Bỏ hay duy trì điểm thưởng thi ĐH-CĐ?

24/10/2005 21:51 GMT+7

Các diễn đàn xoay quanh việc "Nên giữ hay bỏ việc cộng điểm thưởng" được rất nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh tham gia bày tỏ quan điểm của mình.

Người ủng hộ việc duy trì điểm thưởng cho rằng: để có được từ 1 đến 2 điểm thưởng khi thi ĐH-CĐ là một nỗ lực rất lớn của học sinh trong suốt quá trình học tập lâu dài, thể hiện đặc biệt ở năm học lớp 12; trường ĐH là nơi đào tạo nhân tài của đất nước thì cần "ươm mầm" cho những tài năng mới ló dạng từ bậc phổ thông mà những tiêu chuẩn đang áp dụng là hợp lý vì tránh được việc học lệch... Cũng có ý kiến cho rằng chỉ cộng 2 điểm cho các học sinh giỏi từ lớp 6 đến lớp 12 kèm theo điều kiện phải có điểm thi 3 môn ĐH-CĐ bình quân từ 8 trở lên, cộng 1 điểm cho các học sinh giỏi năm lớp 12 kèm điều kiện phải có điểm thi 3 môn ĐH-CĐ bình quân từ 7 trở lên.

Mức điểm thưởng hiện hành

Thưởng 2 điểm: Giải nhất trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi nếu tốt nghiệp từ loại khá trở lên. Tốt nghiệp THPT loại giỏi có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đạt 9,0 trở lên (không tính điểm khuyến khích).

Thưởng 1,5 điểm: Giải nhì trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi nếu tốt nghiệp từ loại khá trở lên. Tốt nghiệp THPT loại giỏi có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đạt từ 8,5 đến cận 9,0 (không tính điểm khuyến khích).

Thưởng 1 điểm: Giải ba trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi nếu tốt nghiệp từ loại khá trở lên. Tốt nghiệp THPT loại giỏi có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đạt từ 8,0 đến cận 8,5 (không tính điểm khuyến khích).

Thưởng 0,5 điểm cho các đối tượng: Giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi nếu tốt nghiệp từ loại khá trở lên.

Những thí sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi chỉ được cộng thêm điểm thưởng vào điểm bài thi của môn thi ĐH-CĐ trùng với môn đã đoạt giải và trong trường hợp đoạt nhiều giải cũng chỉ được thưởng một tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất. Chế độ cộng điểm thưởng cho học sinh đã tốt nghiệp THPT loại giỏi và cho học sinh đoạt giải quốc gia chỉ áp dụng một lần đúng vào năm học sinh tốt nghiệp THPT và chỉ được hưởng chế độ cộng điểm thưởng cao nhất nếu thuộc diện được hưởng nhiều chế độ điểm thưởng.

(Trích "Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy")

Thế nhưng, đa số ý kiến ủng hộ việc bỏ cộng điểm thưởng này với nhiều lý do như: tạo kẽ hở cho một số giáo viên làm sai lệch kết quả thực học của học sinh, một số phụ huynh phải tìm mọi cách để "chạy điểm", nhiều địa phương không quản lý được việc xếp loại học sinh và coi thi tốt nghiệp THPT quá dễ dãi... Mặc dù đề thi ĐH-CĐ được nhận định là khá dễ so với các năm trước nhưng thống kê sơ bộ của 100 trường ĐH-CĐ trong kỳ tuyển sinh năm 2005 đã phát hiện gần 1.300 thí sinh được cộng điểm thưởng có tổng điểm bài thi 3 môn dưới 15 điểm. Phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Ngô Kim Khôi cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng xóa quy định cộng điểm thưởng sẽ góp phần hạn chế những tiêu cực trong thi cử, đánh giá ở bậc học phổ thông.

