 45 kg trở lên mới được phép lấy tủy. Lúc đó Tâm nặng 42kg. Lên bệnh viện tới lần thứ ba, cô bé mới đạt tiêu chuẩn để tiến hành lấy tủy.

Sáng 10-8-2006. Ngồi trong phòng cách ly, xung quanh toàn đàn ông cao to, khỏe mạnh, chỉ một mình là nữ lại nhỏ con nhất, Tâm nghe tim đập rung lên trong lồng ngực. Cô bé rùng mình khi nghĩ đến mũi kim. “Trời ơi, sao mình run quá! Không được! Mình không được sợ, phải dũng cảm lên! Sự sống là điều quý giá nhất của con người. Dù đau đớn đến mấy mình cũng nhất định phải cứu chị Vi!” - Tâm cố gắng trấn an mình, xua đi nỗi sợ hãi.

Sau mỗi ca ghép tạng thành công, ít ai biết rằng nhiều bác sĩ và y tá, điều dưỡng phải thức trắng đêm hay cả tháng trời ngủ trong bệnh viện để theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân và xử lý ngay những tình huống diễn biến bất ngờ.

Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A (Bệnh viện Nhi Đồng 2) nói: “Có ca chúng tôi còn “cắm chốt” trong bệnh viện suốt 45 ngày mà không thấy mặt trời ấy chứ”.

Đối với những bác sĩ chuyên ghép tạng, mỗi khi bước vào một ca ghép, áp lực vô cùng khủng khiếp! “Khi đặt bệnh nhân lên bàn mổ, chúng tôi thường nói đùa là đã ký một bản án tử hình” - bác sĩ Phạm Văn Bùi (Bệnh viện Nhân Dân 115) tâm sự.

Ngày đầu tiên lấy tủy, khi vừa rời khỏi ghế, Tâm đã qụy xuống. “Em không thể tưởng tượng được cho tủy lại mệt khủng khiếp đến thế. Cứ chốc chốc bác sĩ lại hỏi có bị mờ mắt không. Mà đúng là mắt em mờ thật. Lúc này hoảng thật sự nhưng nghĩ đến chị Vi, em lại ráng bỏ hết những suy nghĩ lung tung trong đầu” - Thanh Tâm kể. Đến ngày thứ hai thì toàn thân tê cứng. Bác sĩ hỏi, không nói được, Tâm chỉ gật và lắc.

Cô bé thoáng nghĩ đến trường hợp xấu nhất: “Nếu bị tai biến hay gặp nguy hiểm mình vẫn chấp nhận, phải cố gắng để cứu sống chị! Tội nghiệp chị Vi quá, lấy chồng đã lâu mà chưa có con. Vậy mà khi có thai lại bị sẩy rồi vướng thêm căn bệnh nguy hiểm này. Trời ơi... Chỉ sợ tủy của mình vô người chị Vi bị phản ứng thôi” rồi vội gạt phắt đi: “Không sao đâu! Không sao đâu! Mình ráng lên tí xíu nữa là được mà”.

Sau ba ngày liên tiếp (mỗi ngày lấy 50ml tế bào tủy cô đặc từ 10 lít máu), Thanh Tâm gần như mất luôn cảm giác. “Lúc này điều em lo lắng duy nhất không phải là sức khỏe của mình mà là cơ thể của chị Vi có chịu tủy của mình không” - Thanh Tâm nói.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - khi đó là trưởng khoa huyết học người lớn Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM - xúc động kể: “Thanh Tâm bị thiếu máu nặng nên ngày đầu lấy tủy xong rất mệt, không ăn nổi cơm. Tôi đến động viên phải ráng ăn cho khỏe để ngày mai lấy đơn vị tủy cuối cùng mới cứu được chị gái thì cô bé im lặng nhìn chén cơm rồi cố ăn hết. Đó là sự hi sinh rất lớn mà chỉ những ai có trái tim thật yêu thương và dũng cảm mới làm được”.

Ca ghép sinh tử

Đó là ca ghép tủy thứ 47 kể từ khi Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM thực hiện ca ghép đầu tiên vào ngày 15-7-1995.

 

Thanh Tâm: "Mình mới 18 tuổi, còn có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn. Nhưng cơ hội để cứu sống chị Vi thì chỉ có một lần duy nhất trong đời thôi” - Ảnh: My Lăng

Ca ghép tủy chuẩn bị từ 8g sáng đến 9g tiến hành ghép và dự kiến tới 11g là xong. Nhưng do cơ thể của Phương Vi phản ứng quá nhạy với hóa chất nên khi mới truyền được một ống tủy, tim cô nghẹn lại, không thở được. Cuộc ghép phải tạm dừng.

Ở bên ngoài phòng cách ly, Thanh Tâm ngồi như đóng băng trên ghế. Gương mặt vẫn còn tái xanh đầy căng thẳng, không nói nổi lời nào. Trong khi đó, các bác sĩ đang tiến hành lọc bớt hóa chất trong các mẫu tủy của Tâm, pha loãng. Đến 4g30 chiều mới truyền lại vào cơ thể Phương Vi. 8g tối ca ghép tủy thành công.

Hai tuần sau lên thăm chị, đứng ở ngoài khung cửa kiếng của phòng cách ly, thấy chị đang nhìn về phía mình, Tâm xúc động gần khóc. “Cảm giác khi đó thiêng liêng, khó tả lắm. Mừng vì thấy chị đã vượt qua được cuộc ghép đầy nguy hiểm, thấy chị đang ở trước mặt mình, nhìn mình, nói với mình, em xúc động đến nỗi run không nói được gì” - Tâm nhớ lại.

Phương Vi không bị biến chứng sau khi ghép tủy, tình trạng sức khỏe diễn tiến tốt đến mức ngay cả các bác sĩ cũng ngạc nhiên.

Anh Toàn kể: “Ngay sau khi ghép xong, bác sĩ Huỳnh Nghĩa đã nói với tôi về tẩm bổ cho Thanh Tâm, có thể phải dùng phương án lấy tủy của Tâm lần thứ hai. Chính bác sĩ Nghĩa cũng không ngờ bởi các xét nghiệm về huyết đồ của Phương Vi quá tốt. Tế bào tủy mọc sau 10 ngày với chỉ số về máu, hồng cầu, bạch cầu lên quá nhanh. Sau khi Vi về nhà sức khỏe rất tốt, da hồng hào, ăn uống bình thường. Chúng tôi đã đi du lịch ở Sa Pa, Hà Nội để cô ấy khuây khỏa”.

Để cứu sống chị mình, Thanh Tâm đã chấp nhận bỏ dở kỳ thi đại học. “Em định thi vào khoa báo chí của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nhưng cuối cùng quyết định chọn học Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Năm tới em sẽ thi vào Trường ĐH Marketing. Khi quyết định không thi đại học, em nghĩ rất đơn giản: mình mới 18 tuổi, còn có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn. Nhưng cơ hội để cứu sống chị Vi thì chỉ có một lần duy nhất trong đời thôi” - Tâm kể.

Nghĩ lại việc hiến tủy cho chị và ca ghép thành công, Tâm thấy như phép lạ. Phép lạ đó chính là tình thương yêu.

Theo My Lăng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.