Thư bạn đọc tuần qua (4 - 10.12)

10/12/2007 18:57 GMT+7

(TNO) Gờ giảm tốc vừa không phát huy tác dụng, vừa ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống người dân - đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc, từ nhiều địa phương, có phản hồi đến Thanh Niên về vấn đề liên quan trong tuần qua.

Trần Minh <...@yahoo.com.vn>: Ngành giao thông đã có "sáng kiến" làm những vạch giảm tốc nổi gồ lên với mục đích giảm tốc độ các xe khi qua khu vực này. Nhưng trên thực tế, nhiều người tham gia giao thông rút ra kinh nghiệm rằng khi qua gồ giảm tốc nếu ô tô chạy nhanh thì xe sẽ ít bị xóc hơn, do đó anh nào khi qua vạch giảm tốc cũng tăng ga; chỉ có tội mấy chiếc xe đạp, xe gắn máy cứ nhảy tưng tưng, ê ẩm cả người lẫn xe. Mong rằng ngành giao thông nghiên cứu lại mấy các vạch gồ này.

Trần Đình Phúc <...@yahoo.com>: Gờ giảm tốc là để các phương tiện chạy qua quãng đường đó phải giảm tốc độ. Nhưng sự thật chỉ đúng một phần rất nhỏ mà thôi. Hầu hết các loại phương tiện cơ giới không có chiếc nào giảm tốc độ hết; chỉ có xe máy khi chạy qua các đoạn có gờ giảm tốc, nếu không muốn bị dằn xóc thì dạt vô lề để tránh. Như vậy về phương diện cảnh báo, gờ giảm tốc không có ý nghĩa. Khi chạy qua gờ giảm tốc, xe gắn máy bị dằn rất mạnh, chứ xe cơ giới khác lướt qua rất nhanh. Vì vậy, cần xem lại việc sơn kẻ các đường gờ giảm tốc hiện nay, vì nó không có tác dụng cảnh báo, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến người chạy xe gắn máy và những hộ dân có nhà ở khu vực xung quanh.

Nguyễn Thanh Tùng <...@yahoo.com>: Tôi đề nghị ngành giao thông nên bỏ gờ giảm tốc, thay vào đó nên kẻ chữ "STOP" hoặc "GIẢM TỐC ĐỘ" ngay trên mặt đường để hạn chế tốc độ các phương tiện giao thông, theo thông lệ quốc tế và đúng luật hơn. Việc ghi hình vi phạm để xử phạt theo tôi là đúng đắn; tuy nhiên việc bố trí các gờ giảm tốc không chừng lại vi phạm luật vì gây cản trở giao thông và gây hư hỏng phương tiện lưu thông. Đây là ý kiến của một công dân đề nghị ngành giao thông xem xét.

Trần Thanh Hưởng <...@gmai.com>: Chúng tôi cũng chịu đựng tình trạng tương tự từ khi có gồ giảm tốc trước cổng nhà mình. Các con tôi thường xuyên giật mình, hoảng sợ trong giấc ngủ. Ngành chức năng nên phổ biến quy cách cụ thể: khoảng cách bao nhiêu thì có 1 gồ, mỗi gồ có bao nhiêu vạch, mỗi vạch cao bao nhiiêu? Gồ quá cao, mật độ quá dày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân cả khu vực.

Nguyen Thi Hop <...@yahoo.com>: Tôi đã gần 50 năm sống ở con đường Thụy Khuê (Hà Nội). Từ khi được sống chung với những dải gồ lên đó, dân cư hai bên đường chúng tôi đã bị "tra tấn" suốt ngày đêm, nhất là vào ban đêm khi những chiếc xe tải hạng nặng tranh thủ quần đảo qua thành phố hoặc phục vụ cho những công trình ngay trên tuyến phố. Ngoài những tiếng va đập đến đinh tai nhức óc, các ngôi nhà còn chao đảo rung chuyển bởi các xe phải tăng tốc để vượt qua... gồ giảm tốc! Ban ngày, xe máy trượt bánh, xe đạp đổ ríu vào nhau là chuyện thường, cũng bởi gồ giảm tốc. Xin góp thêm một tiếng nói: Phải loại bỏ ngay những cái gồ giảm tốc đó, không thể vì ngặn chặn cái "khả năng, có thể" đua xe mà hành hạ người dân như vậy.

Hữu Thắng <...@yahoo.com>: Tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Tô Hiệu - Nguyễn Huy Tưởng thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có hơn 6 gờ giảm tốc. Đây là đoạn quốc lộ qua khu dân cư đông đúc lại cong vòng cung, khi xe tải leo lên gờ giảm tốc xe rung lên bần bật, lái xe khó kiểm soát tay lái lại gặp xe máy băng ngang nên thường xảy ra tai nạn. Người dân sống ở hai bên đường thì phải chịu cảnh nhà nứt lún, mất ngủ, stress; mà những người điều khiển xe máy khi đến đây cũng hoảng loạn tự gây tai nạn vì những âm thanh do xe tải chạy qua gờ giảm tốc. Gờ giảm tốc không nên có ở nơi khu đông dân cư, nên đặt trước giao lộ 50-100m, khoảng cách sọc của gờ giảm tốc nên giãn rộng hơn để chống nảy xe và lạc tay lái. Vài lời góp ý với quý ngành giao thông công chính.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác:

Mai Văn Ninh <...@yahoo.com>: Tôi là một hộ dân nằm ở khu vực nút giao thông Nguyên Hữu Thọ - Trưng Nữ Vương. Trước đây, khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông do xe chạy với tốc độ nhanh, không làm chủ tay lái. Từ sau khi kẻ vạch giảm tốc, tai nạn đã giảm hẳn, chỉ còn những vụ va quệt. Nếu có thể, đề nghị kẻ gồ cao hơn để các loại xe tải bắt buộc phải giảm tốc. Và cũng đề nghị có chế tài thật nghiêm với những lái xe không thực hiện giảm tốc, như vậy sẽ giảm bớt tiếng ồn.

Cũng trong tuần qua, sau khi đăng một số ý kiến băn khoăn về việc có nên bắt buộc trẻ dưới 5 tuổi đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia lưu thông, chúng tôi nhận thêm nhiều thư bày tỏ quan điểm không nên bắt buộc. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những ý kiến đưa ra ở góc độ người sử dụng - thừa hành. Qua nghiên cứu ở nhiều khía cạnh, kể cả chuyên môn, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có những quy định và sự áp dụng phù hợp.

Nhiều bài viết của bạn đọc về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: Tien <tranthitien5585@yahoo.com>; Nguyen Nga nguyennga.vins@gmail.com; tran Nhuong <truongnhan_hnv@yahoo.com>; Tran minh Phuc <phuc_ts@yahoo.com>; Nguyen Tri Tuan <nguyentrituan@vnn.vn>; Jullie <tvbfilm@gmail.com>; nguyen thanh son tson_online@yahoo.com.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.