Hai ngày và bảy phút

12/12/2006 00:49 GMT+7

Cầu vượt biển dài nhất nước ta cho tới nay - chiếc cầu mang tên Thị Nại - chính thức khánh thành. Sẽ có những bài viết về "trách nhiệm" phát triển kinh tế mà chiếc cầu này "gánh" trên vai, về tương lai của khu kinh tế Nhơn Hội từ khi cầu Thị Nại chính thức "kết nối" bán đảo Phương Mai - Nhơn Hội với "phần còn lại" là thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.

Tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện nhỏ tôi nghe được từ một người bạn già - nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật tuồng Vũ Ngọc Liễn. Năm nay đã 83 tuổi, ông Liễn quê chính gốc ở đầu bên kia cầu Thị Nại bây giờ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là chủ tịch đầu tiên của xã Nhơn Lý. Ông Liễn kể: từ nhỏ tới giờ (tới khi có cầu Thị Nại) mỗi khi muốn qua Quy Nhơn, hay từ Quy Nhơn muốn về quê, ông đều phải đi đò như mọi người dân thuộc bán đảo Nhơn Lý - Nhơn Hội. Đi đò, nguy hiểm chưa kể, nhưng thời gian ngồi đò thì không hề ngắn, dù hai bến đò chỉ cách nhau mấy cây số. Lúc chậm lúc nhanh, nhưng thường thì phải ngồi đò khoảng… 2 ngày, nếu "mua vé khứ hồi". Có thể có những "phút xao lòng" thậm chí có những cuộc tình lãng mạn xảy ra khi… ngồi đò, nhưng cái hiện thực mệt mỏi và rất tốn thời gian khi phải ngồi đò thì đã là người Nhơn Lý - Nhơn Hội ai cũng từng nếm trải.

Nay, như ông Vũ Ngọc Liễn nói: hai ngày đã chỉ còn… 7 phút! Cầu Thị Nại chính thức dài gần 2,5 km, cộng cả phần cầu phụ nữa là dài 6 km, nhưng "chỉ 7 phút xe Honda là xong", quê hương Nhơn Lý hiện ra thân thương, và Quy Nhơn thành phố rõ ràng trở nên gần gũi. Nếu chỉ tính đơn giản, như ông Vũ Ngọc Liễn tính với tôi, là mỗi người dân Nhơn Lý - Nhơn Hội - Phương Mai mỗi lần ngồi đò "khứ hồi" mất đứt 2 ngày, thì suốt cuộc đời họ, đã có bao nhiêu thời gian lao động bị phí hoài! Chỉ tính cái khó tính nhất là thời gian bị lãng phí của những người có việc phải qua cầu, đã thấy giá trị kinh tế của cầu Thị Nại lớn đến như thế nào. Chưa kể, nếu không có cầu Thị Nại, thì đã và sẽ có biết bao người Việt Nam và người nước ngoài chẳng bao giờ biết đến "nàng tiên ngủ" Nhơn Lý - Nhơn Hội, càng không biết đến tiềm năng và triển vọng hiện thực của khu kinh tế Nhơn Hội. Bên dưới cây cầu của "thế kỷ 21" này là đầm Thị Nại, nơi trong quá khứ từng xảy ra những trận thủy chiến kinh hoàng. Phần lịch sử chìm dưới đáy nước kia còn chất chứa bao tự hào và đau thương. Với chiếc cầu mới này, lịch sử Thị Nại sẽ sống lại không chỉ qua bản đồ và sách vở. Quy Nhơn là thành phố của nhiều tầng văn hóa, nếu biết cách khai thác kể từ khi cầu Thị Nại hoàn thành, thì không chỉ khu kinh tế Nhơn Hội mới mang lại những lợi ích kinh tế cho Bình Định, mà chính những vỉa tầng văn hóa và lịch sử của vùng đất "địa linh nhân kiệt" này cũng sẽ góp phần làm giàu cho Bình Định - cái giàu của đất và người có văn hóa - giàu và sang. Cầu Thị Nại hiện đại không chỉ "bắc tới tương lai" mà còn là cơ hội để thu hút du khách đi về quá khứ - một quá khứ còn đầy những bí ẩn của vùng đất này. Nhiệm vụ của những cây cầu là giao thông, nhưng cũng còn là khám phá. Và bạn hãy một lần qua chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này để tự hiểu mình, để tự khám phá mình, tại sao không?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.