Mở đường fast-food Việt tại Nga

26/12/2007 08:34 GMT+7

Vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Đình Hoàng và Nguyễn Bích Hạnh ấp ủ ý tưởng xây dựng một hệ thống quán ăn nhanh Việt tại Nga theo kiểu McDonalds. Vốn liếng của anh chị đang là quán Nems nằm trong một trung tâm thương mại ở cạnh bến tàu điện ngầm Tây-Nam, khá xa trung tâm Matxcơva.

Sinh năm 1960 ở một miền quê nghèo Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Đình Hoàng sang Nga học chuyên ngành kinh tế và tốt nghiệp năm 1985. Làm luận án tiến sĩ kinh tế xong, anh ở lại thử sức trong lĩnh vực kinh doanh.

Đầu thập niên 1990, hệ thống quán ăn nhanh McDonalds của Mỹ bắt đầu tiếp cận thị trường khổng lồ của Nga. Đứng vào hàng người rồng rắn trước cửa quán McDonalds đầu tiên ở Matxcơva, anh Hoàng tò mò muốn biết điều gì đã tạo ra một phần "văn hóa Mỹ” và đang gây nên "cơn sốt ẩm thực" trong giới trẻ Nga.

Ăn nhanh kiểu Việt

Tiếp chúng tôi trong quán Nems, anh Hoàng kể nguồn cơn vì sao lại "tự mang khổ vào thân" như bạn bè vẫn nói: "Ăn thử thì thấy các món ăn của McDonalds cũng không có gì đặc sắc. Lợi thế chỉ là no, rẻ và tiện. Và tôi chợt nảy ra ý nghĩ: tại sao không thử mở một quán ăn nhanh Việt ở Nga. Món ăn Việt ngon, tinh tế, rẻ và nếu biết cách thì cũng có thể chế biến nhanh. Thành công thì không chỉ xuất khẩu được nông sản mà cả văn hóa và triết lý ẩm thực của người Việt nữa".


Ông chủ Nguyễn Đình Hoàng  Ảnh: TTO
Để đầu tư một quán ăn nhanh nhỏ chừng 50-80m2 tại các siêu thị hiện đại ở Matxcơva cần 50.000-80.000 USD. Vốn liếng của gia đình dĩ nhiên là không đủ để lập ra cả một hệ thống. Kêu gọi góp vốn không dễ vì các doanh nhân Việt ở Nga chưa thiết tha với lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt, mà sự gặt hái ban đầu lại nặng về "khía cạnh tinh thần".
Ý tưởng đó bám riết Nguyễn Đình Hoàng và bốn năm trước anh bỏ ngang công việc "đánh hàng vải" đang thuận lợi, một hành động bị không ít người cho là "hâm". Anh mang bản luận chứng kinh tế đến gặp hai đại gia lớn nhất của cộng đồng thời đó, để thuyết phục họ góp vốn xây dựng hệ thống ăn nhanh Việt gồm hàng chục điểm rải khắp Matxcơva.

Vốn quen với hình thức mở "ốp chợ" đơn giản và lãi "sờ thấy" được, các đại gia đó đã khước từ cộng tác bởi "dại gì mà mạo hiểm". Còn ý tưởng quảng bá "thương hiệu Việt" và văn hóa ẩm thực thì theo họ, "không phải việc của các thương nhân" mà của các nhà văn hóa và đại sứ quán!

Tuy nhiên, một số người trẻ tuổi trong giới doanh nghiệp lại nhiệt tình ủng hộ, bởi chính họ cũng từ lâu nung nấu ý định về việc khuếch trương hình ảnh của đất nước ở xứ tuyết. Họ cũng là những người đã thành công trong việc biến "mì tôm" thành "một phần không thể thiếu" trong đời sống của những người Nga có thu nhập thấp hiện nay.

Hơn ba năm trước quán Nems ra đời. Chồng làm chủ kiêm phụ trách những vấn đề "vĩ mô”. Còn vợ, như phần lớn phụ nữ xứ Nghệ, "thuyền theo lái". Chị Bích Hạnh cất kỹ tấm bằng tiến sĩ để làm phụ bếp kiêm chạy bàn.

