9 trường đại học sẽ đào tạo chương trình nước ngoài

04/12/2005 22:22 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long vừa ký quyết định cho phép 9 trường ĐH trọng điểm cả nước được thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến (CTTT) của nước ngoài, bắt đầu thực hiện từ đầu năm học 2006-2007.

Theo quyết định trên, chỉ có Trường ĐH bách khoa Hà Nội được phép đào tạo 2 ngành; các trường ĐH kinh tế quốc dân, ĐH khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ, ĐH nông nghiệp 1 mỗi trường được đào tạo 1 ngành. Các khối ngành được thí điểm đào tạo là: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ và Quản lý kinh tế.

Theo hướng dẫn tạm thời về triển khai thí điểm chương trình này, có 4 tiêu chuẩn về giảng viên của trường thực hiện CTTT phải đạåt được là: đủ số lượng có năng lực và trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ để tham gia giảng dạy; có ít nhất 30% giảng viên trẻ (dưới 40 tuổi) được đào tạo ở nước ngoài (ưu tiên khối tiếng Anh) trong tổng số giảng viên tham gia giảng dạy; 100% giảng viên có khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại, nếu giảng dạy bằng tiếng nước ngoài thì phải đủ lực lượng giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên chọn chương trình có giảng viên là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy.

Các ngành sẽ triển khai đào tạo

ĐH bách khoa Hà Nội: ngành Cơ điện tử và Khoa học vật liệu; ĐH kinh tế quốc dân: Tài chính - Ngân hàng; ĐH Cần Thơ: Công nghệ sinh học; ĐH Đà Nẵng: Điện tử - Viễn thông; ĐH khoa học tự nhiên (ĐH QG Hà Nội): Hóa học; ĐH Huế: Vật lý; ĐH nông nghiệp 1: Bảo vệ thực vật; ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM: Công nghệ thông tin; ĐH bách khoa TP.HCM: Hệ thống năng lượng.

Trao đổi với PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, nơi được giao nhiệm vụ đào tạo ngành trọng điểm Công nghệ thông tin (CNTT), ông khẳng định: "So với các tiêu chí của Bộ GD-ĐT đề ra về đội ngũ giảng viên, đến nay trường chúng tôi đã có sự chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng thực hiện chương trình. Trường đã ký biên bản liên kết đào tạo ngành CNTT với Texas State University vào cuối năm 2004 để đào tạo chương trình cử nhân (2 năm tại VN, 2 năm tại Mỹ), chương trình cao học (1 năm tại VN, 1 năm tại Mỹ). Các trường ĐH có uy tín khác trên thế giới như Trường ĐH Aukland (New Zealand) và New South Wales (Úc) cũng đã liên kết với trường”. Trong năm học 2006-2007, trường dự kiến đào tạo 1 lớp (khoảng 30 sinh viên) học khoa CNTT theo chương trình này, chọn thông qua kỳ tuyển sinh quốc gia. Những sinh viên đạt điểm cao và tự nguyện tham gia được quyền xin xét tuyển để theo học.

Do chi phí cho việc đào tạo này theo đúng tiêu chuẩn quốc tế nên mức đóng học phí có cao hơn sinh viên học các lớp bình thường. Tuy vậy, nhà trường sẽ áp dụng "phương pháp tính ngược" để sinh viên không phải đóng học phí quá cao. Đó là cách nhà trường sẽ lên phương án kinh phí đào tạo cần thiết rồi trừ đi các khoản được hỗ trợ (từ Nhà nước, các tổ chức tài trợ), sau đó mới tính mức học phí để sinh viên đóng góp.

Ngay hôm nay 5.12, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng ĐH và sau ĐH sẽ vào các trường phía Nam làm việc để triển khai cụ thể các nhiệm vụ cho các trường thực hiện chương trình.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.