Bộ trưởng về làng học cách làm giáo dục

05/12/2006 00:06 GMT+7

Chúng ta phải chọn con đường phát triển giáo dục cao với chi phí thấp", đó là câu nói được coi là ấn tượng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khi ông thể hiện quan điểm và cách làm giáo dục của mình.

Không chỉ nói, khi nghe PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam "mách nước" có một xã nghèo ở tỉnh Hà Tây đã làm giáo dục rất tốt, ông bộ trưởng ngay lập tức lên đường về xã để học hỏi kinh nghiệm.

Xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây vốn là "cái lò" sản xuất pháo những năm trước đây. Khi nghề không còn, đời sống người dân khá vất vả, việc học hành của con em họ cũng vì thế mà bị xao nhãng. Trước năm 2000, ở đây trường học xập xệ, giáo viên bỏ dạy, học sinh bỏ học... năm nào các trường ở xã đều xếp hạng cuối huyện. Đến nay, trường trung học cơ sở đã trở thành trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Thanh Oai; trường tiểu học thành trường tiên tiến xuất sắc của huyện và đang phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia; trường mầm non được xây dựng khang trang, hấp dẫn đã thu hút được tất cả trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đến trường, đạt tỷ lệ kỷ lục của tỉnh Hà Tây. Bí quyết là: họ đã đi lên bằng con đường khuyến học.

Cách làm khuyến  học ở đây cũng rất độc đáo. Để gây quỹ khuyến học, họ đã có những mô hình khuyến học rất... nhà nông. Có thôn khi được mùa thì cứ mỗi sào ruộng ủng hộ từ 2-3 kg thóc. Có thôn mỗi hộ gia đình đóng góp cho Hội khuyến học 3.000 đồng trở lên. Đặc biệt, các đôi nam nữ khi đăng ký kết hôn đều không quên ủng hộ cho quỹ khuyến học một "mâm cỗ" từ 50.000 - 100.000 đồng. Có thể thấy từ sự huy động những đóng góp nhỏ bé của từng người dân Thanh Cao mà cả xã đã quan tâm đến khuyến học.

Hội khuyến học xã đã đưa ra mục tiêu xây dựng "xã 5 không" để làm định hướng cho mình: không có trẻ em không được chăm sóc, không có các cháu mẫu giáo đến tuổi đi học không được đến trường; không có học sinh lưu ban, bỏ học; không có học sinh nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội; không có người mù chữ, thanh niên mù nghề.

Đáng nói hơn là họ đã thực hiện đúng mục tiêu của khuyến học là khích lệ tinh thần của từng học sinh, từng gia đình, từng dòng họ. Từ những phần thưởng không nhiều, từ sự gom góp rất nhỏ bé của từng người dân cùng với việc đi vận động những doanh nghiệp, những cá nhân xa quê hương ủng hộ mà từ chỗ không có trường học xã đã xây dựng được trường mầm non khang trang đón hơn 300 cháu đến trường.

Gặp Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cô giáo Nguyễn Thị Ư - Hiệu trưởng Trường mầm non bán công Thanh Cao, người đã gắn bó với mái trường gần 33 năm không khỏi xúc động: "Nhờ có phong trào khuyến học, Trường mầm non Thanh Cao được khởi sắc, phát triển đi lên rõ rệt; các bậc cha mẹ quan tâm đến con em mình hơn; đội ngũ giáo viên có thêm nghị lực và nhiệt tình hơn trong công tác; các cháu đến trường đông hơn, học chăm hơn và ngoan hơn". Cô giáo Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Thanh Cao cũng không ngớt lời khen ngợi những gì mà Hội khuyến học đã dành cho trường mình. Cô ví: "Sự ra đời của Hội khuyến học xã như một làn gió mát thổi vào từng nhà, từng ngõ hẻm của nhân dân Thanh Cao. Nó đã thức tỉnh người dân Thanh Cao sau một giấc ngủ quá dài và hôm nay họ đã vươn dậy trước bình minh...".

Sau khi nghe những lời tâm sự của các cô giáo và những người làm khuyến học ở đây, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất lấy làm tâm đắc. Ông nói: "Làm giáo dục luôn thiếu tiền. Hiện ngân sách dành cho giáo dục đã chiếm 20% ngân sách Nhà nước, xếp vào loại cao nhất thế giới. Tỷ trọng đó không thể tăng được nữa, ngành giáo dục chỉ "gói" với nhau thôi. Vì vậy phải làm sao dạy học tốn ít tiền mà vẫn hiệu quả". Rồi Bộ trưởng quay sang hỏi PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: "Liệu mô hình này có nhân rộng được không?"; "Có!" - ông Nhĩ khẳng định và cho biết, hiện ở các làng quê Việt Nam còn rất nhiều mô hình khác làm giáo dục rất tốt mà ít tốn tiền. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân  không ngần ngại đề xuất: "Vậy cho tôi những địa chỉ đó, Bộ sẽ lại khăn gói lên đường học hỏi tiếp!". 

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.