Xem xét kỹ yếu tố an toàn về công nghệ và địa chất

03/12/2011 00:59 GMT+7

Ngày 2.12, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo an toàn nhà máy điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngày 2.12, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo an toàn nhà máy điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại hội thảo, ông Takahashi, Giám đốc điều hành Công ty phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản, phân tích: “Sự cố Fukushima đã cho chúng ta những bài học đắt giá. Vì vậy, Nhật Bản đang cố gắng dùng công nghệ xây nhà máy điện hạt nhân mà không bị ràng buộc với địa điểm được lựa chọn. Cái chúng tôi hướng tới chính là việc chủ động áp dụng công nghệ có thể tồn tại ngay trong những điều kiện bất thường của thiên nhiên và sẽ áp dụng tại VN sắp tới. Hiện chúng tôi đang tập trung những công ty về lĩnh vực hạt nhân hàng đầu của Nhật Bản để nghiên cứu nhằm đưa ra một mẫu thiết kế phù hợp nhất với nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, đồng thời nâng cao sự dễ dàng cho vận hành, mang tính kinh tế cao”.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi sau sự cố Fukushima, liệu VN có nên điều chỉnh việc chọn địa điểm xây nhà máy không? Ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng ban Quản lý (BQL) dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cho biết: “Ngay khi có thông tin tại hai địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận có tồn tại các đứt gãy đang hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho chủ đầu tư tăng cường quan tâm trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của thiên nhiên về việc lựa chọn địa điểm xây nhà máy. Hiện chúng tôi đã thuê những chuyên gia nước ngoài tiến hành khảo sát địa chất vùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việc khảo sát sẽ hoàn thành trong vòng 18 đến 20 tháng tới, lúc đó  sẽ có kết luận chính thức về địa chất vùng xây nhà máy điện hạt nhân”. Cũng theo ông Tuấn, nếu trong trường hợp các cuộc khảo sát đó chứng minh còn tồn tại những đứt gãy, ảnh hưởng đến độ an toàn hạt nhân của các nhà máy, thì việc chọn địa điểm xây nhà máy sẽ được trình lên Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét lại.

TS Alexander Kukshinov, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Công ty Atomstroyexport (Nga) cho biết, phía Nga đảm bảo tính an toàn về mặt công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân tại VN. Ông khẳng định, công nghệ lò hạt nhân VVER thế hệ 3 đầu tiên với tính năng an toàn tối ưu đã vận hành trên thế giới của Nga có thể chịu được động đất 8 độ Richter. Công nghệ lò hạt nhân này có thể tự đảm bảo an toàn trong các sự cố khẩn cấp như động đất và sóng thần. Tuy nhiên, ông Alexander Kukshinov cũng thẳng thắn cho rằng việc quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, nếu tồn tại các dấu hiệu không an toàn cho nhà máy thì nhất thiết phải thay đổi địa điểm.

UB Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản thông qua Hiệp định hợp tác hạt nhân với Việt Nam

* Đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai

Với đa số phiếu tán thành, ngày 2.12, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Hiệp định hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Nhật Bản và Việt Nam, cùng 3 hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự song phương khác mà nước này đã ký với Nga, Hàn Quốc và Jordan. Nhiều khả năng các hiệp định này sẽ được quốc hội Nhật Bản thông qua trước khi kỳ họp bất thường hiện nay kết thúc vào ngày 9.12. Các hiệp định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất điện hạt nhân sang các nước liên quan.

* Ngày 2.12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã diễn ra Đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn dẫn đầu; phía Nhật Bản do Thứ trưởng Ngoại giao Bessho Koro dẫn đầu, đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng. Hai bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác và phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

TTXVN

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.