Vấn đề ngôn ngữ: Trẻ em không còn được làm cầu nối

26/11/2005 23:14 GMT+7

Bang California của Mỹ đang xem xét để đưa ra điều luật cấm trẻ em làm người phiên dịch cho cha mẹ ở các bệnh viện, phòng mạch bác sĩ, dưỡng đường… Thông tin này gặp phản ứng từ các gia đình nhập cư. Thanh Niên cuối tuần lược dịch bài viết về vấn đề này của Thuy Ngo ngày 25/11/2005 trên trang web AsianWeek.com.

Các nhà làm luật California hiện đang xem xét điều luật nhằm ngăn cấm việc trẻ em trở thành người phiên dịch tại các bệnh viện, phòng mạch bác sĩ và dưỡng đường. Chuyện này khiến tôi nhớ lại tất cả những lần mà tôi làm người phiên dịch cho mẹ tôi khi bà đến gặp bác sĩ hoặc vào bệnh viện.

Tôi không đồng tình với luật này vì thường thì người phiên dịch mà các bệnh nhân có được lại chính là con cái của họ. Các nhà làm luật đề nghị các bệnh viện phải cung cấp đội ngũ phiên dịch, nhưng với chi phí lên đến 15 triệu USD, bang có lẽ không thể cung cấp được dịch vụ phiên dịch. Một số người thậm chí đã cảnh báo rằng bác sĩ có thể không tiếp những bệnh nhân là người nhập cư nếu như họ bị buộc phải cung cấp người phiên dịch.

Trường hợp mẹ tôi đến phòng mạch bác sĩ theo lịch hẹn, nếu không có tôi ở đó, hẳn mẹ tôi không tìm được ai làm phiên dịch cho bà. Những phiên dịch viên chuyên nghiệp thì thù lao rất cao và luôn bận rộn, mẹ tôi vẫn mong ước có được người phiên dịch những khi bà cần hiểu rõ những tài liệu hoặc nói chuyện với ai đó về những vấn đề liên quan đến pháp luật và y học.

Tôi xuất thân từ một gia đình người Việt nhập cư. Tôi thuộc thế hệ được sinh ra ở Mỹ. Ngay từ khi tôi còn là một đứa bé, mẹ tôi đã nghĩ rằng tôi biết hết về tiếng Anh. Mẹ tôi cho rằng ngôn ngữ, chỉ cần biết căn bản là biết hết. Bà đã lầm.

Từ năm lớp 4, tôi đã trở thành người phiên dịch của mẹ tôi. Bất cứ khi nào bà có lịch hẹn với bác sĩ, tôi đều đi theo để giúp bà bằng việc dịch thuật. Nếu nội dung chỉ nói về những phần của cơ thể hay triệu chứng thì tôi thường làm tốt, nhưng đã có rất nhiều thuật ngữ mà tôi đã không thể hiểu được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Tôi đã học được rất nhiều điều trong những chuyến đi đó. Từ năm lớp 4, tôi đã biết được rằng trong người phụ nữ có... trứng. Tôi cũng biết rằng rất nhiều căn bệnh có triệu chứng tương tự, thế nhưng chẳng màng đến căn bệnh, người bệnh, như mẹ tôi chẳng hạn, cứ thường lặp đi lặp lại những từ như "đau nhức", "buồn nôn" hay "choáng váng, hoa mắt".

Đó là lúc mà các bác sĩ phải giải thích từ góc độ chuyên môn của mình. Ông nói với tôi về căn bệnh bằng tiếng Anh, và tôi đã phải cố hết sức, phải rặn ra từng từ để giảng giải lại bằng tiếng Việt.

Vẫn thường có khó khăn khi tôi phải dịch những tài liệu mà mẹ tôi mang về nhà sau khi đến gặp bác sĩ hay luật sư của bà. Có những lần mà cả cuốn tự điển Anh - Việt cũng không có đủ từ. Tôi cảm thấy bức bối, khó chịu vì không thể giải mã những từ đó, nhưng tôi cứ phải làm tới và vất vả suy luận với tất cả khả năng của tôi. Lúc bấy giờ tôi chẳng biết phải làm gì khác.

Tôi cảm thấy bức bối, khó chịu vì tôi biết rằng mẹ nhờ đến tôi chỉ vì bà cần tôi và không đủ sức chi trả cho một người phiên dịch chuyên nghiệp. Thu nhập của gia đình chúng tôi thấp và tiền bạc thì thật là khó kiếm. Bởi vậy, tôi đã xác định rõ rằng đi học ở trường Mỹ - cho dù đó là trường tiểu học - thì cũng đã giúp tôi làm được cái công việc là cầu nối giữa mẹ tôi và thế giới bên ngoài.

Công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng - và có thể là không phải lúc nào tôi cũng đủ khả năng để làm - nhưng đó là một phần quan trọng trong sinh hoạt của một gia đình nhập cư như gia đình tôi. Cấm đoán sự tương tác đó giữa con cái và cha mẹ, đặc biệt là khi gia đình đó không còn sự chọn lựa nào khác, theo tôi có lẽ là chuyện không đúng. Khi tôi làm công việc phiên dịch cho gia đình mình, tôi cảm thấy tôi đã làm tốt đạo làm con của mình. Tôi đã có được sự đóng góp cho gia đình.

Tôi hy vọng rằng bang nên làm thế nào để ở bất cứ nơi đâu, tất cả những người không nói được tiếng Anh đều có thể có được một người phiên dịch chuyên nghiệp khi họ cần, như khi họ đến với các cơ sở y tế. Nếu đạt được điều đó, những đứa trẻ như tôi ngày xưa sẽ chẳng cần phải học đến ngôn ngữ thứ ba - ngôn ngữ y khoa - mà chúng có thể hoặc không thể hiểu được hoàn toàn. Nhưng cho đến khi mà California cảm thấy rằng dứt khoát họ có thể cung cấp cho chúng tôi những người phiên dịch mà chúng tôi cần, thì không nên cấm những đứa con trai, con gái giúp đỡ cha mẹ chúng khi cần thiết.

Tố Loan
(lược dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.