Tuy vậy, theo dõi kỹ sự việc trên, nhiều người cũng cảm thấy còn đôi điều băn khoăn. Đầu tiên chính là sự việc cụ thể ở Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) cần được xác minh và trả lời sớm trước công luận. Nếu cô giáo sai trái, cần có kỷ luật thích đáng. Có hay không việc cô giáo Hoan nhận quà Tết lên đến vài chục triệu đồng của gia đình các bạn học sinh giàu? Có hay không việc cô giáo Hoan "đã lập một danh sách những bạn nào mà bố mẹ đã chạy nhờ cô giúp. Sau đó cô gửi cho 11 thầy cô bộ môn nhờ thêm điểm"?

Trong một lần tiếp xúc với báo giới tại TP.HCM, khi các phóng viên đặt vấn đề có một số trường ĐH dân lập tuyển nguyện vọng 2 không đúng quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ (chưa hết hạn nộp đơn đã công bố trúng tuyển và buộc nộp đủ học phí, cấp giấy trúng tuyển), một lãnh đạo Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT) đã cho biết sẽ tổ chức thanh tra trong tháng 10 và 11. Đợt thanh tra đó, nếu có làm thì chắc tác dụng không cao vì lúc đó các trường đã hoàn tất việc tuyển sinh, mỗi thí sinh đã tìm cho mình một con đường phù hợp rồi. Trở lại vụ việc được nêu ra trong bài này, làm sao hết băn khoăn khi đến giờ này mà những "dữ liệu" H. đưa ra trong thư chưa được xác định có thật hay không. Tại sao các bộ phận thanh tra của ngành giáo dục lại vào cuộc chậm trễ đến vậy? Việc các giáo viên dạy lớp 12 "chạy điểm" cho học sinh của mình có phải là hiện tượng phổ biến trong toàn quốc không? Tất cả những câu hỏi như vậy cần được Bộ GD-ĐT trả lời thỏa đáng.

Nhựt Quang

Ý kiến bạn đọc

Sau khi có các thông tin về chuyện Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu việc bỏ điểm thưởng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc là giáo viên, phụ huynh và học sinh ở cả hai chiều trái ngược nhau. Bạn đọc cũng có thể tham gia thăm dò về vấn đề này trên Thanhnien Online.

Có nên cứng nhắc đến thế không?

Em cảm thấy bất ngờ vì một quy chế được bộ thông qua từ năm 1994, đó là cộng điểm thưởng, nay lại chuẩn bị bỏ. Quyết định này xuất phát từ lá thư do một bạn nữ sinh của một trường THPT ở TP Vinh (Nghệ An) gửi đến Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bành Tiến Long. Đọc lá thư của bạn, em đồng ý là có nhiều tiêu cực xảy ra khi cộng điểm thưởng nhưng trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về các giáo viên đã cho điểm khống. Còn về phía lãnh đạo trường, lãnh đạo Sở thì sao?

Em thật khâm phục bạn ấy về những suy nghĩ tốt trong bức thư gửi đến thứ trưởng nhưng liệu Bộ có nên cứng nhắc bỏ điểm thưởng như thế không? Bộ có chắc rằng sau khi bỏ quy chế này thì sẽ tránh được tình trạng tiêu cực?

Nguyễn Hoàng n - 12/2B Ngô Quyền, TP Long Xuyên, An Giang

Tôi ủng hộ việc duy trì điểm thưởng

Đọc bài viết Bỏ điểm thưởng từ kỳ thi đại học - cao đẳng 2006? của nhà báo Vũ Thơ, tôi thấy rất đau lòng về những con số thống kê đã nêu. Nhưng tôi lại ủng hộ Bộ GD-ĐT về chính sách cộng điểm thưởng cho các em học sinh đạt kết quả học tập xếp loại giỏi trong trường phổ thông bởi điều này thực sự kích thích các em học tập chăm chỉ hơn và đều hơn; đảm bảo tính kế thừa và kết nối giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; tránh việc học tủ, học lệch của học sinh.

