Không được để người thầy nghèo khổ!

19/11/2007 22:50 GMT+7

* Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: “Thầy giáo, cô giáo có vai trò quyết định trong việc giáo dục thế hệ tương lai của đất nước” * Những giáo viên ở “đậu”! * Cô giáo “chuyên biệt”

Hình ảnh những thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, vùng núi đứng lớp trong tình cảnh khốn khó đã nhói vào lương tâm cả xã hội. Và cũng đừng quên khi cả nước có hơn 800.000 giáo chức về hưu, trong đó 200.000 cựu giáo chức sống ở mức nghèo khổ, hơn 100.000 cựu giáo chức mắc bệnh nghề nghiệp (theo công bố của GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN), và có rất nhiều giáo chức, miền Bắc cũng như miền Nam, về hưu trước 1970 giờ sống không lương hưu.

Để những thầy cô giáo phải sống trong nghèo khổ là một tội lỗi, dù ở bất cứ thời nào. Ngày xưa thì phải "tôn sư trọng đạo" còn bây giờ tuy không còn phân ngôi thứ "quân-sư-phụ" như xưa, nhưng hình ảnh người thầy bao giờ cũng là hình ảnh đáng kính trọng. Đơn giản, vì "không thầy đố mày làm nên", không học từ lớp mầm, lớp mẫu giáo tới đại học thì khả năng vào đời một cách thông thoáng của mỗi con người là rất khó khăn. Nhiều người khi nghe chuyện bên Tây bên Mỹ, học trò có thể phản biện tranh cãi thậm chí không chấp nhận những bài giảng của thầy đã vội cho rằng ở những nước phát triển đó hình ảnh người thầy không còn được tôn trọng. Hoàn toàn sai. Những ai có điều kiện sống hoặc tìm hiểu kỹ đời sống học đường ở những nước phát triển đều công nhận rằng, ở đó hình ảnh người thầy vẫn hết sức được tôn trọng, dù không còn cảnh "sợ thầy" hay "khúm núm trước mặt thầy". Khi sự "tôn sư" đã đi vào thực chất, vào những hành xử bình thường của học đường, của học trò, thì hình ảnh người thầy đã trở nên dân chủ, hòa đồng, thân gần trước mắt học trò, và với kiến thức của mình, trí tuệ của mình, đạo đức của mình thì "thầy vẫn là thầy". Ở những nước đó, đời sống của giáo chức, của người thầy từ cấp học thấp nhất tới cao nhất luôn được bảo đảm.

Tôi chợt nhớ ngày mình còn đi học ở miền Bắc, ngày ấy tuy đời sống kinh tế rất khó khăn, mọi người đều sống ở mức nghèo, thậm chí khổ, nhưng các thầy cô giáo khi đứng lớp vẫn rất đường hoàng đĩnh đạc, và trong cuộc sống, thầy cô giáo không đến nỗi khổ hơn người công chức bình thường. Ngày đó thầy cô không dạy thêm, và học trò cũng không phải học thêm, chương trình học rất vừa sức học trò, có thể vừa học vừa lao động hay tham gia nhiều hoạt động văn thể mỹ mà vẫn không hề bị quá tải. Ngày đó, quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò gần gũi thân mật hơn bây giờ, thầy cô biết từng hoàn cảnh của học sinh trong lớp, và ngược lại, học trò luôn quan tâm tới đời sống của thầy cô, nhất là chia sẻ những khó khăn với thầy cô. Một môi trường học đường như thế với những quan hệ thầy trò thân mật như thế đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức khá thoải mái và thầy cô cũng cảm thấy yên lòng, tự tin và tự hào khi đứng lớp. Xin nhắc lại là hoàn cảnh kinh tế hồi đó rất khó khăn, nhưng "đạo làm thầy" và "đạo làm trò" đã được thể hiện một cách tự nhiên, hài hòa và giản dị. Đó là điều khiến chúng ta bây giờ phải suy nghĩ.

Bác Hồ từng nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Trong xã hội bây giờ, sự thiếu thốn không ở mức như ngày trước, nhưng sự công bằng thì không còn được như trước. Chính sự thiếu công bằng, thiếu sự tôn trọng giữa con người với con người đã từ xã hội len vào học đường và phá hoại "đạo" ngay cả khi "thực" không còn là vấn đề quá bức xúc. Và cũng từ cái "thiếu" lớn như Bác Hồ đã cảnh báo ấy, nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra ngay trong học đường, nơi từ xưa nay vẫn được coi là "vương quốc của trí tuệ". Bây giờ, với ngành giáo dục, vực dậy cả "thực" và "đạo" là hai việc phải cùng làm một lúc.

Trong một đất nước mà nền kinh tế tăng trưởng liên tục như nước ta, một đất nước đề cao học vấn, đề cao tri thức mà để người thầy sống nghèo khổ, để người thầy sống dưới mức sống trung bình của xã hội là sự bất công lớn nhất, là không có đạo lý.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.