Gian nan cuộc chiến chống cướp biển

07/12/2008 00:13 GMT+7

Dù có hàng chục tàu chiến của nhiều quốc gia đang hiện diện ở vùng vịnh Aden gần Somalia, nhưng các vụ cướp tàu do bọn cướp biển thực hiện vẫn diễn ra liên tục và trở thành hiểm họa cho toàn thế giới.

Căn cứ địa

Thành phố cảng Eyl (Somalia) vốn dĩ nghèo nàn lạc hậu nay đã giống như thành phố cảng Royale tráng lệ bên bờ biển Jamaica, nơi được coi là thủ đô của những tên cướp biển thế kỷ 17. Những khu phố và cả các xóm nghèo quanh đó bỗng trở nên phồn thịnh, sự giàu có đang lên ngôi. Những túp lều bằng tôn cũ nát được thay thế bằng những ngôi nhà xây đá trắng. Những chiếc xe hơi sang trọng chạy trên phố và các thương gia khắp Somalia đang đổ về đây. Người dân bản địa đang cố gắng tiếp cận thành quả của nền văn minh nhân loại: Cách đây không lâu tại Eyl xuất hiện những tiệm cà phê – internet đầu tiên, và cả các cửa hàng bán điện thoại di động nữa. Các cửa hàng thì mọc lên như nấm. Giá cả tại Eyl cũng “điên khùng” như “sự giàu có điên khùng” đang ngự trị nơi đây. Báo Độc Lập của Nga cho biết giá mỗi ly trà tại các quán cà phê ở đây khoảng 3 USD. Còn loại thuốc lá có tẩm thuốc phiện (loại nhẹ) giá 65 USD/bao. Một vé xem phim giá 20 USD. Tất cả các khoản mua này đều có thể ghi sổ nợ. Đến khi bọn cướp biển nhận được tiền chuộc thì chúng thanh toán lại với chủ nợ. Rồi tất cả lại sống theo cách ghi nợ. 

Người ta bảo dường như tất cả thanh thiếu niên tại Eyl đều mơ ước trở thành cướp biển. Các cô gái bản địa đều muốn trở thành vợ – cho dù là vợ thứ 4 – của bọn chúng. Chiến binh thuộc các bộ tộc, phe phái vũ trang rời bỏ hàng ngũ để đến miền duyên hải gia nhập với bọn cướp biển. Những thủ lĩnh cướp biển không ra khơi. Bọn chúng ngồi uống cà phê, kiểm soát thủ hạ của mình thông qua điện thoại di động và điện thoại vệ tinh. 

Các cứ địa của cướp biển nằm tập trung trên lãnh thổ của Puntland. Đây là một nước cộng hòa tự trị nằm ở phía đông Somalia, tự tuyên bố độc lập vào năm 1998, có dân số khoảng 3,5 triệu người. Khác với các vùng lãnh thổ khác, nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp hầu như không tồn tại ở Puntland. Bọn cướp biển không chỉ đút lót cho quan chức bản địa mà còn làm sống động cảnh buôn bán nơi đây, dù Nhà nước không thu được một xu nào từ chúng.

Tuy nhiên, mới đây, chính quyền Puntland đã ký hợp đồng 100 triệu USD với Tập đoàn công nghiệp Lootah của Trung Đông để đầu tư vào phát triển sân bay ở Bosaso và cảng biển. Tập đoàn này sẽ xây dựng sân bay quốc tế hiện đại và cảng biển đạt chuẩn quốc tế. Và trong vòng 10 năm tới, tại đây sẽ xuất hiện khu thương mại tự do. Chính quyền địa phương hy vọng việc này sẽ giải quyết nạn thất nghiệp và giảm bớt nạn thanh thiếu niên gia nhập các băng đảng tội phạm.

Vùng biển nguy hiểm 

Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, khi tàu chở dầu Sirius Star của Ả Rập Xê Út bị bọn cướp biển bắt giữ tại Ấn Độ Dương cách bờ biển Somalia hơn 800 km, thế giới một lần nữa chứng kiến mối đe dọa nghiêm trọng của cướp biển. Khu vực ngoài khơi Somalia là nơi có hoạt động hàng hải nhộn nhịp. Nhưng các vụ cướp biển mới đây đã khiến nhiều hãng tàu thay đổi hải trình. Hãng A.P.Moller-Maersk của Đan Mạch hằng năm có khoảng 50 tàu chở dầu đi qua khu vực này. Còn hãng Frontline của Na Uy có trong tay gần 100 tàu chở dầu và một số tàu thuê khác. Cả hai hãng này sau khi thương thảo với các chủ hàng đã quyết định không sử dụng kênh đào Suez và đi qua vùng biển gần Somalia nữa. Như vậy, việc thay đổi đường vận tải với hành trình dài hơn có thể làm cho việc cung ứng hàng chậm thêm 12 ngày và giá chuyên chở tăng từ 25% – 40%. Hãng Lloyd tại London thì thông báo rằng, giá bảo hiểm tàu đi qua vùng vịnh Aden trong năm nay đã tăng gấp 10 lần. Hơn thế, đó không phải là bảo hiểm trọn gói mà tách ra từng phần: tàu, hàng và thủy thủ đoàn. Kết quả là nhu cầu sử dụng các tàu hàng siêu trọng bị giảm sút bởi không có gì đảm bảo rằng bọn cướp sẽ không liều lĩnh tấn công các tàu này. Khi đó con số thiệt hại sẽ lên đến hàng trăm triệu USD.

