Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Kỳ cuối: Tình đầu “lưu luyến chân mây”

26/11/2008 22:34 GMT+7

Ít người biết đến mối tình đầu của Thanh Nga, mà dấu ấn của nó được ghi lại trong bài thơ do chính bà sáng tác.

Năm 1960, cô đào trẻ Thanh Nga - vừa đoạt giải Thanh Tâm triển vọng cách đó 2 năm - lớn phổng lên. Báo chí lúc bấy giờ không tiếc lời khen bà khi viết, từ khi nữ nghệ sĩ Năm Phỉ qua đời đến nay sân khấu cải lương mới xuất hiện một diễn viên vừa hát hay, diễn tốt, vừa đẹp về sắc vóc như vậy. Lúc này cũng vừa chớm tuổi yêu, Thanh Nga đã trao gửi tấm lòng mình cho ai?

Những câu chuyện kể lại cho thấy khi ấy Thanh Nga có để ý soạn giả trẻ Hà Triều. Nhưng giữa họ cũng chỉ là những tình cảm thoáng qua của một cô gái trẻ mới lớn với chàng trai đã sáng tác nên những câu thơ hay, lời hát đẹp. Trò chuyện với bà Lư Ánh Mai – em gái thứ 9 của Thanh Nga - chúng tôi có nghe loáng thoáng chuyện hẹn hò của Thanh Nga với một người tên gọi là Tài. Trong quá trình tra cứu tư liệu, chúng tôi tìm gặp bài viết Mối tình đầu của cố nghệ sĩ Thanh Nga của tác giả Trương Võ Anh Giang đăng trên tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy ngày 8.4.2000, công bố mối tình đầu của Thanh Nga với ông Nguyễn Văn Tài – một liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi trao đổi với bà Lư Ánh Mai và bà Thanh Lệ (chị dâu Thanh Nga) thì họ đều xác nhận ông Nguyễn Văn Tài chính là mối tình đầu của Thanh Nga.

Trong bài viết, tác giả Trương Võ Anh Giang thuật lại chuyện tình này, được chính Thanh Nga kể với soạn giả Mai Quân: “Năm ấy, đến với Nga là một chàng trai rất mực hào hoa vừa du học ở Pháp về, chủ bút tờ báo Thương mãi. Nhưng Nga yêu anh chính vì tư cách, vốn tri thức và nhất là lòng yêu nước nhiệt thành của anh. Qua dọ hỏi thì Nga mới biết anh là người của cách mạng. Hai đứa thương nhau chừng hơn một năm thì một hôm, trên bãi cát trắng có sóng vỗ rì rào, anh nói lời từ giã Nga để hôm sau thoát ly ra khu kháng chiến... Điều đó làm Nga khóc thầm không biết bao nhiêu đêm dài. Độ một tháng sau, Nga nhận được một bức thư dài của anh từ vùng Củ Chi gửi về. Vì buồn và nhớ anh, Nga có làm một bài thơ khá dài, chú Kiên Giang có đem bài thơ này đăng báo”.

Bài thơ ấy man mác một nỗi buồn như bài thơ nổi tiếng Hai sắc hoa ti–gôn của T.T.KH ngày xưa: “Một sớm xa rời miền cát trắng/Bùi ngùi trông lại hướng rừng xanh/Nửa tình lưu luyến chân mây ấy/Còn nửa theo tôi đến thị thành. Tôi dẫm chân lên giữa bụi đời/Nào biết ra sao tự ý trời/Những lúc tưởng vui mình hạnh phúc/Nào ngờ ray rứt trái tim côi. Đọc mấy lời thơ gửi đến tôi/Bao nhiêu sầu mộng ý xa xôi/Buồn thương khó thốt nên lời lẽ/Vì cánh chim xanh rẽ lối đời. Bên gối tôi thương đấng mẹ hiền/Nửa đời sương phụ lỡ làng duyên/Vì con, mẹ giữ tròn danh tiết/Và cũng vì con gánh lụy phiền. Rồi đây giữa biển đời giông tố/Ai lái con thuyền tiếp mẫu thân/Ai sẽ ngọt bùi lau nước mắt/Cho lòng mẹ vợi chuyện phong trần. Từ đây em ép lòng xuân lại/Vì đám em thơ, đấng mẹ hiền/Ai đó yêu em xin ráng đợi/Một ngày xa lắm mới nên duyên”.