Theo quan điểm của nhà báo Vũ Thơ, nếu chúng ta bỏ điểm thưởng cho các học sinh giỏi thì điều này sẽ gây hiệu ứng nghịch bởi sẽ gây tâm lý chán nản cho các em và các em chỉ còn tập trung vào những môn thi ĐH mà thôi (đây mới là đích đến thật sự của các em). Vì vậy, theo tôi những lập luận của nhiều người là cách ra đề thi đại học hiện bám sát chương trình phổ thông, không đánh đố, không lắt léo. Vì vậy, nếu học sinh thực sự có kết quả học tập giỏi thì đương nhiên sẽ trúng tuyển mà không cần cộng điểm là không hợp lý bởi:

Thứ nhất, trong kỳ thi ĐH - CĐ năm 2005, chúng ta có rất nhiều các em học sinh đạt số điểm rất cao (trên 8 điểm mỗi môn, nghĩa là đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi) nhưng vẫn chưa đạt đủ số điểm để có một vị trí ngồi học trong các trường như ĐH Y khoa Hà Nội hay ĐH Y khoa TP.HCM... Trong những trường hợp như thế này thì điểm cộng cho các em là thật sự xứng đáng và ý nghĩa.

Thứ hai, nếu bỏ được quy định cộng điểm thưởng, chúng ta có thực sự xóa bỏ được những phát sinh tiêu cực, áp lực về bệnh thành tích, áp lực thi cử ở bậc phổ thông hay không? Bỏ điểm thưởng chứng tỏ sự bất lực của chúng ta trong công tác quản lý, bởi những phát sinh tiêu cực này xuất phát từ những giáo viên biến chất, vì lợi ích vật chất cá nhân mà chấp nhận nối tay cho tiêu cực. Ngay trong ngành giáo dục còn xảy ra những điều như vậy thì các ngành khác chúng ta làm sao xóa bỏ?

Phạm Văn Nghĩa - 208 Hùng Vương, TP Quảng Ngãi

Với học sinh giỏi, điểm thưởng cần thiết

Một phần nhỏ các bậc phụ huynh và thầy cô đang làm mất đi tính tự lập của con em mình bằng cách tiêu cực để con em mình được cộng điểm thưởng mà không biết con em mình lực học như thế nào. Hậu quả là mặc dù có được 2 điểm thưởng trong kỳ thi ĐH-CĐ nhưng kết quả điểm tổng các môn thi ĐH-CĐ chỉ ở dưới mức trung bình hoặc được cộng thêm số điểm đủ để vào các trường ĐH-CĐ mà các em khác cũng với số điểm như vậy lại ngậm ngùi nhìn bạn vào cổng trường ĐH mà mình lại phải ở nhà, khiến cho sự cạnh tranh trong học tập không lành mạnh. Những tiêu cực đó đã làm cho xã hội thêm không công bằng. Ý kiến riêng của tôi đóng góp vào ý kiến chung của dư luận là nên xóa bỏ chế độ điểm thưởng. Nhưng xóa bỏ hoàn toàn thì thiệt thòi cho những em thi đoạt giải quốc gia, quốc tế, vì vậy vẫn nên khuyến khích các em diện này.

Theo ý kiến riêng của tôi, nếu như một học sinh thực sự giỏi thì việc thi cử tranh tài trong các cuộc thi ĐH-CĐ với các thí sinh trung bình - khá, điểm thưởng trở nên không cần thiết nữa, nên việc bỏ điểm thưởng cũng là hợp lý.

Nguyễn Tiến Hải

Hãy bỏ việc cộng điểm thưởng

Quan niệm điểm thưởng là để khuyến khích học sinh học toàn diện hay vì bất kỳ một lý do nào cũng chỉ là tư duy bao cấp, duy ý chí. Điểm thi là thước đo trí tuệ, kiến thức, năng lực và bản lĩnh của một người nào đó. Vì vậy, nếu đem cho ai đó sẽ là việc làm phản khoa học.

Nguyễn Văn Bạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.