Những chuyện lạ ở làng - Kỳ cuối: Dâu con, rể khách

26/11/2009 10:52 GMT+7

Thầy giáo Đỗ Đăng Long, nguyên là giáo viên Trường tiểu học Tiến Thắng, huyện Mê Linh (Hà Nội), hiện đã nghỉ hưu ngụ tại làng Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh), tủm tỉm cười khi nhớ lại lệ xưa lạ kỳ trong ngày cưới cách đây hơn 40 năm của mình.

Ông Long cho biết khi ông lấy vợ là người làng, ngày cưới của vợ chồng ông cũng có lễ ăn hỏi, rước dâu như bao đôi trai gái ở các làng lân cận. Nhưng hôm cưới sau khi đón dâu từ nhà ngoại về nhà mình, cô dâu lại trở về nhà mẹ đẻ ngay buổi chiều hôm ấy và cho đến... ba năm sau, vợ ông mới chính thức về nhà ông với đúng nghĩa làm vợ. Lệ này chỉ áp dụng với những đôi trai gái lấy nhau là người làng, còn rể hoặc dâu ở làng khác thì không áp dụng.

Ba tháng sau ngày cưới mới... động phòng

Ông Nguyễn Công Tạo, phó trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Mê Linh, nguyên là chủ tịch xã Tiến Thắng, cũng thừa nhận lệ đó xảy ra ở làng mình từ lâu lắm và ngay bản thân ông khi cưới vợ cũng phải theo lệ đó.

Nhưng ông Tạo cưới vợ sau ông Long 20 năm, việc động phòng ở Bạch Trữ đã được giảm xuống còn một năm. Hai vợ chồng sau khi cưới xong, tối đến vẫn cùng đi sinh hoạt trong một chi đoàn và khi tan họp ai lại về nhà nấy. Đi làm đồng gặp nhau vẫn chào hỏi như khi chưa cưới nhau!

Theo thầy giáo Đỗ Đăng Long, lệ xưa làng đặt ra với mục đích đảm bảo thuần phong mỹ tục cho làng, con gái, con trai khi trưởng thành ở làng này thường được cha mẹ áp dụng lối dựng vợ, gả chồng theo kiểu đặt đâu con ngồi đấy. Ngày trước các đôi nam nữ ở làng lấy vợ, lấy chồng thường ở lứa tuổi 15-16. Và thời gian ăn hỏi, cưới vợ là để thử thách đôi trẻ.

Theo đó, cả nam lẫn nữ trong thời gian lấy vợ, lấy chồng phải đứng đắn về cách ăn nói, sinh hoạt. Trong thời gian thử thách, chồng hay vợ mà “léng phéng” thì chấn chỉnh, thậm chí hủy hôn ước. Do vậy chú rể (người chồng) không thể ham chơi, rượu chè, trai gái... vì đã là người có vợ, được coi là “đứng đắn” rồi.

Ngược lại cô dâu cũng không thể không chăm chút, học hỏi cách làm ăn và dám “liếc ngang liếc dọc” ai nữa. Lệ xưa cũng đặt ra trong thời gian thử thách, nếu cô dâu có thai, cho dù có con với người chồng thật sự, cũng bị làng xóm lên án, chê cười, thậm chí với sức ép của dư luận làng, gia đình bên chồng có thể bắt ép chú rể bỏ vợ, lấy vợ khác và việc này được làng đồng tình ủng hộ.

Thầy giáo Nguyễn Anh Vũ, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Thắng, cho hay năm 1992 thầy cưới vợ là một cô y tá ở trạm y tế xã, khi đó làng “chiếu cố” cho anh chị là cán bộ công chức nhà nước mới cho thời hạn được động phòng là... ba tháng. Thầy Vũ cho biết ba tháng đó đúng là ai có việc người ấy làm, nhiều khi gặp nhau trên đường làng hai vợ chồng cũng chỉ chào nhau như người quen bình thường.

Sau ngày cưới đúng ba tháng, có một người bà con bên vợ đến nhà anh bảo: “Hôm nay, cô dâu về đấy” và hôm ấy anh phải lánh mặt cho đến khuya mới được về. Sẩm tối hôm ấy cô dâu - vợ anh - ôm chăn chiếu, màn mùng theo một bà bác bên họ nhà cô dâu đến nhà anh “trải chiếu lấy may”, mong mỏi vợ chồng mới cũng con cái đề huề. “Đến khuya đó tôi về đã thấy nhà tôi e lệ ngồi ở trong giường rồi, và đêm ấy chúng tôi mới chính thức động phòng”, ông Vũ ngượng nghịu nói.

