Hòa bình trên sân chơi

24/11/2008 10:06 GMT+7

Một số nhà giáo dục xem hoạt động thể thao ở nhà trường là nhịp cầu nối giữa người gốc Ả Rập và Do Thái. Một em học sinh gốc Do Thái nhận định: “Bắt đầu bằng chuyện nhỏ nhưng điều đó có thể thay đổi thế giới”.

Azeza Shiquart, một nữ sinh gốc Ả Rập 15 tuổi, bày tỏ cảm tưởng trước khi bước vào trận đấu bóng rổ với đội nữ sinh gốc Do Thái: “Em không sợ nhưng em chỉ thấy căng thẳng, em muốn cho các bạn gái người Do Thái biết rằng chúng ta đang có hòa bình”. Azeza sống tại làng Jabal Mukaber, Đông Jerusalem. Theo hãng tin Reuters, trận đấu này nằm trong khuôn khổ sinh hoạt của Trường Tay Trong Tay – một trong số ít trường học công lập tại Jerusalem có học sinh gốc Ả Rập và Do Thái học chung. Tay Trong Tay tạo cơ hội cho các học sinh từ 10 – 16 tuổi cố gắng bắt nhịp cầu ngăn cách về chính trị và tôn giáo giữa hai cộng đồng. Tổ chức Vận động viên Hòa bình Quốc tế (PPI) điều hành hoạt động này, đã từng hướng dẫn các chương trình thể thao trong giới trẻ vì mục đích hòa bình tại Bắc Ireland và Nam Phi.

Sau khoảng một giờ thi đấu, những thiếu nữ gốc Ả Rập từ phía Đông và gốc Do Thái từ phía Tây Jerusalem chẳng những nói cười mà còn ôm chặt lấy nhau nhảy múa. Tuy mới 14 tuổi nhưng cô bé gốc Do Thái Tamar Ranel ở Tây Jerusalem nhận định sắc sảo: “Bắt đầu bằng chuyện nhỏ. Nhưng điều đó có thể thay đổi thế giới”. Tạo một sân chơi chung như vậy là nỗ lực lớn và táo bạo trong bối cảnh thù hằn vẫn còn đọng lại dai dẳng trong lòng người dân hai bên.

Trong đội của Azeza có nhiều bạn chơi thể thao lần đầu, vẫn đội khăn trùm đầu và mặc trang phục dài, trong khi đội của các bạn gái Israel mặc quần soóc và áo thun ngắn gọn. Theo bà Karen Doubilet thuộc PPI, sự khác biệt này không giống như cuộc tiếp xúc giữa một học sinh Israel nay đã nhập ngũ và thanh niên Palestine đi qua các trạm kiểm soát của Israel. Bà muốn ám chỉ việc Israel viện cớ an ninh, phong tỏa đường sá, trong khi người Palestine xem điều đó là sự tủi hổ từng ngày.

PPI hy vọng rằng các chương trình thể thao dài hạn này có ảnh hưởng lâu dài hơn so với các hoạt động khác vốn đã cho thấy hiệu quả nhưng chỉ nhất thời. Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Hòa bình thuộc Đại học Haifa đã từng tổ chức những diễn đàn thảo luận về hòa bình và thấy ngay kết quả thể hiện sự ôn hòa vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, những kết quả này lại biến mất hai tháng sau đó. Tổ chức Trẻ em Hòa bình Israel (PCI) cũng đã đề xướng chương trình khuyến khích học sinh Ả Rập và Do Thái viết và trình diễn kịch bản song ngữ Hebrew và Ả Rập, căn cứ trên kinh nghiệm thực tế sống động của chính các em. PCI cũng nhận thấy tình trạng bạo động xuống thang nhanh chóng sau các bài tập nối nhịp cầu này.

Thầy Ala Khatib, người gốc Ả Rập, đồng hiệu trưởng Trường Tay Trong Tay, nói rằng sự cùng học giữa hai cộng đồng học sinh trong trường là một bài học mà 460 học sinh không thể không nhận thức được. Thầy Khatib khuyên bảo: “Cho dù điều gì xảy ra bên ngoài – bom dội trên Dải Gaza hay đánh bom tự sát tại Tel Aviv – các em vẫn cứ đến trường. Các em đối diện với một thực tế khác, trong đó mọi người vẫn chào hỏi và trò chuyện cùng nhau”.

Theo Trúc Lâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.