Đừng mặc cảm với lỗi lầm

18/04/2014 03:00 GMT+7

Qua loạt bài Làm lại cuộc đời trên Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Phi Long (ảnh), Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam, cho biết T.Ư Hội đánh giá cao việc báo đã xây dựng loạt bài về những nhân vật từng vi phạm pháp luật, chịu án tù, đối mặt tình huống éo le, nhờ có ý chí hướng thiện, không những quyết tâm làm lại cuộc đời mà còn có nghề nghiệp vững vàng giúp đỡ nhiều người khác.

Qua loạt bài Làm lại cuộc đời trên Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Phi Long (ảnh), Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam, cho biết T.Ư Hội đánh giá cao việc báo đã xây dựng loạt bài về những nhân vật từng vi phạm pháp luật, chịu án tù, đối mặt tình huống éo le, nhờ có ý chí hướng thiện, không những quyết tâm làm lại cuộc đời mà còn có nghề nghiệp vững vàng giúp đỡ nhiều người khác.

>> Làm lại cuộc đời: Từ con nghiện thành chủ trang trại
>> Làm lại cuộc đời: Lấy lại niềm tin
>> Làm lại cuộc đời: Bỏ cướp giật thành dân phòng

Anh Long chia sẻ: Khi quá khứ có lầm lỡ, người trẻ thường tự ti, mặc cảm, nếu như không có chia sẻ từ cộng đồng, gần nhất là những người xung quanh sẽ dễ tái phạm. Chính vì thế, việc cộng đồng có góc nhìn thiện cảm, mở lòng và khích lệ người từng mắc sai lầm, xóa đi dư luận không tốt, là việc làm nhân ái, cảm thông, hỗ trợ bạn trẻ trên hành trình hoàn lương, hướng thiện.

Đối với các bạn trẻ đã từng mắc sai lầm đừng để quá khứ đè bẹp ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Thành công của những người có một thời lầm lỡ luôn là sự chứng minh ý nghĩa nhất, tiếp thêm nghị lực vươn lên cho mỗi thanh niên (TN) trước những hoàn cảnh khó khăn.

T.Ư Hội đang có những chương trình nào hỗ trợ, giúp đỡ bạn trẻ đứng lên làm lại cuộc đời sau khi sa vào các tệ nạn xã hội, chịu hình phạt của pháp luật, thưa anh?

Hỗ trợ TN yếu thế, từng vi phạm pháp luật hoàn lương có cơ hội phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hiện tại, Hội và Tổng cục Cảnh sát hỗ trợ thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) đang triển khai chương trình phối hợp công tác. Chương trình này sẽ liên hệ chặt chẽ với các trại giam, trung tâm cai nghiện ma túy để tổ chức tư vấn nghề nghiệp việc làm, định hướng học nghề sau thời gian cai nghiện, thi hành án, giúp bạn trẻ từng lầm lỡ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Làm lại cuộc đời nd 

Trong thời gian qua, chương trình giao lưu Thắp sáng ước mơ hoàn lương tổ chức qua nhiều trại giam, Hội LHTN ở các địa phương đã có nhiều sáng kiến, mô hình giải quyết việc làm, hỗ trợ cho TN hoàn lương. Điển hình tại TP.HCM có mô hình Bánh xe khởi nghiệp; Đà Nẵng tập hợp TN chậm tiến đưa vào giao lưu với phạm nhân, sau đó hỗ trợ kinh phí giúp họ học nghề; các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai,  phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ cam kết tuyển dụng phạm nhân sau thời gian thi hành án, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy.

Tỏa sáng Nghị lực Việt là chương trình gần đây nhất mà T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Báo Thanh Niên và Đài truyền hình Việt Nam triển khai với thông điệp: Sống trung thực, Sống nghị lực và Sống trách nhiệm đã định hướng thanh niên đến những giá trị tốt đẹp. Trên tinh thần đó, những bạn trẻ từng sai lầm phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật nhưng có ý chí hướng thiện, phấn đấu thành đạt, trưởng thành và biết sống có trách nhiệm với xã hội cũng rất xứng đáng được tuyên dương, khích lệ.

Ở nhiều chương trình giao lưu, định hướng lối sống cho TN thường chọn người có uy tín, địa vị và thành danh trong xã hội. Còn với người có quá khứ không đẹp giờ đã quay đầu hướng thiện, liệu có cơ hội tham gia không?

Chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương dù ở trại giam hay trên các địa bàn dân cư, nhân vật lựa chọn giao lưu chia sẻ với TN là người có nhiều tiền án, thậm chí từng là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của cộng đồng trong quá khứ nhưng hiện tại họ đã trở thành người tốt, có đóng góp nhiều trong hoạt động an sinh xã hội. Chia sẻ của những người một thời lầm lỡ ngoài tác dụng khích lệ người đang cùng cảnh ngộ thêm tự tin, cũng là phương pháp cảnh báo, thức tỉnh thanh thiếu niên giữ mình vững vàng trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng, những nhân vật mà Báo Thanh Niên nêu trong loạt bài Làm lại cuộc đời là chỉ dẫn đáng quý. Thành công của họ được cộng đồng ủng hộ và ghi nhận. T.Ư Hội LHTN Việt Nam sẽ tập hợp các nhân vật này, xem xét mời họ chia sẻ, giao lưu với TN trong các chương trình phù hợp. Bằng cách này, Hội mong muốn thu hút sự đồng cảm của xã hội, giúp TN từng vi phạm pháp luật hoàn lương có môi trường hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, sau lễ tuyên dương động viên, Hội vẫn chưa làm được nhiều việc cụ thể hỗ trợ TN hoàn lương?

Qua thực tế, công tác tổ chức hỗ trợ TN hết thời gian thi hành án được ưu tiên vay vốn đầu tư khởi nghiệp, phát triển sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do họ không đủ điều kiện như quy định trong cơ chế, chính sách. Có người dù đã học nghề trong thời gian thi hành án nhưng khi trở lại xã hội thì rơi vào hoàn cảnh trắng tay, không có tài sản thế chấp, người bảo lãnh khó thể tiếp cận các chương trình tín dụng vay vốn do Đoàn, Hội được giao quản lý. Hiện nay, trên các diễn đàn tiếp nhận ý kiến chuẩn bị nội dung cho Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7 thì nghề nghiệp, việc làm và vốn vay khởi nghiệp vẫn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Theo đó, ngoài đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục vay vốn, tham mưu để có thêm chính sách hỗ trợ hoàn lương, Hội LHTN các cấp đang ưu tiên cho việc tư vấn hướng nghiệp, liên kết TN hoàn lương, yếu thế thành đội, nhóm xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng các điều kiện vay vốn. Dựa trên kinh nghiệm thành công ở nhiều địa phương, T.Ư Hội LHTN Việt Nam nghiên cứu nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với trại giam trong tổ chức tư vấn nghề nghiệp, tuyển dụng lao động sau thời gian thi hành án.

Ý kiến:

Đối xử bằng lòng tha thứ

Đứng ở góc độ pháp luật, lẽ ra chúng ta nên nhìn nhận những người từng lầm đường lỡ bước sa vào lao tù theo cách bình thường là họ đã trả nợ xong rồi và họ đáng được đối xử như một công dân bình thường.

Còn ở góc độ nhân đạo, họ là những người gặp rất nhiều khó khăn (về việc làm, tái hòa nhập cộng đồng...) nên xã hội cần tạo mọi điều kiện hỗ trợ họ, đối xử và nâng đỡ với tấm lòng tha thứ, để họ phục thiện và hòa nhập tốt hơn.

Những điều này sẽ có tác động tích cực không chỉ với những người từng phạm pháp mà còn với cộng đồng. Bởi lẽ, nó góp phần tạo bầu không khí thân thiện, an toàn hơn cho những người xung quanh.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp
(Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Cảm hóa và giới thiệu việc làm

Những thanh niên hoàn lương có thể tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM hoặc tổ chức Đoàn - Hội ở phường/xã/thị trấn nơi mình cư ngụ để nhận sự hỗ trợ. Tại những nơi này, các bạn sẽ được tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giới thiệu các nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hoặc từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Ngoài ra, cứ 2 năm 1 lần, Thành đoàn và Hội LHTN TP.HCM tổ chức tuyên dương thanh niên tiến bộ...

Theo một cán bộ Thành đoàn TP.HCM

Như Lịch
(ghi)

Phan Hậu

>> Vượt qua mặc cảm lỗi lầm
>> Vượt qua mặc cảm giới tính
>> Suýt vô sinh vì mặc cảm
>> Sống, là đừng mặc cảm
>> Trượt dài vì mặc cảm
>> Khi mặc cảm lùi xa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.