Cũng có các yếu tố chính trị trong việc chống lại cướp biển Somalia. Phía Ả Rập Xê Út mới đây đã lên tiếng yêu cầu các tàu chiến nước ngoài rút khỏi vịnh Aden. Bởi, nước này quan ngại việc tàu chiến Mỹ và đồng minh neo đậu lâu tại đây sẽ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út cũng ngỏ ý sẵn sàng gửi tàu chiến tham gia chiến dịch chống cướp biển của NATO, sẽ được tiến hành vào thượng tuần tháng 12 này.

 
Thủy thủ đoàn tàu MV Faina của Ukraine bị cướp biển khống chế - Ảnh: AFP

Cướp biển và khủng bố

Một nhóm vũ trang Hồi giáo theo đường lối cực đoan có tên gọi Ash-Shabaab vốn có quan hệ tốt với bọn cướp biển, vào ngày  22.11 đã cử vài chục tay súng đến bờ biển Somalia để đòi chia phần trong vụ tàu Sirius Star. Trong khi thủ lĩnh của nhóm này tuyên bố sẽ kiên quyết chống lại bọn cướp biển. Tuy vậy, đại diện của CIA lại khẳng định các thành viên Ash-Shabaab được đào tạo tại Afghanistan và có quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda. Đồng thời Ash-Shabaab có cơ cấu tổ chức giống với Taliban. Nếu như Taliban dịch ra có nghĩa là “học viên” thì Ash-Shabaab có nghĩa là “học sinh”.

Gia nhập tổ chức này là những người đến từ nhiều quốc gia, trong đó có nhiều người Kenya, vốn là các tay súng của các tổ chức vũ trang bản địa. Những tay súng của Ash-Shabaab nhận thù lao khoảng 100 USD/tháng, mức tiền khá hấp dẫn so với phần đông những người châu Phi nghèo đói. Hơn nữa, gia đình những tay súng bị chết được hứa sẽ nhận khoản tiền bồi thường “xứng đáng”. Chính vì thế, các thành viên của Ash-Shabaab sẵn sàng đánh bom liều chết. 

Phương Tây quả là có lý do để lo ngại những người trẻ tuổi, có học gia nhập các tổ chức Hồi giáo cứng rắn. Trong vòng vài tháng gần đây, có ít nhất 20 thanh niên gốc Somalia định cư tại Mỹ bị “mất tích”. Đó là những chàng trai tuổi từ 17 đến 20 trong các gia đình khá giả và rất sùng đạo. Các cuộc điều tra cho thấy những người này mua vé đến Kenya. Ngoài ra, còn một thanh niên 17 tuổi lại gọi điện về nhà từ Somalia.

Trong tổ chức Ash-Shabaab có nhiều người theo đường lối cứng rắn hơn của Liên minh Tòa án Hồi giáo, tổ chức 2 năm trước đây hầu như đã chiếm toàn bộ lãnh thổ Somalia và đẩy lui quân đội Ethiopia ủng hộ Chính phủ Somalia. Cũng vào giai đoạn này, khi Liên minh Tòa án Hồi giáo tạm cầm quyền thì nạn cướp biển Somalia hầu như không diễn ra. Tổ chức này thiết lập các luật lệ hà khắc và tiến hành cuộc đấu tranh dưới khẩu hiệu “giải phóng Somalia khỏi những kẻ xâm lăng Ethiopia”. Phía Mỹ lo ngại rằng, nếu Ethiopia rút quân khỏi Somalia thì sẽ xuất hiện thêm một al-Qaeda tại khu vực này. Chính vì thế mà Mỹ đã ủng hộ Chính phủ Somalia hiện hành, kết hợp với quân đội Ethiopia để giành lại phần lãnh thổ đã mất.

Có thể hiểu tâm thế của phía Mỹ khi Ash-Shabaab tuyên bố chống lại bọn cướp biển. Bởi nếu như vậy thì mọi cái lại trở về vòng luẩn quẩn như trước đây. Nếu dẹp được cướp biển thì lại có nguy cơ xuất hiện một Taliban hay al-Qaeda mới ở châu Phi. Tiến thoái lưỡng nan, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đã tiến hành các chiến dịch tiễu trừ cướp biển. Trong khi đó, giữa hai làn đạn, bọn cướp biển vẫn không ngừng đánh chiếm các tàu hàng qua lại với mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. 

H.H.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.