 
Thanh Nga và mẹ - bà bầu Thơ (Ảnh do gia đình Nghệ sĩ cung cấp)

Bà bầu Thơ rất tán thành chuyện Thanh Nga với người đàn ông Tây học yêu nước Nguyễn Văn Tài. Bà còn có cảm tình, nuôi dưỡng, giúp đỡ nhiều người hoạt động cách mạng trong gánh hát Thanh Minh – Thanh Nga. Trong đó, nổi bật nhất là ông Nguyễn Văn Thạch (tức Năm Thạch), người được bà bầu Thơ giao nắm quyền quản lý đoàn hát. Nhiều tuồng tích tâm lý xã hội của gánh bà bầu Thơ vì vậy luôn được gửi gắm một cách kín đáo lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm. Hậu quả là gia đình bà bầu Thơ bị liệt vào danh sách “thân Cộng”, đến nỗi ông Đổng lý văn phòng Phạm Duy Lân khi lấy Thanh Nga bị tước hết công danh, sự nghiệp. Tuy vậy, những lúc sóng gió thì Thanh Nga và bà bầu Thơ đều được một “người quốc gia” khác che chở, đó là ông Tổng trưởng Ngoại giao Phạm Đăng Lâm, một người hâm mộ Thanh Nga hết lòng.

Trở lại chuyện ông Nguyễn Văn Tài, tuy đã vào chiến khu nhưng thỉnh thoảng bà bầu Thơ vẫn sắp xếp cho con gái và ông Tài gặp gỡ. Những cuộc gặp như vậy thường bí mật, không định trước thời gian, địa điểm... Bà Lư Ánh Mai kể, năm bà 12 tuổi, trong một lần ra miền Trung, gánh hát bà bầu Thơ ngừng lại tại một khu rừng. Lúc đó ai cũng nghĩ là bà bầu Thơ muốn cho đoàn giải lao, sau mới biết đó là một cuộc hẹn được sắp sẵn cho Thanh Nga và ông Nguyễn Văn Tài nơi đó.

Nhưng rồi do xa cách, dần dần ông Nguyễn Văn Tài cũng kết hôn, còn ở chốn đô thành, Thanh Nga cũng bước tiếp những bước tình duyên trắc trở của mình. Theo tài liệu, ông Nguyễn Văn Tài bị bắt và bị tra tấn đến chết tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn vào ngày 5.12.1969, lúc đó ông là Đảng ủy viên Đảng ủy Văn hóa khu Sài Gòn – Gia Định. Cuộc tình không trọn vẹn giữa Thanh Nga và liệt sĩ Nguyễn Văn Tài đã để lại những nỗi buồn như câu thơ bà viết: “Buồn thương khó thốt nên lời lẽ”. 

Thanh Nga đã ra đi được 30 năm, nhưng bà vẫn sống mãi trong lòng đồng nghiệp và người hâm mộ. Và những câu chuyện về bà vẫn sẽ còn được nhắc tới, như một phần của huyền thoại. 

Quang Thi

  • Kỳ 7: Đường tình trắc trở
  • Kỳ 6: Dự cảm về sự ra đi
  • Kỳ 5: Cô Ba kẹo kéo 
  • Kỳ 4: Những phút cuối của một tài hoa 
  • Kỳ 3: Người chụp ảnh Sơn nữ Phà Ca trong áo quan
  • Kỳ 2: Lời khai của "người bảo vệ"
  • Kỳ 1: Thanh Nga - cành hoa trắng mộng
  • Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.