Về quê làm giàu

19/11/2010 09:34 GMT+7

Lấy bằng cử nhân xong, Nguyễn Văn Nghị bỏ phố về quê lập nghiệp bằng cách riêng của mình: nuôi heo rừng và lập cơ sở sản xuất than củi trấu. Công việc giúp anh có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Đó là chàng thanh niên 27 tuổi ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên. Nghị có cách lập nghiệp không chỉ nhắm đến mục đích kinh tế mà còn hướng đến việc bảo vệ môi trường.

Bắt đầu từ đàn heo rừng

Năm 2007, Nghị lấy bằng cử nhân địa lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và trở về quê. Niềm yêu thích tạo một cơ sở chăn nuôi đã đưa Nghị đến với ý tưởng nuôi và nhân giống heo rừng - ý thích của Nghị từ khi còn nhỏ. Thế là Nghị vay tiền bố mẹ, được 60 triệu đồng, qua tận Thái Lan mua bảy con heo rừng giống về nuôi trên mảnh đất 500m2 của gia đình.

Khi ấy mô hình nuôi heo rừng vẫn còn mới nên mọi kỹ thuật và cách chăm sóc Nghị đều phải nghiên cứu ở sách và trên mạng. “Nuôi heo rừng không khó lắm, chuồng trại lại rất đơn giản vì heo sống hoang dã, sức đề kháng cao, thức ăn chỉ cần ngô, sắn, rau muống có sẵn ở địa phương nên ít tốn chi phí”, Nghị cho biết.

Chuồng heo của Nghị hiện nay có sáu heo nái và hơn 100 heo con. Trung bình mỗi heo nái có thể sinh sản hai lứa/năm. Hiện heo rừng giống trên thị trường có giá 200.000-300.000 đồng/kg. Một năm Nghị có thể thu về hơn 200 triệu đồng từ tiền bán heo giống, heo thịt.

Thấy nuôi heo cho thu nhập tốt, Nghị đã hỗ trợ, giúp đỡ hơn 20 gia đình trong tỉnh triển khai nuôi heo rừng tăng thu nhập. Nhờ nhiều người nuôi, lượng thịt cung cấp cho thị trường dồi dào nên phần nào góp phần hạn chế tình trạng săn bắt heo rừng trên các cánh rừng ở khu vực này.

Củi trấu bảo vệ môi trường

Theo học chuyên ngành địa lý nên chàng cử nhân luôn quan tâm đến môi trường. Mỗi khi về quê thấy người dân lên rừng chặt cây lấy củi, đốt than và chứng kiến những trận lũ ngày càng khủng khiếp, Nghị suy nghĩ rất nhiều. Hằng ngày ở quê nhà Nghị cũng chứng kiến cảnh các cơ sở xay xát gạo thải vỏ trấu làm ô nhiễm dòng nước mà nhức nhối. Rồi Nghị bật nghĩ: sao không sản xuất chất đốt từ trấu? Thế là Nghị lặn lội xuống tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm tòi, học tập và mua chiếc máy ép than củi trấu đem về, lập cơ sở sản xuất củi trấu mang tên Nguồn Xanh.

Lúc đầu lập nghiệp Nghị gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Thiết bị máy móc cũng thường xuyên gặp trục trặc do khí hậu của miền Trung ẩm ướt hơn miền Tây Nam bộ nên máy ép than củi trấu không vận hành như mong muốn. Nhiều ngày đêm liền Nghị cùng các công nhân mày mò, nghiên cứu để cải tiến máy vận hành cho phù hợp hơn với thời tiết ẩm ướt ở địa phương.

Sau một thời gian xây dựng vận hành thử, cơ sở của Nghị cho ra lò những mẫu than trấu đầu tiên. “Nhưng người dân trước đây chỉ quen dùng củi than và khí đốt nên không ai mua thứ này. Tôi và anh em phải đi chào hàng cho bà con dùng thử, cuối cùng người dân cũng ủng hộ do chi phí than củi trấu rẻ hơn năm lần so với chất đốt khác và ưu điểm nữa là không có khói như củi thường. Dần dần bà con chuyển sang dùng than củi trấu rất nhiều”, Nghị hoan hỉ. Hiện cơ sở của Nghị đang vận hành bốn máy ép than củi trấu cùng 16 lao động làm việc thường xuyên là thanh niên địa phương với mức lương 1,8-2,2 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm củi trấu của cơ sở Nguồn Xanh có giá thành 800 đồng/kg, cho nhiệt lượng 3.500OC, ít khói, nên được người dân địa phương cùng một số công ty lựa chọn. Trung bình mỗi năm Nghị thu hơn 300 triệu đồng từ cơ sở Nguồn Xanh. Một số công ty ở Hàn Quốc vừa đặt vấn đề hợp đồng bao tiêu sản phẩm củi trấu, yêu cầu mỗi tháng phải cung cấp ít nhất 40 tấn nhưng hiện cơ sở chưa đủ nguồn hàng đáp ứng.

“Cả hai mô hình nuôi heo rừng và than củi trấu đều mới và lạ nên tôi quyết tâm mở rộng đầu tư chuồng trại, xưởng để giải quyết thêm việc làm cho thanh niên địa phương, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước”, Nghị cho biết.

Được đề nghị xét tặng giải thưởng Lương Định Của

Nguyễn Văn Nghị còn nhận nuôi hai em học sinh lớp 11 và lớp 4 mồ côi cha ở cạnh nhà, hỗ trợ miễn phí chất đốt cho các cụ già neo đơn, người tàn tật, hộ gia đình nghèo trong địa phương. Anh thường xuyên ủng hộ kinh phí cho các hoạt động Đoàn - Hội trên địa bàn huyện Đông Hòa, là tấm gương tốt để thanh niên trong tỉnh học tập và noi theo. Hiện Tỉnh đoàn Phú Yên đang làm hồ sơ gửi Trung ương Đoàn xét tặng giải thưởng Lương Định Của cho Nghị.

Nghị giúp 20 hộ dân cùng nuôi heo rừng để tăng thu nhập  - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.