Thể thao phong trào TPHCM: Sức hút mạnh mẽ

13/11/2010 09:20 GMT+7

Đã qua rồi cái thời ngành thể thao động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực rèn luyện TDTT để báo cáo thành tích. Ở TPHCM, cứ vào lúc sáng sớm, thậm chí đã quá nửa đêm, mọi người vẫn hăng say bỏ tiền túi mướn sân bãi để tập luyện. Với họ, luyện tập TDTT như một nhu cầu rất bình thường nhằm giữ sức khỏe, giảm stress.

Hội Cầu lông 20 giờ

Được gọi là Hội Cầu lông 20 giờ bởi lịch hoạt động của họ bắt đầu từ 20 giờ trở về khuya. Thêm một điều thú vị nữa là thành phần tham dự của hội này cũng rất đặc biệt bao gồm các giáo viên, công nhân viên chức, doanh nghiệp và cả học sinh sinh viên với tôn chỉ: hễ rảnh lúc nào là xách vợt ra sân để có sức khỏe phục vụ cho công việc, học tập. Bất chấp thời tiết Sài Gòn mưa nắng thất thường, kể cả việc kẹt xe triền miên do triều cường nhưng cứ đến 20 giờ là các thành viên ở hội này có mặt tại Nhà thi đấu Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tập luyện.

Một thành viên chủ chốt trong nhóm là anh Lê Văn Dũng, chủ một cửa hàng bán lưới ở quận Tân Phú. Lúc chưa đến với Hội Cầu lông 20 giờ, anh Dũng là một cổ động viên cuồng nhiệt của bóng đá VN. Cách nay hơn tháng, sau khi bị chấn thương trong một trận đá bóng phong trào, anh bắt đầu chuyển sang chơi cầu lông với ý định tập luyện để giữ gìn sức khỏe và sau đó “nghiện” lúc nào không hay. Từ đó đến nay, cứ vào 20 giờ các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu là anh Dũng đều có mặt tại sân cầu lông. Thậm chí, có hôm do chấn thương tái phát, anh xách vợt đến sân khởi động cho đỡ… ghiền.

Cùng hội này còn có thầy Tùng, thầy Thuận (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình), Khoa (học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Du), Tuấn (sinh viên)... Mỗi người một việc khác nhau, thậm chí trình độ cầu lông có người chơi cả tháng không thắng nổi một trận nhưng hễ vào sân là rất máu lửa, không đổ mồ hôi không về.

Thầy Trâm (giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền), một thành viên lâu năm, cho biết: “Nhờ thường xuyên chơi cầu lông mà chúng tôi có sức khỏe để làm việc. Ngoài ra, trong những lúc vui chơi tập luyện như thế này cũng giúp cho mọi người hòa đồng, thân thiện với nhau hơn...”.

Bóng đá qua đêm

Thời gian gần đây, mặc dù sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm sau mưa nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân TP.

22 giờ đêm, khi nhiều bạn trẻ bắt đầu rời sân Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn có một nhóm khác vào thuê sân. Một bạn trẻ trong nhóm cho biết: “Chắc tới nửa đêm mới về”. Hồng Nhựt (sinh viên Đại học Sài Gòn) giải thích: “Trước đây, khi nói đến đi qua đêm là người ta thường nghĩ đến những chuyện không lành mạnh như la cà nhậu nhẹt, nhảy nhót, đua xe… Nhưng trong thời gian gần đây, việc qua đêm đá bóng lại mang ý nghĩa rất tích cực”.

Hầu như đêm nào tại sân bóng Thành Thái (quận 10), nhiều tốp thanh niên đá đến 3 giờ sáng mới về. Theo nhiều bạn trẻ, đá bóng ban đêm cũng khá thú vị, được đổ mồ hôi, la hét với bạn bè như bỏ lại tất cả mệt mỏi sau lưng.

Giải thích lý do đến sân khá muộn của mình, anh Lâm, buôn bán ở chợ Tân Định nói: “Tôi làm nghề buôn bán, quần quật từ sáng đến 7 giờ tối mới dọn hàng. Lúc trước, sau một ngày buôn bán mệt mỏi là thư giãn bằng nhậu nhẹt, nay tôi rủ nhóm bạn đi đá bóng khuya. Dọn hàng xong, ăn nhẹ, nghỉ ngơi đến 21 giờ 30 rồi đi đá bóng đến nửa đêm. Cứ một tuần ba buổi như thế, sau ba tháng, tôi thấy sức khỏe mình tốt hơn hẳn”.

Với những tiện ích và sức hấp dẫn bóng đá ban đêm, thời gian gần đây mô hình sân cỏ nhân tạo đang nở rộ khắp TP, ở đâu cũng thu hút đông đảo người chơi. Thanh Bình, một bạn trẻ tham gia đá bóng ở Nhà thiếu nhi TPHCM giải thích: “Chơi đêm thuận tiện về giờ giấc và chi phí cũng rẻ. Mỗi lần đến sân, chúng tôi góp lại mỗi người 25.000 đồng là có cả sân lẫn trà đá để giải khát”.

Cung không đủ cầu

Để đầu tư một sân quần vợt hay một sân cỏ nhân tạo ít nhất cũng phải tốn kém khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, với công suất hoạt động một ngày trung bình từ 8g đến 10g, mức thu phí từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/giờ, theo tính toán chỉ mất hơn 1 năm là có thể thu hồi vốn. Chính vì lý do này mà thời gian qua tại TPHCM, đã có rất nhiều chủ đầu tư thuê đất làm sân quần vợt và sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo. Theo thống kê, hiện nay ở TPHCM có không dưới 250 sân thể thao loại nhỏ phục vụ người dân.

Bên cạnh việc tư nhân đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thể thao ở cơ sở, thời gian gần đây, một số cơ sở do nhà nước quản lý như Công viên Lê Thị Riêng (quận 10), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) CLB TDTT Phan Đình Phùng… cũng đã trang bị thêm thiết bị tập luyện phục vụ miễn phí để đáp ứng như cầu rèn luyện sức khỏe của người dân.

Mới đây nhất là CLB Phan Đình Phùng đã trang bị hàng chục thiết bị tập luyện đặt trong khuôn viên nhằm bổ trợ việc rèn luyện cơ tay, cơ bụng, cơ vai, cơ lưng, đạp xe, lắc hông, tập cơ đùi trước - sau, cổ tay hoặc vận động toàn thân với tổng trị giá không dưới 300 triệu đồng.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.