Cái khó làm ló quyết tâm

Bước vào lĩnh vực ăn nhanh, anh Hoàng mới thấy mình liều. Thị trường phát triển rất nhanh nên trong vòng hơn chục năm Matxcơva gần như bão hòa, khó có chỗ len chân cho "lính mới".

Lấy ví dụ RIO, siêu thị nằm ở một vị trí không phải trung tâm mà trên tầng 3 có gần 20 quán với đủ thương hiệu từ McDonalds đã quá quen thuộc đến "Mongolian Grill" (thịt nướng Mông Cổ) vẫn còn lạ lẫm. Để khách ghé qua và nhớ tới mình trong cả rừng món ăn thơm ngào ngạt, ông chủ "Mongolian Grill" gốc Armenia đã thuê chàng trai trẻ Afghanistan vừa chế biến thực phẩm vừa tung vừa múa cặp dao phay loang loáng.

Nguyễn Đình Hoàng chẳng có chiêu thức gì đặc biệt. Gây ấn tượng bằng mắt với thực khách chỉ là kiểu bài trí thiên về gam đỏ với những chiếc mành tre và nón lá. Chữ Nems nổi bật trong vòng tròn đỏ, bên ngoài là hình chữ nhật trắng. Anh Hoàng bảo biểu tượng này xuất phát từ triết lý âm dương của phương Đông.

Lớp trẻ Nga, đối tượng phục vụ chính của các quán ăn nhanh, có rất ít thông tin về Việt Nam. Nghệ thuật ẩm thực Việt lại càng xa lạ. Với họ, cả nem lẫn phở hoàn toàn chẳng gợi lên một khái niệm gì hết.

Anh Hoàng cho biết: "Ba năm, quá ngắn để tổng kết. Nhưng tôi thấy khả quan. Không chỉ về mặt lời lãi. Cái chính đã tìm được cho mình câu trả lời rằng nem, phở, bánh cuốn, miến… có thể là món ăn nhanh thích hợp với khẩu vị của người Nga. Nems đã tạo được cho mình một giới thực khách "chung thân" rất trẻ. Họ quảng bá món ăn Việt theo cách "truyền miệng" đúng nghĩa đen chứ tôi chưa đủ lực để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng".

Nguyên liệu chủ yếu được chở từ trong nước sang, cũng cách chế biến truyền thống nhưng người đầu bếp của quán Nems đã tăng, giảm gia vị theo sở thích của người địa phương. Nước mắm, mắm tôm cùng những thứ nặng mùi đối với người u bị loại nhưng vẫn đảm bảo mùi vị đặc trưng của phở, của nem. Vợ chồng anh Hoàng còn sáng tạo ra món nemshi là sự kết hợp giữa nem cuốn VN với món sushi của Nhật.

Đối với khách Nga, khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm, thẩm mỹ và không gian được đặc biệt chú trọng. Thưởng thức chứ không đơn thuần nạp năng lượng. Tùy theo nhu cầu, khách có thể ăn nhanh mà cũng có thể thư thái ngồi hàn huyên cùng bạn bè, hoặc trầm tư theo đuổi những suy nghĩ của mình. Điều này làm nên sự khác biệt giữa Nems với các quán ăn thuần Việt trong các "ốp" và chợ của cộng đồng Việt Nam ở Nga.

Nguyễn Đình Hoàng đang ấp ủ kế hoạch triển khai hệ thống từ 5-10 quán Nems ở Matxcơva. Anh tâm sự: "Một năm trước tôi đã phải đóng cửa cơ sở ở siêu thị Ramstor vì ôm đồm nhiều việc trong khi chưa có kinh nghiệm quản lý. Bây giờ thì phải mở lại, từ đó nhân rộng ra. Hai cái mà tôi gặp khó khăn nhất là thiếu vốn và hiện tại thương hiệu Việt nói chung chưa có uy tín ở Nga. Tôi không có chỗ dựa nào khác ngoài nỗ lực của bản thân và sự động viên của những người bạn".

Trần Quang Vinh - Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.