Hội chứng ruột kích thích

11/09/2013 10:45 GMT+7

* Tôi 32 tuổi. Khoảng 1 năm nay tôi thường xuyên bị đau âm ỉ vùng bụng dưới. Mỗi khi ăn rau sống hoặc món ăn lạ thì bị chột bụng, đi tiêu lỏng. Tôi có đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đại tràng mạn nhưng uống thuốc không giảm. Đến khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì bác sĩ bảo IBS. Vậy xin hỏi IBS là bệnh gì và có phải là dấu hiệu ung thư không? Bệnh này có trị khỏi không? (letutlinh32…@gmail.com)

* Tôi 32 tuổi. Khoảng 1 năm nay tôi thường xuyên bị đau âm ỉ vùng bụng dưới. Mỗi khi ăn rau sống hoặc món ăn lạ thì bị chột bụng, đi tiêu lỏng. Tôi có đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đại tràng mạn nhưng uống thuốc không giảm. Đến khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì bác sĩ bảo IBS. Vậy xin hỏi IBS là bệnh gì và có phải là dấu hiệu ung thư không? Bệnh này có trị khỏi không? (letutlinh32…@gmail.com)

 

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT = Irritable Bowel Syndrome = IBS) là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào. HCRKT là một chẩn đoán loại trừ, không có biểu hiện cụ thể nào về rối loạn nhu động hoặc rối loạn cấu trúc, do đó hội chứng ruột kích thích vẫn là một bệnh lý chủ yếu được xác định bằng lâm sàng. Có 3 nhóm triệu chứng thường gặp: đau bụng dọc khung đại tràng, rối loạn đi tiêu và thay đổi tính chất phân.

Hiện nay, để chẩn đoán HCRKT, người ta thường dựa vào tiêu chuẩn ROME III (2006). Các tiêu chuẩn Rome III để chẩn đoán HCRKT yêu cầu bệnh nhân phải có đau bụng thường xuyên hay khó chịu ít nhất 3 ngày/tháng trong 3 tháng trước đó và kết hợp với 2 hoặc nhiều hơn các điểm sau đây:

- Khởi phát liên quan đến thay đổi về số lần đi tiêu.

- Khởi phát liên quan đến thay đổi về hình thức và hình dạng của phân.

Các triệu chứng hỗ trợ chẩn đoán bao gồm: Thay đổi về số lần đi tiêu; thay đổi về hình thức của phân; thay đổi về kiểu cách đi tiêu (mót đi tiêu và/hoặc mót rặn); tiêu phân nhầy; trướng bụng hoặc đầy hơi chủ quan.

Có thể thấy bốn mô hình hội chứng ruột kích thích, bao gồm:  IBS-D (tiêu chảy chiếm ưu thế), IBS-C (táo bón chiếm ưu thế), IBS-M (hỗn hợp tiêu chảy và táo bón) và IBS-A (xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón).

Các phương pháp điều trị bao gồm: hướng dẫn chế độ ăn uống, các thuốc điều trị triệu chứng nổi trội và đặc biệt quan trọng là bệnh nhân phải được bác sĩ giải thích kỹ lưỡng về tình trạng bệnh (quyết định khoảng 50% thành công của điều trị).

Tuy nhiên bệnh nhân cần được chỉ định nội soi đại tràng để loại trừ bệnh lý thực thể trong các trường hợp sau: triệu chứng mới xuất hiện ở người > 40 tuổi, tiêu phân nhầy máu, táo bón kinh niên, tiêu chảy mãn tính, nghi ngờ u bướu ác tính và tiền căn gia đình bị ung thư đại tràng.

BS.CKI Dư Huỳnh Hồng Phong
Chuyên khoa Tiêu hóa gan mật, Y - Nha khoa Vạn Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.