Những ông rể

Ông Nguyễn Thế Thanh, quê ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), lấy vợ là người làng Bạch Trữ, tủm tỉm cười cho biết khi ông về nhà vợ chơi nhân ngày giỗ ông ngoại, thấy vợ đầu tắt mặt tối nấu nướng các món ăn để cúng giỗ. Ông xuống bếp định phụ giúp vợ, mới thấy ông đi xuống cửa bếp các bà, các cô đã xua ông như xua tà: “Ấy, bác lên trên nhà uống nước, việc dưới này đã có chúng tôi”.

Ông phân trần thế nào cũng mặc, các bà đẩy ông lên nhà trên. Mới đặt chân lên thềm nhà trên, ông bị một ông tóc bạc, râu cũng bạc từ trong nhà xô ra đón ông với điệu bộ trịnh trọng: “Rước ông vào trong nhà xơi nước, đàn ông không nên bước xuống chỗ hai bàn”.

Hai bàn đây được giải thích là chỗ sắp cỗ, bưng mâm. Đàn ông không nên xuống đó, ông là con rể lại càng không được. Thêm nữa, khi ngồi ăn cỗ, ông Thanh phải được nhà vợ bố trí ngồi mâm với những người có đức cao vọng trọng trong họ nhà vợ. Họ thường là những ông chú, ông bác bên vợ, vai vế cao ngất.

Thầy giáo về hưu Đỗ Đăng Long nói lệ làng đặt ra như thế nên nhiều khi các anh con rể có ý “cách tân” cũng khó. Đã có chuyện ông con rể xăng xái đi chúc rượu các bàn bên được người nhà vợ đến nhắc khẽ “việc nhà anh đấy à?” đâm ra cụt hứng. Còn chuyện làm dâu cũng có nhiều điều đáng nói. Người con dâu, nhất là dâu trưởng, được gia đình ủy nhiệm “toàn quyền” về công việc gia đình như đồng áng, nấu nướng, sinh hoạt.

Tuy nhiên, quyết đáp những công to việc lớn lại là... đàn ông trong nhà. Không ít nhà ở Bạch Trữ hiện nay khi khách đến chơi nhà mà ở lại dùng cơm với gia đình, người vợ có trách nhiệm đi chợ nấu nướng. Nấu xong bưng cơm lên nhà trên để chồng và khách dùng, còn vợ và con cái thì ăn dưới bếp.

Ông Nguyễn Thế Thanh, con rể làng Bạch Trữ, cho biết ông làm rể ở làng hơn 20 năm nay, chưa bao giờ ông được ngồi ăn cơm cùng vợ ở nhà bố vợ. Khi về thăm nhà vợ, vợ ông phải ăn cơm ở dưới bếp với chị dâu, còn trên nhà ông con rể và bố vợ cùng anh con trai trưởng rung đùi uống rượu. Cơm nước xong, bà chị dâu bưng một thau nước cùng ống tăm đặt ở ngoài hè để mọi người ra đó rửa tay, xỉa răng. Trong khi đó bà chị dâu đi pha trà.

“Do có những tục lệ không còn thích hợp mấy với hoàn cảnh hiện nay nên vừa rồi các cụ trong làng cũng cho giảm bớt một chút để lớp trẻ thoải mái”- ông giáo Long nói giọng hồ hởi. Ông Long kể mới đây làng đã cho phép những đôi trai gái yêu nhau và lấy nhau được động phòng ngay sau hôm cưới. Cuộc họp về việc cưới xin ở làng đã được các cụ thống nhất và ra “nghị quyết” ở đình làng, sau đó cho phát lên đài truyền thanh của thôn.

Thầy giáo Đỗ Quang Tuyến được coi là người “sung sướng nhất” trong các chàng trai, chàng rể của làng Bạch Trữ hiện nay vì anh chính là người đầu tiên được “cởi bỏ hủ tục”. Anh Tuyến vừa mới cưới vợ cũng là người cùng làng, sung sướng cười nói: “Sướng lắm, tôi cưới xong là được... dùng ngay, chứ không khổ như các cụ, các ông, các bác ngày xưa!”.

Theo Đỗ Hữu Lực / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau
>> Kỳ 2: Cây sấu thiêng của làng
>> Kỳ 3: Làng không sợ thế mạng
>> Kỳ 4: Làng chật 
>> Kỳ 5: Vật linh ở làng Trám 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.