Liên quan đến tổ chức khủng bố Việt Tân: Tiếng nói của người từng trong cuộc

01/12/2007 09:24 GMT+7

Từ trại giam sắp mãn hạn tù, Đào Bá Kế, một kẻ đã tham gia tổ chức khủng bố mang tên Việt Tân thấm thía nhắn nhủ: Không có lý do gì để cản trở con đường đi lên của đất nước. Những kẻ rắp tâm chống phá Nhà nước nhất định sẽ thất bại.

Đào Bá Kế, tức Trần Quang Đô, một phạm nhân đang thụ án tại trại giam V26 (Bộ Công an) vì tội phản bội Tổ quốc. Sinh năm 1952 tại Cần Thơ, nguyên là thiếu úy dưới chế độ ngụy Sài Gòn, sau giải phóng, Đào Bá Kế được đưa đi cải tạo, nhưng vẫn không chịu hoàn lương. Tháng 3.1983, Đào Bá Kế vượt biên sang Thái Lan, ở trại Xi-khưu. Tháng 6.1984, Đào Bá Kế tự nguyện tham gia Việt Tân, được nhồi nhét mớ lý luận chính trị sặc mùi phản động và huấn luyện quân sự. Nhờ có lý lịch “sạch" và cái bằng tú tài, Đào Bá Kế nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của Hoàng Cơ Minh (đã bị tiêu diệt ngày 28.8.1987 trong lần xâm nhập về Việt Nam, được bổ nhiệm làm Quyết đoàn trưởng trực tiếp bồi dưỡng chính trị, huấn luyện quân sự cho đám quân ô hợp thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân.

Đào Bá Kế là người đã từng ra lệnh hành quyết những thuộc hạ cả gan đào tẩu khi còn ở “căn cứ kháng chiến” tại vùng rừng núi U-đon (Thái Lan). Hắn từng chỉ huy chiến dịch “Đông Tiến 3” của cái gọi là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” – tức Việt Tân tổ chức vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhằm xâm nhập các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai - Kon Tum xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng xuống đồng bằng sông Cửu Long, tiến hành hoạt động khủng bố, cướp chính quyền. Khi âm mưu bại lộ và bị bắt cuối tháng 8.1989 trên đường xâm nhập Việt Nam qua Lào, hắn đã phải trả giá bằng án tù chung thân (tuyên ngày 13.10.1990).

Theo Thượng tá Trịnh Thường Xuyên, Phó Giám thị trại giam Nam Hà: Khi mới về trại, phạm nhân Đào Bá Kế vẫn chưa nhận thức rõ tội lỗi, cải tạo thường xuyên xếp loại trung bình kém. Qua một quá trình giáo dục, học tập về chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; với sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cán bộ quản giáo, đặc biệt là tác động của những thông tin về đất nước đổi mới, phát triển, phạm nhân Đào Bá Kế đã chuyển biến tích cực, nhiều năm liền xếp loại cải tạo khá, do đó được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm.

Nhớ về quãng thời gian ở rừng, chịu cảnh thiếu thốn, Đào Bá Kế chợt như sôi lên. Hắn cho rằng mình đã nhẹ dạ và bị lợi dụng làm công cụ tay sai cho quan thầy. Đào Bá Kế cho biết: Trong khi hắn và thuộc hạ ém sâu trong rừng rú, ngày đêm thục luyện các tư thế bắn đạn thật, ném lựu đạn, cách sử dụng thuốc nổ và học việc tiến hành bắt cóc những nhân vật quan trọng trong chính quyền Việt Nam, chuẩn bị cho “ngày về” thì có kẻ nhân danh “quốc gia” như Phạm Văn Liễu, Nguyễn Kim lại an nhàn nơi phồn hoa đô hội “buôn bán kháng chiến”, lu bù đánh chén chiếc “bánh tài chính”. “Tôi rất bức xúc khi biết mình cầm súng để một số người hưởng lợi, nhưng cũng đành phải cam chịu”, Đào Bá Kế bày tỏ.

Chỉ còn khoảng 2 năm nữa là Đào Bá Kế được xum họp cùng gia đình. “Tôi đang mong đợi ngày đó. Tôi biết qua những lá thư, chị tôi (bà Đào Thị Nguyệt Ánh, 67 tuổi, ở Ninh Kiều, An Hội, Cần Thơ) cũng muốn tôi nỗ lực cải tạo để sớm trở về - Đào Bá Kế tâm sự - Nhưng có lẽ tôi chẳng thể có mặt trên cõi đời này nữa nếu năm 2005 trong cơn đau ruột thừa không được nhân viên y tế trại giam Nam Hà cấp cứu kịp thời và các bác sỹ bệnh viện Phủ Lý chăm sóc tận tình”. Như để tiếp tục mạch suy nghĩ, Đào Bá Kế cho biết thêm: Được cán bộ phân tích, được đọc báo, được xem ti vi, được thấy sự đi lên của đất nước, y đã thấy việc mình làm trước kia là sai trái. “Vì thấy mình sai, tôi đã cúi đầu cải tạo”... Đào Bá Kế cũng hứa khi được trở về với cuộc sống thường nhật nếu có ai đó rủ rê sẽ kiên quyết từ chối và nói với họ rằng hãy chấm dứt các hoạt động chống phá Nhà nước.

Những trải nghiệm già nửa cuộc đời với bao thăng trầm, biến cố đã khiến người đàn ông này trở nên điềm tĩnh và dường như, mỗi lời nói đều được cân nhắc rất kỹ, từng từ, rành rọt, chậm rãi và chắc chắn. Tuy nhiên, trong khi những người đã từng tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân như Đào Bá Kế quyết tâm hối cải để hoàn lương thì vẫn có kẻ “ngựa quen đường cũ”, điên cuồng chống phá Nhà nước Việt Nam. Không chỉ tuyên truyền vu cáo chống Nhà nước, móc nối xây dựng “ngọn cờ” trong nước, Việt Tân còn tìm cách đưa “hàng nóng” vào Việt Nam nhằm khủng bố, phá rối an ninh, gây mất ổn định chính trị. Từ giữa tháng 11.2007, một số đối tượng của Việt Tân, trong đó có 3 đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam, 2 đối tượng ở trong nước đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ để điều tra về tội “khủng bố” theo Điều 84 Bộ Luật Hình sự.

Không pháp luật nước nào dung tha cho những kẻ khủng bố. Nhưng Nhà nước ta cũng sẵn sàng khoan dung, độ lượng đối những người biết nhận ra lầm lỗi, quyết tâm hối cải để hoàn lương như Đào Bá Kế.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.